Bán hàng online thịnh hành nhưng shipper vẫn canh cánh nỗi lo
Trong thời gian qua, đã có trường hợp, shipper đình công không giao hàng, gây nên tình trạng ùn ứ hàng hóa |
Dịch vụ giao hàng lên ngôi
Sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến đã kéo theo việc ra đời của nhiều ứng dụng đặt hàng online và các hình thức giao nhận hàng hóa. Vai trò của đội ngũ shipper bởi thế ngày càng quan trọng khi họ chính là cầu nối giữa đơn vị kinh doanh với người mua hàng trong nền kinh tế chia sẻ.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hơn 60% người dân Việt Nam tiếp cận internet, 98% trong đó đang mua hàng qua mạng. Dịch vụ giao nhận tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM bởi thế ngày càng nở rộ.
Theo chị Trần Quỳnh Trang (cán bộ quản lí tại một công ty truyền thông nước ngoài tại Hà Nội), mùa dịch Covid-19 hạn chế ra đường và làm việc tại nhà cũng nhờ có dịch vụ giao hàng đã phát triển nên đáp ứng được hầu hết nhu cầu chuyển gửi đồ đạc, tài liệu cho đối tác và giữa các cá nhân cũng như bên bán - bên mua hàng hóa. Vai trò của nghề shipper trong mùa dịch đang thể hiện ngày càng rõ nét về tính cần thiết. Bởi nếu không có shippers, người người đều phải ra ngoài mua hàng, chuyển đồ... thì khó mà bảo đảm sự giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Cho nên, nếu cho rằng nghề shipper đã gián tiếp giúp giãn cách xã hội trong những ngày cao độ phòng tránh dịch bệnh Covid-19 cũng hoàn toàn có lí. Bởi mỗi shipper, mỗi ngày thực hiện giao hàng chục đơn hàng, cũng giúp tiết giảm hàng chục lượt người và phương tiện ra đường tham gia giao thông vô hình chung làm gia tăng mật độ trên phố, trong các hàng quán...
Một vị giám đốc điều hành của sàn thương mại điện tử chia sẻ thêm, lượt truy cập và khối lượng giao dịch qua sàn này tăng mạnh trong thời gian gần đây đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm khử trùng. Khối lượng giao dịch gia tăng cũng sẽ kéo theo nhu cầu giao hàng tăng nhiều
Là shipper, chỉ cần trung thực, có uy tín thì cũng không lo gì thiếu đơn hàng để giao, bởi các shop cũng thích có người giao hàng quen biết, lành nghề để giao hàng. Tiền công mỗi lần giao hàng khoảng 20 ngàn đồng (trong thành phố) và 30- 40 ngàn đồng cho các vùng lân cận. Nếu chăm chỉ, chịu khó thì shipper cũng thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày.
Anh Nguyễn Minh Hùng (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Mình là shipper ruột của cửa hàng quần áo hai năm nay rồi. Một ngày mình giao khoảng 10-15 đơn trong nội thành Hà Nội, phí ship giao động từ 20.000-40.000 tùy mức độ gần xa. Trung bình một ngày mình thu được hơn 300.000 đồng. Vì shop bán rất “đắt hàng” nên mình không lo thiếu việc”.
Lắm gian truân
Nhiều người cho rằng, "shipper" là nghề “ăn nên làm ra” trong thời gian này. Trên thực tế, phía sau đó là vô vàn những nỗi niềm lo lắng, vất vả riêng của các shipper. “Khối lượng công việc tăng đồng nghĩa tôi phải làm việc miệt mài, vất vả hơn. Thời gian trước, đang lúc cao điểm giao hàng có thể tranh thủ ăn vội ngoài hàng quán rồi đi giao tiếp cho hết đơn, về nhà sớm với vợ con. Nhưng bây giờ, các hàng quán đóng cửa hết, buộc lòng tôi phải chạy về nhà ăn cơm, vừa xa xôi và khá bất tiện”, anh Thành Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc xây dựng quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho bản thân "shipper" cũng như khách hàng lại hầu như không có. Đa số các doanh nghiệp đều có các quy trình chung, nhưng để chi tiết thành quy trình vận hành tiêu chuẩn SOP (quy trình thao tác chuẩn) thì không phải doanh nghiệp nào cũng có. Hầu hết các doanh nghiệp đều để cho "shipper" tự chủ động. Trong bối cảnh dịch bệnh thì không phải lúc nào "shipper" cũng có kiến thức nền tảng, cơ bản để giữ an toàn cho mình và cho khách hàng.
Người giao hàng trong quá trình làm việc tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, từ nhiều nơi khác nhau, có thể sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng diễn biến thêm phức tạp. Điển hình như trường hợp một tài xế xe công nghệ tại Đà Nẵng dương tính Covid-19 đi nhiều nơi, dự 2 đám cưới ở Quảng Nam và tiếp xúc với nhiều khách hàng. Trường hợp trên ảnh hưởng trực tiếp đến các "shipper" và cả những người thường sử dụng dịch vụ đặt hàng giao tận nơi.
Ông PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho biết, việc khuyến khích hình thức mua bán online để hạn chế việc người dân ra đường và tụ tập đông người, tránh lây lan dịch bệnh thời điểm này thực sự cần thiết. Tuy nhiên, người bán hàng phải áp dụng những biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là duy trì thói quen đeo khẩu trang; giữ bàn tay luôn sạch; thực hiện sát khuẩn gói hàng.
Anh Đặng Văn Hoàng, kỹ thuật viên kiêm bộ phận giao hàng lắp đặt máy lọc nước, cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, chúng em buộc phải tìm mua khẩu trang, giá cao bao nhiêu cũng phải mua vì đi giao hàng lắp đặt máy không có khẩu trang và khử trùng bằng nước rửa tay khô khách sẽ cấm cửa. Hơn nữa, mùa này đi gặp gỡ biết bao người, phải đề phòng cho mình và cả cho khách hàng nữa”.
Thêm vào đó, thời tiết Hà Nội những ngày này nắng nóng gay gắt, giữa trưa nắng nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Đến giờ cao điểm, lượng đơn dồn dập cộng với thời tiết nắng nóng khiến nhiều shipper dường như kiệt sức.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận xe ôm công nghệ đưa ra những chính sách về định mức, hoa hồng còn bất cập khiến các shipper phản ứng gay gắt. Thậm chí có trường hợp họ tổ chức đình công để phải đối dẫn tới hàng hóa bị ùn ứ không được giao tới khách hàng…
Còn không ít ấm ức, tủi hờn mà shipper nào cũng phải trải qua. Họ như những "chú ong thợ" cần mẫn vẫn mải miết hòa vào dòng người tấp nập với lỉnh kỉnh hàng hóa…