Báo động những căn bệnh nguy hiểm bắt nguồn từ ma túy
Việc lạm dụng chất ma túy còn có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như loạn thần - rối loạn suy nghĩ, hoang tưởng, đôi khi mắc chứng ảo thanh (nghe thấy tiếng nói không có thực); Có các hành động gây hại cho bản thân hoặc cho người khác dẫn đến tử vong, giết người mà không làm chủ được trạng thái, tinh thần của mình. Để tìm hiểu rõ hơn về những hệ lụy do ma túy gây ra, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện Sức khỏe Tâm thần về vấn đề này.
Xin bác sĩ cho biết, tình trạng nghiện ma túy trong giới trẻ hiện nay, đối tượng và độ tuổi sử dụng ma túy có phải đang ngày càng trẻ hóa?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Trước đây, chất gây nghiện chủ yếu là thuốc phiện, sau thêm heroin, rượu, thuốc lá, thuốc lá điện tử rồi nay là Ketamine, thuốc lắc, nấm ảo giác, khí cười... Đặc biệt là, thời gian gần đây, một số đối tượng trẻ còn có xu hướng trộn nhiều loại ma túy để sử dụng.
Nếu như hai năm trước, ở Hà Nội nổi lên loại “nước xoài” một dạng ma túy nặng quảng cáo 100% xoài nguyên chất, bao bì rất đẹp, giá 2 triệu đồng/gói, thì bây giờ là “kẹo socola” – một dạng ma túy mạnh hơn cần sa vài chục lần, có khả năng kích hoạt gen gây loạn thần, rồi loại thuốc lá điện tử có cần sa tổng hợp.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần báo động về tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện bị rối loạn tâm thần |
Với ma trận các chất gây nghiện để “đón lõng” trẻ vị thành niên như thế, tỉ lệ thanh, thiếu niên sử dụng và lạm dụng nicotine, rượu, cần sa, methamphetamine, MDMA, N20... khá nhiều. Một nghiên cứu cho thấy có 12,4% trẻ từ 12-17 tuổi đã sử dụng cần sa ít nhất một lần trong năm đó, và đối với thanh niên từ 18-25 tuổi, con số này là 35%. 1,8% trẻ 12–17 tuổi lạm dụng chất kích thích kê đơn, 7,5% thanh niên 18–25 tuổi cũng vậy.
Đặc biệt, trước đây, sử dụng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới, thì nay, tỉ lệ đó gần như ngang nhau. Đặc biệt là tỉ lệ thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Bác sĩ đánh giá như thế nào về tác hại của ma túy đối với người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ? Ma túy có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm như nào thưa bác sĩ?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hậu quả của việc sử dụng chất gây nghiện là rất lớn với bệnh nhân. Theo đó, bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh xa lánh. Từ đó, bệnh nhân càng thấy cô đơn, lo âu, trầm cảm… và sẽ càng dùng chất nhiều hơn. Và vòng luẩn quẩn là bệnh càng nặng.
Việc lạm dụng chất gây nghiện, cần sa làm khiếm khuyết cấu trúc và chức năng của não. Những trẻ sử dụng ma túy nhiều năm sẽ giảm thể tích hồi hải mã, vỏ não trước trán, tiểu não, khiến cho suy giảm trí nhớ, sự chú ý và tốc độ xử lý thông tin, cũng như chức năng điều hành, việc lập kế hoạch, giải quyết các vấn đề.
Cùng với đó, việc lạm dụng chất gây nghiện sẽ làm biến đổi chất dẫn truyền tế bào não, dẫn đến suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn tình dục, rối loạn hành vi. Đặc biệt, sử dụng cần sa sẽ làm kích thích gen rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân có người thân mắc bệnh này. Đó cũng là lý do mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc cấp phép lái xe cho người mắc bệnh tâm thần và tiền sử bị bệnh tâm thần.
Điều trị cho bệnh nhân nghiện chất |
Nghiêm trọng hơn, với người sử dụng ma tuý đá thì các hậu quả tâm thần dài hạn có thể gặp như không còn các khoái cảm thông thường, không còn hứng thú; Loạn thần - rối loạn suy nghĩ, hoang tưởng, đôi khi mắc chứng ảo thanh (nghe thấy tiếng nói không có thực); Có các hành động gây hại cho bản thân hoặc cho người khác dẫn đến tử vong, giết người mà không làm chủ được trạng thái, tinh thần của mình.
Theo bác sĩ, để từng bước kiểm soát, đẩy lùi tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ, thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: Hiện đã có nhiều loại thuốc chữa rối loạn tâm thần do ma túy. Song liệu pháp dựa vào gia đình trong điều trị trẻ sử dụng ma túy vô cùng quan trọng. Ngay khi phát hiện trẻ sử dụng chất gây nghiện, gia đình cần tỏ rõ thái độ và đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Hầu hết trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần theo dõi, giải quyết những vấn đề của trẻ, để trẻ không tái sử dụng chất gây nghiện.
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp giới trẻ tránh xa ma túy, các cơ quan, đơn vị chức năng cần có sự phối hợp với các đơn vị, địa phương phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy cho các đối tượng có nguy cơ cao. Đưa giáo dục, nhận thức về tác hại của ma túy vào nội dung dạy học ở nhà trường; Yêu cầu gia đình và nhà trường đồng hành, quản lý sát sao sinh hoạt của học sinh; Tạo nếp sống lành mạnh.
Đặc biệt, lực lượng chức năng cần phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, thực hiện các biện pháp quản lý, phòng ngừa để hạn chế thấp nhất tội phạm về ma túy.
Trân trọng cảm ơn!