Bài 5: 15 năm Thủ đô mở rộng và dấu ấn thanh niên
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Những công trình “đánh thức miền quê” Bài 2: Giao thoa văn hoá Thăng Long ngàn năm văn hiến Bài 3: Nối gần ngoại thành cùng “Áo xanh sư phạm” |
Anh Bùi Quang Bình, nguyên Bí thư Huyện đoàn Ứng Hoà, Hà Nội:
Đánh dấu sự đổi thay bằng những công trình, phần việc thiết thực
Tôi từng là một cán bộ Đoàn công tác tại địa phương. Dấu mốc 15 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại những thay đổi trong từng ấy thời gian của Thủ đô. Là một cán bộ, đồng thời cũng là người dân địa phương ở xứ Đoài, tôi nhận thấy, Hà Tây cũ và Hà Nội ngày nay có những bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn. Những khu đô thị mới, những tuyến đường, cây cầu “nối nhịp bờ vui” vừa tạo thuận lợi cho giao thông, giao thương giữa nội - ngoại thành vừa nâng tầm vóc Thủ đô. Độ cải thiện đời sống người dân, đặc biệt ở vùng xa trung tâm, ngày càng rõ nét. An ninh, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng... cũng có những bước phát triển rất rõ.
Anh Bùi Quang Bình, nguyên Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa |
Mọi lĩnh vực đời sống của Hà Nội đều có những bước tiến dài hơn. Góp phần vào những thành tựu ấy là sức trẻ thanh niên. Những người trẻ đang ở tuổi thanh xuân, đầy nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần góp sức vào sự phát triển của Thủ đô. 15 năm qua, tổ chức Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội, các quận, huyện, cơ sở Đoàn trực thuộc đã có nhiều việc làm thiết thực, tạo sự giao lưu, chia sẻ lẫn nhau trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Bản thân tôi cũng là người đã từng tham gia nhiều hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ sở Đoàn ở khu vực Hà Tây cũ và nội thành Hà Nội. Qua các hoạt động đó, chúng tôi gặt hái được nhiều bài học, kinh nghiệm, ý tưởng từ các bạn ở nội thành. Huyện Ứng Hoà còn được một số quận nội thành hỗ trợ xây dựng những công trình, phần việc thanh niên…
Sự giao lưu, học hỏi, cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong suốt 15 năm qua của các bạn trẻ Tràng An - xứ Đoài còn được đánh dấu bằng những công trình, phần việc, hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực. Đó là những con đường nông thôn mới có sự giúp sức của thanh niên tình nguyện, xây dựng được hàng loạt sân chơi thanh thiếu niên, nhà vệ sinh thân thiện, thư viện, hay những ngày hội giao lưu văn hoá… Tôi rất vui mừng, tự hào khi trong 15 năm ấy cũng đã có mặt trong hành trình “nối vòng tay lớn” của Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội.
Chị Nguyễn Thùy Trang, nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn hóa học:
Tạo ra không gian để phát triển văn hóa và du lịch
15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành tựu thu về rất nhiều. Kinh tế, xã hội phát triển toàn diện. Hạ tầng được mở mang, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Ba Vì, Thạch Thất cũng được quan tâm, hỗ trợ trên nhiều mặt kinh tế - xã hội. Việc mở rộng địa giới hành chính còn giúp nhiều năm qua, Thủ đô luôn được xướng danh là đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Nỗi lo về sự mai một của văn hóa xứ Đoài cũng bị xua tan phần nào khi thành phố có nhiều chính sách, huy động nhiều nguồn lực đầu tư bảo tồn di sản của cả văn hóa Thăng Long lẫn xứ Đoài.
Chị Nguyễn Thùy Trang, nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn hóa học |
Theo mình, mở rộng địa giới hành chính thực sự mang lại nhiều lợi ích cho văn hóa, du lịch của Hà Nội sau 15 năm triển khai. Điều này là tiền đề giúp thúc đẩy sự phát triển của văn hóa địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố.
Trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, việc mở rộng địa giới đã tạo ra cơ hội để tăng cường sự đa dạng và phong phú cho các hoạt động văn hóa, thu hút được nhiều du khách và người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ngoài ra, mở rộng địa giới cũng đã góp phần vào mở rộng không gian văn hóa. Các hoạt động văn hóa được tổ chức tại các khu vực mới như phố Cổ Sơn Tây; các sự kiện âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, diễn ra tại các trung tâm văn hóa mới được xây dựng… đã giúp Hà Nội trở thành một điểm đến văn hóa quan trọng của khu vực Đông Nam Á.
Với việc mở rộng địa giới, Hà Nội đã có thêm nhiều điểm đến mới cho khách du lịch khám phá. Các điểm đến này bao gồm các khu vực ngoại ô với những cảnh quan thiên nhiên đẹp như Vườn quốc gia Ba Vì, danh thắng chùa Hương... Bên cạnh đó, các khu vực trung tâm thành phố như phố Cổ, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò và các khu vực văn hóa mới cũng được nâng cấp để trở nên thu hút hơn với khách du lịch.
Việc mở rộng địa giới cũng đã giúp tăng cường sự đa dạng trong các hoạt động du lịch. Khách du lịch có thể tham gia vào các hoạt động như tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa dân tộc, thưởng thức ẩm thực đặc trưng và tham gia vào các sự kiện văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật. Nhờ đó, khách du lịch có thể có được trải nghiệm đa dạng và phong phú khi đến Hà Nội.
Chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai:
Xây dựng Nông thôn mới không phải là nhiệm vụ của riêng ai
Trong nỗ lực xây dựng Nông thôn mới của toàn thành phố, không thể không kể đến sự chung tay góp sức đắc lực của tổ chức Đoàn. Thông qua các phong trào, đề án, lực lượng đoàn viên thanh niên Thủ đô đã chung tay, góp sức hướng đến xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhớ về quãng thời gian 15 năm trước, khi ấy, tôi rất may mắn được tham gia chương trình góp phần xây dựng Nông thôn mới của Quận đoàn Hoàng phối hợp cùng các Đoàn cơ sở kết nghĩa là Huyện đoàn Phú Xuyên và Huyện đoàn Thường Tín.
Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai Nguyễn Quỳnh Trang (bên trái) trao kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình sân chơi thiếu nhi |
Thực hiện chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, mùa hè xanh, Quận đoàn Hoàng Mai đã tổ chức các đoàn thanh niên tình nguyện, tham gia các hoạt động xây dựng Nông thôn mới như phối hợp làm công tác dân vận cùng với các đơn vị quân đội, khai thông máng, mương, cống rãnh, tham gia vệ sinh môi trường, xây dựng sân chơi, sân bóng đá cho thiếu nhi.
Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp nối truyền thống của Quận đoàn trong giai đoạn trước. Tuổi trẻ Hoàng Mai đã và đang duy trì việc kết nghĩa, phối hợp với các đơn vị Huyện đoàn như: Huyện đoàn Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Tuổi trẻ quận Hoàng Mai đã tập trung thực hiện những công trình như hỗ trợ xây dựng sân chơi thiếu nhi, công trình thắp sáng đường quê rồi hỗ trợ xây dựng nhà nhân ái cho các hộ nghèo; Đồng thời, huy động nhiều lực xã hội hóa từ quận, hỗ trợ công tác xây dựng Nông thôn mới tại các huyện ngoại thành.
Chúng tôi mong muốn từ những đóng góp đó sẽ tăng cường thêm tinh thần đoàn kết giữa lực lượng, các tổ chức đoàn trên địa bàn thành phố, đồng thời hướng tới sự phát triển đồng bộ giữa các địa phương, giữa các khu vực của Hà Nội.
Theo báo cáo về công tác phối hợp giữa các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, các Quận, Huyện, Thị đoàn đồng hành với cơ sở tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, các chương trình hành động của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Các đơn vị vận động đoàn viên, thanh, thiếu nhi phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tinh thần "Tương thân tương ái", ủng hộ kinh phí hỗ trợ xây dựng sân chơi cho thiếu nhi ở địa bàn các xã khó khăn; Thăm, tặng quà cho các đối tượng gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong, trẻ em vượt khó học giỏi; Giao lưu văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao… Đoàn Thanh niên các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, giới thiệu về các địa phương đến đoàn viên, thanh niên và Nhân dân; Tổ chức các chương trình về nguồn, hoạt động hướng dẫn du lịch và hỗ trợ nghiệp vụ phát triển du lịch tại các địa phương có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề… |