Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn
“Tuyến lửa” đường Trường Sơn huyền thoại Nhớ về những chiến sĩ Trường Sơn Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng |
Chỉ học 45 ngày là ra lái
Ngày ấy, những nữ chiến sĩ tham gia đội lái xe không hề “vạm vỡ”, nhiều người thấp nhỏ, không thuận tiện cho việc lái xe nhưng họ đã vượt lên mọi sự khó khăn, cản trở để hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng Ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn kể, ngày đó, cán bộ chính trị rất ít người biết chuyên môn, thời gian đầu bà chưa biết lái xe. Sau này, bà đã học lái xe từ chính các chị em.
![]() |
Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn (bên trái) chia sẻ về những năm tháng kháng chiến |
Những cung đường nào nơi chị em lái xe đến, Bộ Tư lệnh Công binh đánh dấu để có phương án bảo vệ. Trong 45 chị em có 40 lái xe, 5 thợ sửa. Chị em làm nhiệm vụ chỉ học có 45 ngày là ra lái. Thế là từ năm 1968, có đôi bàn tay con gái lái xe vòm.
Đến cuối năm 1968, chiến tranh rất ác liệt, chị em bắt đầu tham gia vào chiến dịch. Lái xe, chị nào giỏi thì 1 người 1 xe, chị nào còn yếu thì 2 người 1 xe.
“Trên đường đi chiến trận, nam giới đã vất vả, nữ giới thì vất vả đến như thế nào. Ngày nghỉ, đêm đi, đường nhiều hố bom. Chúng tôi phân công nhau, chị em khỏe thì đi, yếu thì ở nhà làm lốp, làm nhíp.
Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm 050 ở Quảng Bình, xe chúng tôi có tiểu đội 4 chị đi trước. Trước khi đi còn làm lễ truy điệu chết trước. Đợt đầu đó, chúng tôi đã có 2 chuyến xe trót lọt. Các chị em ngày xưa bé bỏng, lực lượng rất mỏng nhưng nhiệt huyết.
Sau giải phóng, năm 1975, chúng tôi còn có 36 chị thì 19 chị là thương binh, 1 chị là chất độc da cam, 18 chị lấy chồng, 1 chị lấy chồng không có con, 2 chị đến giờ chưa có chồng”, Trung tá Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Trốn nhà đi bộ đội từ năm 16 tuổi
Cũng bằng lòng yêu nước và tinh thần anh dũng, bà Bùi Thị Vân "trốn nhà đi bộ đội" từ năm 16 tuổi. Bà từng được ví là “Hoa khôi” của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn.
Bà Bùi Thị Vân chia sẻ: “Năm 1965, khi Mỹ đánh phá rất ác liệt, lúc ấy tôi mới tròn 16 tuổi. Tôi nghĩ phải làm gì đó dù nhỏ bé để đánh Mỹ cứu nước. Thế là tôi trốn bố mẹ, tình nguyện đi thanh niên xung phong.
Tham gia thanh niên xung phong, tôi đi làm đường, làm sân bay, san lấp hố bom. Với sự nỗ lực của mình, năm 1966, tôi được kết nạp Đoàn, năm 1967 được kết nạp Đảng, năm 1968 trở thành đảng viên chính thức. 3 năm liền, tôi đều là Chiến sĩ thi đua của đơn vị”.
![]() |
Bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại |
Năm 1968, đơn vị chuyển bà sang bộ đội. Vào đến trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559 thì được lệnh chọn một số nữ có sức khỏe, nhanh nhẹn sang lái xe. Bà biết tin mà rất phấn khởi, tình nguyện ở lại học lái xe. Binh trạm chọn một số anh có tay lái vững, đưa bà và các nữ chiến sĩ ra sân bay Nam Đàn, Nghệ An, học.
“Chị em chúng tôi, người thì bé, xe thì to, ngồi lọt thỏm trong xe, ban đầu cũng sợ nhưng rồi cũng tìm ra ngay được cách khắc phục, gấp cái chăn ngồi xuống dưới, lấy cái can xăng 20 lít để dựa vào sau”, bà Vân nhớ lại.
Sau 45 ngày học vất vả, các nữ chiến sĩ chủ yếu học tay lái và sửa chữa, còn luật thì tự học. Học xong 45 ngày, mỗi người được cấp một giấy phép lái xe tạm thời. Sau đó về binh trạm, binh trạm đặt cho chị em cái tên đơn vị nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh. Đi vào hoạt động, đội nữ lái xe chở hàng hóa vào chiến trường, đưa thương bệnh binh ra Bắc chữa trị.
Bà Vân bảo: “Nhận nhiệm vụ, ngoài việc lái xe, chúng tôi còn là người bốc vác. Khi chở thương binh thì chúng tôi làm hộ lý dịu hiền để đưa các anh về trạm điều dưỡng. Năm tháng vất vả nhưng chị em đều quyết tâm và nỗ lực, chúng tôi thường nói công việc này của nam giới nhưng chị em quyết tâm thì cũng gánh vác, cũng làm được”.
Bà Vân là một trong những nữ chiến sĩ đã gặp được ý trung nhân của mình trên chặng đường chiến đấu, trên những chuyến xe mà bà vững tay lái.
Bà kể: “Một hôm, tôi chở thương binh thì gặp anh. Khi chở thương binh, chúng tôi thường cõng và khênh vác các anh lên xe. Tôi cũng cõng anh lên xe rồi đưa về trạm điều dưỡng. Anh để ý tôi nhưng lúc này chúng tôi đang chấp hành “3 khoan” - khoan yêu, khoan lấy, khoan sinh con.
Vì chấp hành tốt nên cả đơn vị chưa có chị em nào không chấp hành cả. Về trạm, anh viết thư cho tôi nhưng không dám đề tên thật, lại đề tên người khác. Tôi biết là anh nhưng tôi không trả lời vì như đã nói, tôi còn chấp hành nghiêm túc “3 khoan”.
Hôm sau tôi đến trạm điều dưỡng thì lại gặp anh. Anh hỏi tôi có nhận được lá thư mà anh bạn của anh viết cho không? Tôi bật cười, bảo không thấy. Rồi tôi bảo, yêu mà không dám nói, tôi sắp sửa xây dựng gia đình rồi đấy. Lúc đó, anh mới vội vàng nhận đấy là anh. Rồi chúng tôi quen nhau…”.
Sau này, khi về xin phép gia đình, gia đình ông cũng lăn tăn, rằng lấy cô lái xe đi đường xóc thì sao sinh con đẻ cái được. Nhờ sư quyết tâm, năm 1975, ông bà nên duyên vợ chồng, sinh được 5 cháu, 2 trai 3 gái. Bây giờ, ông bà đã có 11 cháu nội ngoại.
Những người phụ nữ đã góp phần làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”, thuộc Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam; đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trở về từ các chiến trường, họ tiếp tục có đóng góp trân quý cho cộng đồng, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường.
Tin liên quan
Đọc thêm

Bàn giao nhà nghĩa tình mừng 50 năm giải phóng miền Nam

“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa

"Nguyệt Vũ" - khơi mở cánh cửa tri thức cho trẻ em vùng cao

Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội
