Bài 3: Thu lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi cá sấu
Trang trại núi Hằng của anh Đa hiện có 300 con cá sấu
Bài liên quan
Nữ sinh Mỹ chụp ảnh tốt nghiệp cùng cá sấu
Facebook đối mặt với vụ kiện mới về theo dõi người dùng
Có “gan” làm giàu
Xuất phát điểm từ khó khăn nhưng với quyết tâm bám đất quê hương làm giàu, anh Bùi Đăng Đa đã thành công khi phát triển mô hình nuôi cá sấu tại quê nhà.
Kể về cơ duyên nuôi loài bò sát khổng lồ, anh Đa cho biết: “Ý tưởng mở trang trại nảy sinh khi tôi xem nhiều chương trình ti vi với những tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ nuôi một số loài thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao”.
Anh Đa cho rằng, đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu của chúng ta dần thay đổi từ ăn no, mặc ấm sang ăn ngon, mặc đẹp. Vì vậy, anh nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi các loại thủy sản cao cấp là rất lớn.
Ý tưởng đó được anh chia sẻ với gia đình nhưng với cậu thanh niên trẻ như anh nhiều người cho đó là điều quá xa vời. Bùi Đăng Đa vẫn quyết tâm vay vốn anh em, bạn bè, xin bố mẹ cầm cuốn sổ đỏ vay vốn ngân hàng chính sách huyện.
Anh Bùi Đăng Đa (áo xanh bên tay phải) rất tâm huyết với mô hình nuôi cá sấu |
Anh Bùi Đăng Đa sinh ra và lớn lên tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúc nhỏ, gia đình anh có điều kiện kinh tế khó khăn. Tốt nghiệp cấp 3, anh đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi trở về, anh Đa từng cân nhắc việc đi học tiếp hay học lấy nghề để làm vốn liếng. Cuối cùng, anh quyết định vừa học đại học để mở rộng kiến thức đồng thời tự xây dựng một cơ ngơi riêng từ chính đôi tay của mình.
Tạo việc làm cho người dân địa phương
Tích cực tham gia công tác Đoàn và từng có thời gian công tác tại Ban Thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội từ năm 2012 - 2014 đã giúp anh Đa tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
“Khoảng thời gian này đã giúp tôi tích lũy khá nhiều kiến thức. Tôi được tiếp cận với các mô hình điểm tại nhiều địa phương, học hỏi trao đổi nhiều kinh nghiệm và giảm bớt rủi ro nhờ những bài học xương máu rút ra từ các mô hình từng thất bại", anh Đa chia sẻ.
Hiện tại, trang trại núi Hằng của anh có 300 con cá sấu; 3 vạn con ba ba thương phẩm, 200 cặp ba ba bố mẹ; 20 cặp chim công… với tổng diện tích ao hồ, thực địa là 4.000 mét vuông.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngoài nuôi thương phẩm anh còn sản xuất con giống cho chính trang trại mình và vùng lân cận để đa dạng nguồn thu. Bên cạnh đó, doanh thu của anh Đa còn đến từ việc mở thêm nhà hàng với các món ăn cao cấp, thực phẩm do chính “của nhà trồng được”.
Hiện giá cá sấu thương phẩm bán ra là 200.000 đồng/kg, còn cá giống là từ 2 - 3 triệu/con tùy từng kích thước. Trừ đi các khoản chi phí, mỗi năm anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Trang trại của anh Đa còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động lao động thời vụ với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng và 3 lao động cố định với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng.
Thời điểm mới khởi nghiệp, anh Đa từng gặp nhiều khó khăn khi không được mọi ngưởi ủng hộ |
Chàng trai sinh năm 1987 mong muốn phát triển mô hình trang trại nuôi cá sấu kết hợp trồng thêm sen để cung ứng ra thị trường. Theo anh Đa, cây sen vừa dùng làm trà, thuốc và tơ từ thân có thể dệt thành sợi vải... Đồng thời, anh Đa cũng mong rằng, địa bàn xã sẽ phát triển nhiều mô hình kinh doanh hơn nữa, phát triển thành hệ thống, bổ sung, hỗ trợ cho nhau để người dân cùng vượt lên nghèo khó, làm giàu cho gia đình, xây dưng quê hương.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến rất nhiều đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, mô hình của anh Đa là hình thức tự cung, tự cấp nên ít bị ảnh hưởng hơn. Anh Bùi Đăng Đa cũng mong rằng nước ta sẽ sớm vượt qua cơn đại dịch để các doanh nghiệp, người lao động có thể quay lại phát triển sản xuất kinh doanh như cũ.
Không quên gửi gắm đến các bạn trẻ, chàng trai 8X nhắn nhủ: “Dẫn lối đến thành công có nhiều con đường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định được mục tiêu, đam mê của mình, đồng thời phải luôn tìm tòi, học hỏi để trang bị thêm những kiến thức cần thiết với nghề. Khi làm gì cũng phải có quyết tâm và đặt 100% tâm trí vào nó. Có như vậy thành công sẽ tự tìm đến với bạn”.
(Còn nữa)