Bài 52: Năng động, quyết liệt, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về CCHC
>> Tạo đột phá xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ:
Bài 51: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử
Theo báo cáo về kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của UBND TP Hà Nội, chỉ số CCHC của thành phố năm 2016 xếp thứ hạng cao, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng được Bộ Nội vụ đánh giá đạt kết quả cao nhất về tính năng động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Một số chỉ số thành phần tiếp tục được cải thiện và xếp thứ hạng cao so với các địa phương khác trên cả nước như xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Kết quả đã phản ánh sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở và trực tiếp nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của thành phố, vai trò tham mưu của cơ quan Thường trực CCHC - Sở Nội vụ và sở chuyên ngành gồm Tư pháp, Tài chính, Thông Tin và Truyền Thông, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ trong thực hiện thực hiện nhiệm vụ về công tác CCHC.
Theo báo cáo số 174/BC-UBND của UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử quý II/2017, từ tháng 3/2016, thành phố đã thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố qua hệ thống trục liên thông. 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn của thành phố đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản thống nhất và kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Hiện nay, hệ thống đang duy trì hoạt động ổn định. Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố tiếp tục duy trì là kênh tiếp nhận ý kiến góp ý, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính.
Đáng nói, trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, thành phố đã triển khai phần mềm sổ điếm điện tử cho khối THPT và THCS phiên bản dành cho giáo viên trên điện thoại thông minh (eSchool). Thành phố đã xây dựng phần mềm học bạ điện tử cho 1,7 triệu học sinh và đang tiếp tục hoàn thiện các tính năng theo yêu cầu thực tế. Tính đến hết tháng 4/2017, thành phố đã cấp hơn 70.000 tài khoản cho người sử dụng và có trên 18.000.000 lượt truy cập hệ thống. Lĩnh vực đăng, ký kinh doanh trong 5 tháng đầu năm đạt tỷ lệ 71% hồ sơ giao dịch trực tuyến, cấp phép đầu tư FDI đạt tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến là 100%...
Ngoài ra, thành phố tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực như: Đưa thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm; hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây; hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập lên Cổng Giao tiếp điện tử thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng; triển khai ứng dụng trong giám định bảo hiểm y tế; thí điểm khám và lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân tại 10 phường; triển khai hệ thống giao thông thông minh…
Đồng thời, thành phố tiếp tục có những sáng kiến trong CCHC được Bộ Nội vụ ghi nhận, đánh giá cao, như: Thí điểm thực hiện “Liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư”. Công an thành phố đã triển khai cấp căn cước công dân lưu động tại trụ sở các cơ quan, đơn vị có nhu cầu lớn; tổ chức cấp đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Một số ứng dụng công nghệ thông tin đạt được kết quả nổi bật như: Khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp; mã số định danh công dân; phần mềm tuyển sinh trực tuyến các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017; thực hiện thí điểm mô hình trường học điện tử tại quận Long Biên...
Để nâng cao chỉ số CCHC trong những năm tiếp theo một mặt tiếp tục duy trì, cải thiện những lĩnh vực công tác CCHC đạt được chỉ số thành phần cao, thành phố đã đề ra 13 giải pháp. Trong đó đáng chú ý, yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác CCHC; kịp thời, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch CCHC của thành phố thành chương trình, kế hoạch CCHC của đơn vị, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả, bố trí đủ nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác CCHC; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ CCHC được thành phố giao, đảm bảo hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu.
(còn nữa)