Bảo hiểm y tế - Tấm thẻ an sinh của người bệnh
Gia đình khánh kiệt vì không có BHYT
Với nhiều người dân, chỉ khi mắc bệnh hiểm nghèo phải nằm viện điều trị lâu dài, họ mới thấy được giá trị của tấm thẻ BHYT. Giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân là lợi ích thiết thực mà tấm thẻ BHYT mang lại. Đặc biệt, với người có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau, bệnh tật thì giá trị của việc tham gia BHYT càng nhân lên gấp bội. Thực tế, vẫn có nhiều trường hợp phải bán hết tài sản, vay chạy khắp nơi để chữa bệnh vì không có thẻ BHYT.
Đơn cử như trường hợp của ông Lê Đức Bằng (55 tuổi, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, Nam Định). Trong lúc sửa mái bếp, ông Bằng không may bị trượt chân ngã xuống đất gây chấn thương sọ não nghiêm trọng. Hoàn cảnh khó khăn, lại không có BHYT nên viện phí, thuốc thang đang là gánh nặng lớn với gia đình người nông dân nghèo.
Nhắc đến tình hình hiện tại của ông Lê Đức Bằng, cán bộ phòng Công tác xã hội Bệnh viện Việt Đức không khỏi lo lắng: "Bệnh nhân Lê Đức Bằng có hoàn cảnh khó khăn, bị ngã từ trên cao xuống dẫn đến chấn thương sọ não. Hiện bệnh nhân đã được phẫu thuật hút máu tụ, chuyển sang khoa hồi tỉnh. Do không có BHYT nên chi phí điều trị khá lớn, gia đình phải tự túc hoàn toàn dẫn đến nhiều khó khăn".
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, khoảng 8h sáng ngày 17/5 vừa qua, trong lúc trèo lên mái nhà sửa chỗ dột, ông Bằng dẫm phải mảnh ngói mục, bị trượt chân ngã xuống đất từ độ cao 3 mét. Nghe thấy tiếng động lớn, con trai chạy đến thì thấy cha đã bất tỉnh, vội đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Sau khi chụp chiếu và sơ cứu tại bệnh viện huyện, ông Bằng lập tức được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị chấn thương sọ não, xuất huyết dưới nhện lan tỏa, chảy máu não thất bán cầu (T), chấn thương hàm mặt và vỡ phức tạp nhiều xương. Sau khi phẫu thuật hút máu tụ trong não, ông tiếp tục được điều trị viêm màng não và viêm phổi, đến khi hết viêm mới cai máy thở.
Bệnh nhân Lê Đức Bằng đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức |
Điều đáng lo ngại nhất lúc này là ông Bằng không có BHYT. Riêng tiền thuốc đã tốn khoảng 3,5 triệu đồng/ngày mà quá trình điều trị còn kéo dài. Từ lúc ông nhập viện đến nay, gia đình đã chạy vạy khắp nơi mới vay được 150 triệu đồng đóng viện phí.
Trong khi đó, gia đình ông Bằng thuộc diện khó khăn ở địa phương. Hai vợ chồng vốn làm nông, có 3 người con, con trai lớn đã lập gia đình, hiện đang cùng mẹ chăm sóc bố. Con trai thứ hai làm thợ nhôm kính, con gái út mới học lớp 3. Các con đều là lao động thu nhập thấp, dù cố gắng gom góp cũng chẳng đủ tiền cho bố chữa trị.
"Chúng tôi bất lực, dù đã tìm đủ mọi cách nhưng chẳng thể lo được cho bố. Không có BHYT nên chi phí tốn kém quá, gia đình cũng khánh kiệt", anh Lê Hoàng Khang, con trai ông Bằng chia sẻ.
Ông Trần Minh Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Hải Phương xác nhận: ông Lê Đức Bằng là công dân địa phương, vừa qua không may bị ngã chấn thương sọ não, đang được điều trị ở Bệnh viện Việt Đức. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ chồng ông Bằng đều làm nông. Rất mong cộng đồng chung tay, giúp đỡ ông có thêm kinh phí chữa trị.
Không chỉ riêng trường hợp của ông Lê Đức Bằng, cuối tháng 4 vừa qua, BHXH thành phố Hà Nội nhận được đơn đề nghị hỗ trợ tiền đóng BHYT của bà Lê Thị Dung (sinh năm 1956; trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa) và bà Lê Thị Anh Đào (sinh năm 1958; trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai).
Nội dung đơn đề nghị nêu rõ, hai bà đã hết tuổi lao động, không có lương hưu, hiện phải đi làm thuê kiếm sống, lại chưa đến tuổi hưởng chính sách trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi. Các con của hai bà hiện không có công việc mang lại thu nhập đều đặn, gia cảnh khó khăn, nên dù muốn tham gia BHYT, gia đình cũng không đủ điều kiện, cần đến sự trợ giúp từ nguồn lực xã hội…
"Phao cứu sinh" cho người mắc bệnh hiểm nghèo
Càng ngày, điểm tựa an sinh của người dân càng được củng cố vững chắc khi số người tham gia tăng lên, số người thụ hưởng cũng tăng, thậm chí nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng viện phí, giúp bệnh nhân có cơ hội phục hồi sức khỏe, giúp gia đình giảm những “gánh lo”.
Tiếp tục khẳng định vai trò của chính sách BHYT, nhiều trường hợp bệnh nhân được Quỹ BHYT thanh toán viện phí với số tiền hàng tỷ đồng trong thời gian từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4/2024.
Nhờ có BHYT nhiều người bệnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh |
Đứng đầu danh sách là bệnh nhân có mã thẻ TE1303622XXXXX (trú tại phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), được chi trả 4,465 tỷ đồng cho quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường type, suy thận. Tiếp đến là bệnh nhân có mã thẻ TE1171721XXXXXX (trú tại phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), được chi trả hơn 4,372 tỷ đồng cho quá trình điều trị bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền.
Mức thanh toán viện phí từ 2,534 tỷ đồng đến 3,687 tỷ đồng dành cho nhiều bệnh nhân BHYT khác, trong đó có bệnh nhân mã thẻ TE1010131XXXXXX (trú tại xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội) với bệnh tích lũy glycogen.
Ngoài những trường hợp nêu trên, nguồn Quỹ BHYT chi cho công tác khám, chữa bệnh tăng đều hằng năm. Đáng chú ý, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, mức chi BHYT tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với số tiền chi tăng gần 5.600 tỷ đồng. So với nguồn dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2024, số tiền đã chi trong 4 tháng đầu năm chiếm khoảng 37%.
Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh. Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi ốm đau.