Bài 3: Vì mình, vì sự sống sau này
Bài 1: Những kí ức giếng làng, giếng phố về nguồn nước sạch |
Bài 2: Qua rồi thời gian khó... |
Giữ nước sạch vì sự sống
Ai cũng biết 70% sự sống trên trái đất này là nước. Nước bao phủ phần lớn bề mặt trái đất. Với cơ thể con người, nước cũng chiếm 2/3. Với con người, nước không chỉ cần thiết cho việc ăn, uống mà còn trong sinh hoạt, tắm rửa, làm đẹp hay rất rất nhiều điều khác nữa.
Dù vậy, nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Người ta thường hay ví von “Tiền nhiều như nước sông Đà” nhưng liệu nước sông Đà có thực sự nhiều và để chúng ta dùng phung phí? Câu trả lời là không. Nguồn nước sạch trên thế giới đang bị thu hẹp, đe dọa.
Khoảng 70% hành tinh được bao phủ bởi nước, nhưng con người chỉ có thể uống 2,5% trong số đó. Phần lớn nước trên thế giới là nước đại dương. Theo National Geographic, 1% trong số 2,5% có thể uống được rất dễ tiếp cận. Phần còn lại là ở các cánh đồng tuyết và sông băng.
Nước sạch cần thiết cho sự sống trên trái đất |
Theo một báo cáo của WHO và UNICEF năm 2019, 2,2 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. 144 triệu người uống nước bề mặt chưa qua xử lý, dễ gây bệnh tật, đặc biệt là những người nghèo ở nông thôn có nguy cơ cao nhất.
Bản đồ Aqueduct của WRI phát hiện ra rằng có 17 quốc gia, chiếm một phần tư dân số thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao, bao gồm: Qatar, Israel, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Saudi Arabia, Eritrea, United Arab Emirates, San Marino, Bahrain, India, Pakistan, Turkmenistan, Oman, Botswana.
Do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, nguồn cung cấp nước có thể uống được trên thế giới đang nhanh chóng cạn kiệt. Ngành nông nghiệp sử dụng hầu hết nước trên thế giới và lãng phí một lượng lớn nước. Hơn 5 tỷ người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2050 nếu mọi thứ không thay đổi, theo nature.
Đáng sợ hơn, các bệnh do nước là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo UNICEF, tình trạng thiếu nước sạch dẫn đến cái chết của 1,6 triệu trẻ em mỗi năm. Hầu hết những đứa trẻ này sống ở các quốc gia đang phát triển và dưới 5 tuổi. Hậu quả sức khỏe của nước bị ô nhiễm bao gồm các vấn đề về dạ dày, tiêu chảy, mất nước và tử vong. Người lớn cũng phải chịu ảnh hưởng của nước không sạch.
Những con số thống kê, những ví dụ đó để cho thấy, sự cần thiết của nước sạch với sự sống ra sao và mỗi chúng ta cần phải tự biết sử dụng, trân quý nguồn nước sạch như thế nào để cho chính mình và con cháu sau này.
Văn hóa sử dụng nước sạch
Với người Hà Nội, vệ sinh và sử dụng nước cũng là một hành vi văn hóa. Tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… ở Hà Nội, du khách thường thấy nhà vệ sinh rất được chú trọng. Cùng với đó, chủ cửa hàng sẽ luôn có những hình thức nhắc nhở khách tiết kiệm nước. Tiết kiệm là dùng đúng mục đích, dùng đủ chứ không phải là tiết kiệm thì… nhịn.
Những cây lọc nước được dựng quanh hồ Gươm (Ảnh: HT) |
Bởi, người Hà Nội biết nước rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt đối với việc vệ sinh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như thế này. Trong mỗi gia đình, việc sử dụng nước cũng luôn được các bậc phụ huynh nhắc nhở và nêu gương cho con cháu.
Chị Hồng Vân (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn ám ảnh những ngày trước đây khi vùng này chưa có nước sạch. Những ngày nóng nực, những lúc cuối năm các gia đình dùng nhiều, mạch nước ngầm cạn kiệt, giếng nhà nào nhà nấy đào sâu mấy chục mét vẫn không có nước bơm lên, mấy ngày trời cả nhà, cả xóm lang thang, vật vạ, bẩn thỉu.
Hồi ấy, có dịch vụ xe chở téc nước do người dân trong vùng đứng ra bán. 800 ngàn chỉ được mấy khối nước bơm từ xe lên bể mà các nhà tranh nhau mua, ai đăng kí chậm thì hết.
Trẻ em rất thích thú trải nghiệm (Ảnh: HT) |
Tiếng xe tiếng bơm xình xịch suốt cả ngày cả đêm, cả xóm nhà nào mua được nước thì thở phào nhẹ nhõm. Công việc bề bộn mà lúc nào chị cũng như ngồi trên đống lửa. Chị thức cả đêm để chờ xe nước bơm vào bể. Từ khi được lắp nước sạch, cảnh nháo nhác ấy không còn nữa. Chị Vân và cả những người trong làng tâm đắc: "Không gì quý bằng nước sạch. So với giá phải mua xe nước ngày xưa thì giá nước bây giờ là còn quá mềm".
Đồng tình với ý kiến của chị Vân, chị Mai Phương (ở phường Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm đắc rằng từ ngày có nước sạch, nỗi lo nơm nớp dùng nguồn nước bẩn ảnh hưởng sức khỏe đã không còn khiến chị phải bận tâm nữa. Chị Phương cho rằng: "Nếu ăn, uống, dùng nguồn nước bẩn sinh bệnh tật thì hậu quả khôn lường, tiền khám chữa bệnh rất lớn. Trong khi đó, mình được dùng nước sạch, không phải lo lắng, không bị nhiễm bệnh, giảm được chi phí chữa bệnh thì nếu giá nước có tăng cũng vẫn là hạnh phúc cho người tiêu dùng".
Trong nhà trường, học sinh các cấp học cũng đều được phổ biến, hướng dẫn về tác dụng kì diệu của nước và những cách sử dụng nước văn minh. Điều này tạo nên một hệ thống tinh thần tự giác, ý thức với nguồn nước của người Hà Nội hiện nay và mai sau.
Du khách nước ngoài thoải mái sử dụng nước rửa tay và nước uống (Ảnh: HT) |
Trong khi đó, các phóng sự, bài báo phản ánh tình trạng người dân sử dụng nước sông ngòi ô nhiễm để tưới rau, trồng cây cũng rất kịp thời được đăng tải. Điều này vừa cảnh báo vừa tuyên truyền để người dân biết tác hại của nước bẩn đối với sức khỏe con người như thế nào.
Không có cơ thể nào khỏe mạnh hoàn toàn được khi dung nạp vào mình những lương thực, thực phẩm được nuôi trồng, tưới tắm bằng nước bẩn. Do đó, không chỉ là người sử dụng thông minh, người Hà Nội cũng cần văn minh hơn trong việc tạo ra các sản phẩm sạch để phục vụ đồng bào.
Thành phố Hà Nội cũng đã có rất nhiều biện pháp để cải tạo sông ngòi, xử lý nước thải. Cùng với đó, tại các bệnh viện, nơi công cộng còn luôn được lắp đặt các cây nước để người dân được đảm bảo sử dụng nước sạch. Đặc biệt quanh hồ Gươm, du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi được trải nghiệm cây nước sạch kết hợp do thành phố lắp đặt. Nhiều người không ngần ngại mang chai hứng nước uống và rửa tay, rửa mặt tại các hệ thống này.
Nước không phải tự dưng sinh ra, không thể sạch mãi nếu như chúng ta không có ý thức bảo vệ, giữ gìn. Bởi nếu không có ý thức dùng và giữ cho nguồn nước sạch thì bản thân chúng ta không được khỏe mạnh mà con cháu về sau cũng bị cạn kiệt tài nguyên nước.
Do đó, tăng cường dùng nước sạch đồng thời lựa chọn thông minh, tiêu dùng văn hóa thì chúng ta vừa bảo vệ được chính mình mà cũng bảo vệ được nguồn nước cho con cháu sau này.