Gửi trọn tình yêu Hà Nội qua từng tác phẩm
Tình yêu Thủ đô thể hiện qua từng tác phẩm “Hà Nội trong tôi” Những tác phẩm nổi tiếng trong "Hà Nội sức sống và niềm tin" Vinh danh các tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết Ký ức tự hào |
Tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm
Phát biểu tại lễ trao giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dưng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ: Thăng Long - Hà Nội là vùng "địa linh nhân kiệt", là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”; nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam; nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên; nơi sản sinh, tụ hội những bậc hiền tài của đất nước.
Những giá trị văn hóa truyền thống trong các thời kỳ lịch sử cùng các giá trị trong thời đại Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là nền tảng, động lực, nguồn lực quý báu trong xây dựng, phát triển Thủ đô hôm nay và mai sau.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại lễ trao Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024 |
Để phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong công tác xây dựng, phát triển văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, từ năm 2018 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đây là sự kiện được thành phố Hà Nội tổ chức thường niên, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo phóng viên, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng cho biết: “Năm 2024 rất đặc biệt, là năm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đây cũng là năm có số lượng tác phẩm báo chí, số đơn vị cơ quan báo chí tham dự giải nhiều nhất từ trước tới nay.
Nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội.
Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trao giải Đặc biệt tới các tác giả |
Điều đó thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm và hơn hết đó là tình yêu đối với Hà Nội của những người làm báo, các cơ quan báo chí đối với Thủ đô Hà Nội”.
Thực tế cho thấy, thông qua các tuyến bài, loạt bài, những phóng sự, kí sự tham dự giải, đây thực sự là một công cuộc “gạn đục khơi trong”, mang đến những tác dụng không hề nhỏ với nền văn hóa của mảnh đất có bề dày văn hiến và những thành tựu rất đáng tự hào.
Chưa bao giờ những nét hay, cái đẹp của Hà Nội được báo chí tập trung khai thác một cách mạnh mẽ đến mức như vậy. Những giá trị truyền thống lâu bền từ vẻ đẹp của phố cổ, những chiếc giếng lâu đời, những cổng làng gắn với tâm hồn người quê, người phố, những ngôi đình, những công trình văn hóa tâm linh… được truyền tải trọn vẹn đến người đọc.
Những phong tục tập quán, những món ăn ngon, những làng nghề và cả những giá trị cổ xưa bị mai một, thất truyền theo thời gian cũng được khai quật và khôi phục mang đến cái nhìn đa dạng, toàn cảnh về trầm tích, bề dày lớp lang những vốn quý của mảnh đất này.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải A tới các tác giả đoạt giải |
Những con người làm đẹp cho Thủ đô, những con người miệt mài ngày đêm gìn giữ, phát huy những giá trị Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội để ngàn đời sau vẫn còn được thưởng thức “tài sản” mà cha ông ta bao năm trân trọng trao truyền lại cho con cháu được tôn vinh, đề cao, tạo cảm hứng tiếp nối cho các thế hệ trẻ tiếp tục làm công việc đáng trân quý này.
Dư luận đồng tình và tâm đắc
Bên cạnh đó, báo chí cũng tập trung phản ánh những cái xấu, cái tồn tại và cả những điều bất cập trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng các công trình văn hóa, sản phẩm văn hóa, đặc biệt là những ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người Hà Nội. Những tác phẩm này là hồi chuông cảnh tỉnh, là chiếc “kính chiếu yêu” vạch ra những điều chưa hay, chưa phải, được dư luận đồng tình và tâm đắc.
Độc giả Nguyễn Hoài Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Là một người ngoại tỉnh về Hà Nội học tập và ở lại công tác, gắn bó với nơi đây, chọn nơi đây là quê hương thứ hai, thú thực thời gian đầu tôi không quan tâm lắm đến văn hóa người Hà Nội.
Tôi cứ nghĩ rằng, cứ sống theo những điều gì mình thấy đúng, thấy phải là được nhưng ông bà mình nói “nhập gia tùy tục”. Sau một thời gian hòa nhịp vào môi trường công sở và cộng đồng dân cư, tôi cảm nhận rõ mình có một số điều lạc lõng, không phù hợp.
Tôi vào các trang báo để tìm hiểu thì thấy vô cùng tâm đắc bởi những bài viết về văn hóa người Hà Nội đã chỉ ra cho tôi đúng những điều mà mình đang thiếu sót. Tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Hà Nội nói chung và văn hóa con người Hà Nội nói riêng thông qua báo chí nhiều hơn. Khi có thông tin rồi, tôi tiếp tục kiểm nghiệm, đối chiếu trong thực tế từ những người xung quanh.
Từ đó, tôi học được cách ứng xử sao cho phù hợp với môi trường văn hóa nơi đây và cảm nhận rõ rệt việc mình đang là một công dân, một yếu tố góp phần làm nên văn hóa người Hà Nội hiện đại”.
Nhà báo Ngô Vương Tuấn - báo Tuổi trẻ Thủ đô đoạt giải C với tác phẩm "Công nghiệp văn hóa: Không nói không, không nói khó” |
Anh Nam Anh (Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng: “Không thể sống ở một nơi nào mà chẳng hiểu gì về nơi đó. Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng quả thực thông qua những bài báo viết về văn hóa Hà Nội tôi mới thấy mình được bổ sung thêm rất nhiều thông tin.
Để từ đó tôi thấy rằng, dù là người Hà Nội nhiều đời cũng chưa chắc những nếp sống, cách nghĩ của mình đã là chuẩn mà cũng vẫn cần phải điều chỉnh để cho phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại. Cảm ơn sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí cung cấp cho chúng tôi những điều cần thiết để làm người Hà Nội chuẩn”.
Không dừng lại ở đó, báo chí cũng là cầu nối đưa ý kiến của các chuyên gia, nhà văn hóa để khơi gợi ra những cách làm hay, các “liều thuốc đặc trị” đối với các “căn bệnh” hay những sản phẩm lỗi mà không phải ai cũng nhìn ra được.
Các tác phẩm báo chí cũng là một kênh để lãnh đạo thành phố Hà Nội nắm bắt tình hình, đưa ra những điều chỉnh kịp thời, hợp lý trong mỗi giai đoạn trong quản lý, chỉ đạo về phát triển văn hóa Thủ đô.
Vì lẽ đó, thông qua Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, người làm báo Thủ đô và cả nước vui mừng vì được đóng vai trò “người làm vườn”, tô thắm cho những đóa hoa thanh lịch ấy.
Gợi mở nhiều vấn đề mới từ “trầm tích” văn hóa
Sau một năm tổ chức thực hiện, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, lần thứ VII - năm 2024 tiếp tục thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo phóng viên và các cơ quan báo chí.
Cụ thể, Ban Tổ chức đã tiếp nhận tổng số 345 tác phẩm của 48 đơn vị cơ quan báo chí (trong đó có 7 cơ quan báo chí Hà Nội, 41 đơn vị cơ quan báo chí Trung ương, Bộ, ngành, địa phương gửi tham dự) với đầy đủ các loại hình báo chí (108 tác phẩm báo in; 150 tác phẩm báo điện tử; 87 tác phẩm phát thanh - truyền hình).
Với tinh thần khách quan, công tâm và trách nhiệm cao, từ ngày 13/8 đến 27/8/2024, Hội đồng Sơ khảo đã tổ chức chấm giải và giới thiệu được 80 tác phẩm vào vòng Chung khảo (trong đó có 24 tác phẩm báo in, 35 tác phẩm báo điện tử, 21 tác phẩm phát thanh - truyền hình). Đáng chú ý, giải năm nay có sự tham gia của 4 cơ quan báo chí thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi.
Các tác phẩm dự thi khai thác một số khía cạnh mới về đề tài văn hóa, con người Hà Nội; việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở Hà Nội; tình cảm và khí chất của người Hà Nội ở Tây Bắc, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử...
Nhà báo Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo nhận định, các tác phẩm vào chung khảo đều chung đặc điểm là vận dụng tốt công nghệ làm báo hiện đại. Đặc biệt, báo điện tử thể hiện rõ ưu thế về công nghệ với các tác phẩm đa phương tiện như megastory, longform, e-magazine, podcast… chất lượng cao, đem lại trải nghiệm hấp dẫn hơn. Các tác phẩm có góc nhìn đa dạng, nhiều chiều. Một số “lớp trầm tích” văn hóa lâu nay ít chú ý đã được các nhà báo khai thác sâu sắc, gợi mở nhiều vấn đề…
Cán bộ, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức giải |
Sau khi có kết quả chấm vòng sơ khảo, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ trì tổ chức triển khai chấm vòng Chung khảo. Kết quả cụ thể, Hội đồng Chung khảo thống nhất lựa chọn được 34 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải (trong đó có 1 Giải Đặc biệt, 3 Giải A, 5 Giải B, 10 Giải C và 15 Giải Khuyến khích); đồng thời lựa chọn được 2 cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự đó là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và báo Kinh tế và Đô thị.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô đạt 1 giải C với loạt bài “Phát triển công nghiệp văn hóa - Không nói không, không nói khó” của nhóm tác giả Ngô Vương Tuấn, Phạm Hồng Mạnh và 2 giải Khuyến khích.
Để tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển văn hóa, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa Thủ đô vừa bảo đảm tính bảo tồn, kế thừa vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát triển công nghiệp văn hóa Thăng Long - Hà Nội thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng, đóng góp vào mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố: Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, người dân hạnh phúc.
Trên tinh thần đó, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong chính thức phát động Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VIII - năm 2025 và kêu gọi các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng giải.
Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn tất cả chúng ta cùng chung tay đóng góp để văn hóa Thăng Long - Hà Nội luôn phát triển, tỏa sáng, trường tồn cùng Thủ đô và đất nước.
Tin rằng, với tình yêu tha thiết với trái tim của cả nước, các nhà báo sẽ luôn dành tình cảm dạt dào để viết về Hà Nội với tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình.