Shipper lại “lao” ra đường trong những ngày hàng quán Hà Nội chỉ bán mang về
Ấm lòng mùa dịch: “Ưu tiên” riêng của shipper giao hàng Tin tức giải trí mới nhất ngày 23/3: Hài hước với bộ hình “làm tội” các anh shipper, Hồ Thu Anh vô tình tạo trend mới |
Cơ hội trong mùa dịch
Có mặt tại những quán ăn mở cửa phục vụ khách mang về và các shipper, đều dễ dàng nhận thấy lượng đặt mua của người dân tăng cao. Nhiều quán ăn lớn, có món ngon, được khuyến mại thì shipper phải đứng xếp hàng dài đến cả vài trăm mét. Trên đường phố, hình ảnh các shipper giao đồ ăn với những bộ đồng phục đến từ nhiều hãng khác nhau ngày càng đông hơn, thường xuyên hơn.
Lý giải về điều này, anh Nguyễn Văn Hòa (29 tuổi) là một shipper của hãng Grab cho rằng: “Mùa dịch, người dân đi lại cũng hạn chế nên các đơn đặt chuyến đi giảm khá mạnh. Bù lại, đơn đặt đồ ăn lại tăng đáng kể do các hàng quán không tiếp khách ăn trực tiếp mà chỉ bán mang về. Khách hàng cũng ngại tập trung đông người, chờ đợi để mua đồ ăn nên việc giao cho shipper chúng tôi là lựa chọn quá tiện lợi”.
Hình ảnh các shipper tập trung, xếp hàng dài trước các quán ăn lớn, nhỏ trong mùa dịch đã không còn xa lạ |
Đồng tình với anh Hòa, shipper Trung Hải (20 tuổi) chạy cho hãng Baemin, chia sẻ: “Đặt trên ứng dụng thậm chí còn rẻ hơn là tự đi mua nên khách hàng rất chuộng. Mình còn gặp trường hợp khách đặt ngày 4 bữa trên ứng dụng. Từ ngày quán xá chỉ bán mang về, lượng đơn dồn dập, mình cứ giao xong đơn này thì đã có đơn khác liền”.
Nhiều shipper khác cũng chia sẻ rằng, mùa dịch họ làm không hết việc, chỉ khi nào tắt app, ngừng nhận đơn thì mới được nghỉ. Nếu nhận đơn cả ngày, họ có thể chạy đến đỏ lửa bô xe. Thêm vào đó, những mặt hàng khác cũng mua bán online tạo cơ hội cho các shipper càng thêm nhiều việc. “Giao đồ ăn thoải mái, nhẹ nhàng hơn nhiều so với chở khách. Chuyện khách bùng hàng bây giờ gần như không còn. Mà nếu có bùng thì công ty cũng sẽ hỗ trợ”, một tài xế Grab nói.
Với họ, cứ có việc là mừng vì nhu cầu lớn nhất vẫn là mưu sinh, kiếm thu nhập nuôi gia đình. Từ thu nhập 200 đến 300 ngàn đồng mỗi ngày, con số này có thể tăng trong những ngày cao điểm là 400 ngàn đồng.
Cơ hội nhiều, khó khăn cũng không ít
Kiếm được nhiều tiền, nhưng các shipper này cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm trong thời tiết nắng nóng và tình hình dịch bệnh phức tạp. Anh Hoàng Nguyên (shipper, quê ở Thanh Hóa) chia sẻ: “Một ngày tôi chạy tới gần trăm cây số, đi đến hết các ngõ ngách của Hà Nội. Có hôm tôi còn giao hàng ngay cạnh khu vực cách ly, sợ toát mồ hôi. Phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, chỉ sợ mình thành F1, F2 lúc nào không hay”.
Trong thời tiết nắng nóng 40 độ, các tài xế vẫn phải tuân thủ mặc áo đồng phục. Mặc áo ngắn tay thì cháy nắng, các shipper phải mặc áo khoác đồng phục để tránh nóng. Mồ hôi, cái nóng nực như chảo rang giữa trưa - thời gian cao điểm để giao đồ ăn đã làm nhiều chàng thanh niên hoa mắt, chóng mặt chứ đừng nói là các shipper lớn tuổi.
Nắng nóng, chờ đợi là điều không thể tránh khỏi khi các shipper làm việc |
Nhiều nhà hàng quá tải đơn, khiến các shipper phải xếp hàng dài, chờ đợi đến cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng. Khách gọi giục vì đơn chậm, đòi hủy đơn cũng đành chịu. Nhiều khách hàng nóng tính còn gây ra tranh cãi với tài xế.
Thêm vào đó, ngày càng có nhiều người đăng kí chạy xe ông công nghệ, nên sự cạnh tranh, nguy cơ giảm việc làm là nỗi lo với nhiều người.
Tuy có nhiều vất vả, nguy hiểm rình rập nhưng các tài xế này vẫn cố bám trụ với nghề. Bởi họ cho rằng, tình hình dịch bệnh khó khăn, nhiều người còn thất nghiệp, không có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. May mắn có việc, họ đành dốc sức cố gắng vì “miếng cơm, manh áo” và hi vọng tình hình dịch bệnh sớm qua đi.
Đến đại lý Nissan giao đồ ăn, anh chàng shipper tiện tay “tậu” luôn cho mình một chiếc xế hộp |
Bài 2: Ông chủ kiêm shipper với những “lối thoát” mới |