Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đang “phớt lờ” chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí?
"Ngó lơ" chỉ đạo?
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, mặc dù thẩm quyền của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP Hồ Chí Minh là lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn thiện hồ sơ và chuyển đến UBND thành phố xử phạt theo quy định tuy nhiên quá trình thực thi pháp luật, cơ quan này tự ban hành luôn quyết định xử phạt dù chưa được giao quyền.
Sau khi báo đăng tải bài viết, ngày 9/6, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn “khẩn” chỉ đạo BQL ATTP thành phố có văn bản phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức ký công văn "khẩn" chỉ đạo BQL ATTP TP Hồ Chí Minh có văn bản trả lời báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc |
Cụ thể, tại Công văn số 2500/UBND-VX, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức đã chỉ đạo BQL ATTP TP Hồ Chí Minh có công văn gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô để cung cấp thông tin liên quan đến bài viết: Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh có xử lý vi phạm “vượt quyền”?; Đồng thời, đề nghị hướng xử lý đối với bài viết theo quy định.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản đôn đốc, chỉ đạo BQL ATTP thành phố cung cấp thông tin cho báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Trước đó, vào ngày 12/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn “khẩn” số 4499/VP-VX, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức giao BQL ATTP nghiên cứu văn bản, cung cấp thông tin cho phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô theo quy định; Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố.
Văn bản chỉ đạo rõ ràng như vậy, tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ BQL ATTP TP Hồ Chí Minh.
Đã 2 lần UBND TP Hồ Chí Minh có công văn "khẩn" chỉ đạo BQL ATTP trả lời báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc nhưng đơn vị này vẫn "ngó lơ" |
Ngoài ra, cũng liên quan đến vụ việc trên, trước đó ngày 26/4, phóng viên đã liên hệ BQL ATTP TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu và xác minh thông tin. Sau đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP chỉ nhắn tin cho phóng viên và cho biết đã phân công phòng chức năng liên hệ làm việc. Từ đó đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
BQL ATTP đang xử lý “vượt quyền”?
Như đã thông tin ở bài trước, BQL ATTP TP Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập BQL ATTP TP Hồ Chí Minh.
Mô hình thí điểm này ra đời trên cơ sở tập hợp lực lượng quản lý về ATTP từ 3 Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong tổ chức khi triển khai các vấn đề liên quan đến ATTP.
Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh có đang "vượt quyền" khi ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính dù không thuộc thẩm quyền? |
Đến nay, BQL ATTP TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 6 năm thực hiện thí điểm mô hình và bước đầu có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp của BQL ATTP mang lại, thời gian gần đây, dư luận bất ngờ trước thông tin về việc đơn vị này có dấu hiệu “vượt quyền” khi ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính dù không thuộc thẩm quyền.
Cụ thể, hiện nay, BQL ATTP TP Hồ Chí Minh chưa được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao, công chức, viên chức có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn thiện hồ sơ để BQL ATTP chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Tuy nhiên, theo phản ánh và hồ sơ thể hiện, từ khi thành lập đến nay, BQL ATTP đã ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bất chấp việc cơ quan có thẩm quyền có đồng ý hay không.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, từ quý IV/2017 đến tháng 5/2022, BQL ATTP thành phố đã tiến hành thanh, kiểm tra 28.694 cơ sở, phát hiện 2.258 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 7,87%), xử phạt vi phạm hành chính 2.234 cơ sở, với số tiền phạt hơn 31,3 tỷ đồng.
Về việc này, tại Báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập BQL ATTP, ngày 7/7/2022, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, BQL ATTP mới chỉ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; Chưa có chức năng thanh tra hành chính. Việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP trước đây BQL áp dụng theo chức danh tương đương nhưng hiện nay, do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi không còn chức danh tương đương nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp khó khăn về cơ sở pháp lý.
Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm. Trong đó, TP đề xuất cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm; Sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành tại Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập BQL ATTP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của BQL trong công tác xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính…
Lo ngại chồng chéo khi thành lập Sở ATTP
Trước đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Bộ Tư Pháp cũng đã lên tiếng và có văn bản phản hồi.
Đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, tại Công văn số 6274/BYT-PC ngày 3/11/2022, Bộ Y tế cho rằng: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020: Không có các chức danh liên quan đến BQL ATTP có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ có quy định các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt.
Đồng thời, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thanh tra thì việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành và giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Hiện nay, BQL ATTP chưa được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao; Công chức, viên chức có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của BQL ATTP có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn thiện hồ sơ để BQL ATTP chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo quy định”, văn bản Bộ Y tế nêu.
Bộ Y tế khẳng định, hiện nay BQL ATTP TP Hồ Chí Minh chưa được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, mà chỉ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm rồi hoàn thiện hồ sơ chuyển lên cấp có thẩm quyền để xử phạt |
Riêng về nội dung kiến nghị, đề xuất thành lập Sở ATTP, ngày 14/11/2022, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời UBND TP Hồ Chí Minh, qua đó cho biết: Việc thành lập Sở ATTP với chức năng, nhiệm vụ được nêu tại dự thảo đề án sẽ gây chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Trường hợp UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng việc thành lập Sở ATTP là thật sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì cần xây dựng đề án để tổ chức lại các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chuyển nhiệm vụ vệ sinh ATTP từ các cơ quan này về Sở ATTP (nếu được thành lập)…”, văn bản Bộ Tư pháp nêu.
Văn bản của Bộ Tư pháp cho rằng, việc thành lập Sở ATTP với chức năng, nhiệm vụ được nêu tại dự thảo đề án sẽ gây chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở khác |
Ngoài ra, liên quan đến đề án thành lập Sở ATTP, tại phiên họp thứ 23 ngày 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó có đề xuất thành lập Sở ATTP.
Về việc này, Trưởng ban Công tác Đại biểu - thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với việc thành lập thêm Sở ATTP nhưng cũng cho rằng việc tách nội dung quản lý Nhà nước thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương về Sở ATTP cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng khi hình thành ra thêm một Sở nữa; Hiệu quả vận hành của lĩnh vực này sẽ như thế nào, Chính phủ cần báo cáo đánh giá tác động thấu đáo và đầy đủ hơn.
Ngoài ra, theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII không được tăng thêm đầu mối và biên chế; Trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp Vụ, Cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị theo thẩm quyền.
Phiên họp thứ 23 ngày 12/5, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó có đề xuất thành lập Sở ATTP (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam) |
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu chỉ thành lập thêm Sở ATTP như một số Sở khác, Chính phủ chỉ cần báo cáo với Bộ Chính trị đồng ý thẩm quyền, không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội. Việc thành lập Sở ATTP lại chuyển một số chức năng, nhiệm vụ từ các Sở khác về Sở ATTP, điều này khác với một số quy định trong luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Có những địa phương không có Sở Du lịch nhưng có những địa phương thấy cần thiết như TP Hồ Chí Minh thành lập thêm Sở Du lịch nhưng Sở Du lịch làm đúng chức năng, chỉ tách từ văn hóa, thể thao, du lịch ra và có một số nguyên tắc trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và Bộ Chính trị đồng ý thì thuộc thẩm quyền của thành phố, Chính phủ cho phép thành lập. Tuy nhiên, đây lại liên quan đến một số luật, không chỉ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mà còn về chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy chính quyền địa phương, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là lý do cần quy định trong nghị quyết của Quốc hội. Về việc này, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo với Bộ Chính trị”.