Tag

Báo Nhân dân tiên phong trong lan tỏa giá trị văn hóa Hà Nội

Người Hà Nội 24/03/2025 16:25
aa
TTTĐ - Tại hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", Ths. Nguyễn Ngọc Thanh - Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân dân điện tử Báo Nhân dân đã có bài tham luận hết sức tâm huyết. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí.
Lan tỏa nếp sống văn minh, thanh lịch bằng tình yêu Hà Nội Báo chí đồng hành, đưa văn hoá thành nguồn lực phát triển Thủ đô Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Tự hào về giá trị truyền thống

Lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, văn hóa ẩm thực… Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào về giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân dân điện tử Báo Nhân Dân phát biểu tại toạ đàm

Với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người. Thời gian qua, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án… gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tuy nhiên, trước với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ tồn tại, hạn chế.

Sau một thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Đây là bước đổi mới về tư duy trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bởi lẽ, khái niệm người Hà Nội thanh lịch, văn minh - nét đẹp của người Hà Nội lâu nay - là khái niệm được hiểu còn khá chung chung.

Điều này gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, nhất là với những đối tượng là người nhập cư, mới tiếp xúc với văn hóa Hà Nội. Với việc ban hành 2 quy tắc ứng xử, thành phố đã cụ thể hoá khái niệm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành những tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ để người dân có thể thực hiện. Nói cách khác, là từ khái niệm mang nặng tính “định tính”, thành những tiêu chí có tính “định lượng”, rõ ràng, rành mạch.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội quyết tâm và đi đầu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trước khi bộ quy tắc ra đời, rất nhiều nhà nghiên cứu, người làm công tác văn hóa và không ít người dân có tâm với Hà Nội đều bày tỏ lo ngại và thẳng thắn chỉ ra rằng “văn hóa Hà Nội đang thực sự có vấn đề” và ứng xử của một bộ phận người dân Thủ đô đang “lệch chuẩn”.

Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương đã từng chia sẻ trên Báo Đất Việt năm 2013 rằng: “Lối ứng xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa, kiểu ăn nói “lệch chuẩn”, nhất là ở giới trẻ. Nhiều fan cuồng ồn ào, la hét, quỳ mọp dưới chân thần tượng nhưng lại kiệm lời, không biết nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”.

“Ngoài đường phố, dù một va chạm nhỏ, người ta cũng không tiếc lời rủa xả nhau. Người đáng tuổi con cũng túm ngực người đáng tuổi cha chú và nói câu: “Thằng già! Biến ngay cho nước trong”… Ở cơ quan, người ta ăn cắp, câu giờ của Nhà nước, kiếm chuyện làm quà, chén chú chén anh”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long thì bày tỏ: “Dân mình xưa nay trọng lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, ra đường thì biết giúp người khác. Có điều cuộc sống hiện đại với nhịp sống gấp gáp giờ đã cuốn trôi nhiều giá trị, trong đó có chuyện coi nhẹ việc học lễ nghĩa, học văn hóa ứng xử từ nhà ra đến đường phố, học ý thức chia sẻ, nhường nhịn, quan tâm đến mọi người”.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, hàng loạt cơ quan thông tấn, báo chí cũng lên tiếng về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử tại Hà Nội như những hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên đầy gấp gáp với các bài: “Không ngờ văn hóa ứng xử Hà Nội xuống cấp trầm trọng như thế" (Tạp chí Giáo dục Việt nam, 21/7/2012); “Văn hóa xuống cấp, Hà Nội chả khác một cái chợ" (Báo Vietnamnet, 24/7/2012); “Hà Nội tồn tại một số hành vi ứng xử thiếu văn hóa” (Báo Tuổi trẻ, 2/11/2014), “Hà Nội là Thủ đô chứ không phải làng xã” (Báo Pháp luật, 18/8/2019), “Báo động văn hóa ứng xử “lệch chuẩn” nơi công cộng” (Chương trình Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, 18/1/2015)…

Trong bài viết “30 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa folklore ở Hà Nội”, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: “Thăng Long - Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có một sắc thái ngôn ngữ riêng, một cách ứng xử giao tiếp riêng: Ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”. Thế nhưng, trải qua thăng trầm của lịch sử, cùng nhịp chảy của hội nhập, những gấp gáp của mưu sinh và sự ồ ạt nhập cư của những người từ địa phương khác… đã khiến những “tế vi, tao nhã” của người Hà Nội bị lãng quên, nếp sống văn minh đô thị không còn được chú trọng.

Giờ đây, ngay trong lòng Thủ đô, ở nơi đáng lẽ cần phải thanh lịch nhưng chúng ta vẫn dễ dàng nghe thấy những câu văng tục, chửi bậy rất thô của không ít người. Các di tích văn hóa, lịch sử nhằng nhịt chữ viết bậy. Người ta xả rác bừa bãi, ở bất cứ nơi nào trừ nhà mình; sẵn sàng cho trẻ con tè, ị ngay ở vỉa hè; dắt chó ghếch chân phóng uế ở bất cứ đâu thấy tiện; xe cộ phóng nhanh, vượt ẩu tranh nhau từng mét đường… Tất cả trở thành hiện tượng thường thấy ngay tại Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tuyên truyền bền bỉ và hiệu quả

Trước hiện trạng như vậy, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đã lên tiếng khẳng định: Đã tới lúc cần chấn chỉnh lại văn hóa ứng xử nơi công cộng ở thành phố Hà Nội.

PGS. TS Phạm Quốc Sử cho rằng: “Chính thời điểm này là lúc người ta chợt giật mình, nhận thấy mình đã khác quá, và thấy cần thiết phải tìm lại chính mình, tìm lại một thời thanh lịch, nhã nhặn và nghĩa cử”. Và ông còn nhấn mạnh: "Đừng để văn hóa ứng xử của người Hà Nội như diều mất dây".

Còn theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, để có thể biến Hà Nội trở thành một đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp, thì không thể chỉ động viên, giáo dục suông.

Trong bối cảnh đó, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội ra đời theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội đã đáp ứng đòi hỏi tất yếu của thực tiễn, với mục đích từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trên thực tế, vấn đề chấn chỉnh văn hóa ứng xử của người Hà Nội không phải lúc đó mới được đề cập tới, mà từ lâu đã được đưa ra bàn luận.

Năm 2012, Hà Nội đã tiến hành xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội tầm nhìn 2020” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chủ trì, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Cuối năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo “Góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với 3 chuyên đề: Quy tắc ứng xử tại cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học; Quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp; Quy tắc ứng xử tại khu dân cư và nơi công cộng, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu…

Được biết, đơn vị chủ trì và thực hiện đề án này không chỉ dựa vào sự thu thập ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa mà còn khảo sát, điều tra xã hội học trên nhiều địa bàn của thành phố với tinh thần khoa học, khách quan và thận trọng.

Như vậy có thể thấy, Bộ quy tắc này được hình thành với cơ sở vững chắc, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn, được nghiên cứu rất công phu, thận trọng. Bộ quy tắc đã cụ thể, chi tiết hóa những quy tắc ứng xử trong nhiều trường hợp cụ thể, tuy không mang tính bắt buộc nhưng có tính nhắc nhở, định hướng cao.

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác định việc triển khai thực hiện Bộ Quy tắc là việc làm thường xuyên và lâu dài, nhằm hình thành, duy trì những chuẩn mực văn hóa, những nét đẹp trong ứng xử hằng ngày của người Hà Nội. Nhiều phường, xã, thị trấn đã vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Bộ Quy tắc đã tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức, dần hình thành văn hóa ứng xử văn minh trong cộng đồng.

Những khẩu hiệu như “Nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai” trên xe buýt không chỉ còn dừng lại ở khẩu hiệu, mà đã trở thành cử chỉ văn minh của bất kỳ ai khi đi xe buýt; nhiều hàng ghế đá quanh hồ Tây, hồ Gươm không còn bị chiếm dụng là nơi bán hàng nước di động của một số cá nhân mà thực sự đã trở thành chỗ dừng chân cho khách bộ hành nghỉ ngơi, thư giãn và thả mình trong không gian thoáng đạt, trong lành của hồ nước mênh mông; nhiều khu vực công cộng được cải tạo thành những vườn hoa nhỏ để người dân tụ tập hàn huyên, gắn kết tình làng nghĩa xóm…

Những thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những mô hình điểm, cách làm hay vì đời sống văn hóa cộng đồng.

Có thể kể đến như mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại quận Bắc Từ Liêm; mô hình “Tuổi trẻ Sơn Tây tuyên truyền trực quan Quy tắc ứng xử nơi công cộng”, hay mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã được triển khai từ cuối năm 2022 đến nay tại một số quận, huyện như Ba Đình, Cầu Giấy, Ðống Ða, Hoài Ðức, Thanh Trì, Mê Linh...

Những mô hình, cách làm hay được thực hiện từ tổ dân phố, khu dân cư ấy giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng tham gia xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh.

Sự chuyển biến tích cực diễn ra ngay cả ở các cơ quan công quyền, trụ sở tiếp dân. Khảo sát ở một số cơ quan công quyền từ xã, phường, quận huyện đến các sở ngành của Thành phố cho thấy các hiện tượng, hình ảnh phản cảm về thái độ ứng xử của cán bộ công chức khi phục vụ, giao tiếp với công dân gây bức xúc trong dư luận như trước đây đã được khắc phục, không còn xảy ra thường xuyên nữa.

Nhiều mô hình như “Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện”, “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”…; nhiều điển hình cán bộ, công chức sẵn sàng phục vụ người dân giải quyết các thủ tục hành chính ngoài giờ quy định đã được biểu dương.

Việc giải quyết hồ sơ hành chính có tỷ lệ đúng hẹn được nâng lên, từ 95% năm 2017 lên 99,8% năm 2022. Năm 2022, thành phố Hà Nội đứng thứ 3 trên cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, với 89,58 điểm. So sánh trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong 3 năm gần đây, Hà Nội đã có cố gắng vượt bậc, vươn từ vị trí thứ 8 năm 2020 (86,07 điểm), thứ 10 năm 2021 (88,54 điểm) lên vị trí thứ 3 năm 2022 (tăng 1,04% điểm số và 7 bậc so với năm trước). Đó là những con số biết nói, minh chứng cho sự chuyển biến tích cực mà Hà Nội đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn minh Thủ đô.

Có thể nói, từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau hơn 8 năm triển khai, với những cách làm sáng tạo, sát với thực tiễn, nhiều mô hình hiệu quả, Bộ quy tắc đã từng bước đi vào cuộc sống. Việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã thu hút được sự quan tâm của người dân, định hướng người dân những việc nên làm và không nên làm ở nơi công cộng, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực trong ứng xử, điều chỉnh thái độ, hành vi nơi công cộng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, do Hà Nội là nơi hội tụ dân cư của nhiều tỉnh, thành phố, vùng miền của cả nước nên văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức người dân có khác biệt, cộng thêm việc dân cư thường xuyên biến động nên việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh các đơn vị triển khai hiệu quả mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử còn có những đơn vị chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai nghiêm túc theo hướng dẫn.

Ngoài ra, thay đổi nhận thức và thói quen của người dân là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nên Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng theo đó cũng cần được thực hiện thường xuyên và liên tục. Nói cách khác, việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở Thủ đô Hà Nội cần được xác định là việc lâu dài, bền bỉ, mà trên hành trình đó vai trò của truyền thông nói chung và của các cơ quan thông tấn báo chí nói riêng là rất quan trọng.

Báo Nhân Dân góp phần tuyên truyền, định hướng văn hóa ứng xử cho người dân Thủ đô

Vừa là bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng, vì thế bên cạnh chức năng phản ánh, tuyên truyền, báo chí còn có vai trò định hướng, hình thành, lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử. Xác định vai trò như vậy, trước tình trạng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân, đồng hành cùng UBND thành phố Hà Nội trong việc tuyên truyền người dân thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, Báo Nhân dân đã có nhiều bài viết phản ánh kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực, góp phần chấn chỉnh hành vi thiếu chuẩn, xây dựng văn hóa ứng xử trong xã hội ở thủ đô Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung.

Một loạt các bài viết như “Ứng xử văn minh, thân thiện trong vận tải hành khách công cộng”, “Gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội”, “Hành vi ứng xử văn hóa trong giới trẻ”, “Văn hóa xếp hàng”… đã phản ánh kịp thời hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội như: Bệnh thờ ơ, vô cảm, lối sống vị kỷ, ứng xử lệch chuẩn, phản văn hóa, kém văn minh... qua đó rung lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử, rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Hay các bài “Những mô hình kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng”, “Nhân rộng những mô hình văn hóa tiêu biểu”, “Những làng văn hóa kiểu mẫu”… đã góp phần tuyên truyền các mô hình đẹp, cách làm hay để xây dựng nếp sống văn minh, là bài học cho các địa phương, các đơn vị khác tham khảo và thực hiện, đồng thời giúp định hướng hành vi ứng xử cho người dân.

Đồng hành cùng các chủ trương, chiến lược của thành phố trong công tác xây dựng nếp sống văn minh, mà cụ thể là văn minh trên vỉa hè, Báo Nhân dân xây dựng chủ đề nóng “Giành lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ” với một loạt bài viết chất lượng, phản ánh các hiện tượng lấn chiếm lòng đường vỉa hè một cách thiếu ý thức của người dân, sự chậm trễ vào cuộc của một số cơ quan chính quyền, đồng thời ca ngợi những đơn vị, địa phương đã làm quyết liệt, hiệu quả.

Không dừng lại ở các bài lẻ, trên trang nhất báo giấy hằng ngày, tại chuyên mục “Cùng suy ngẫm” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết nhận diện và thẳng thắn chỉ ra những hành vi chưa đẹp, chưa văn minh của người dân. Điển hình như bài “Hai vụ việc đáng suy nghĩ” chỉ rõ hành vi đi lấn làn đường gây nguy hiểm của xe ô-tô công vụ đã bị xử phạt nghiêm minh, “Nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông” chỉ rõ hành vi vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ tại Hà Nội của học sinh, sinh viên và trách nhiệm thuộc về ai,…

Chuyên trang Hà Nội - nơi bạn đọc có thể tìm đọc mọi vấn đề, tri thức, sự kiện… ở Hà Nội và liên quan tới Hà Nội - cũng dành riêng một chuyên mục mang tên “Nhỏ nhẹ nhắc nhau” để chỉ ra những hành vi ứng xử chưa đẹp, những hiện tượng còn xấu xí trong đời sống văn hóa người Hà Nội. Một loạt các bài viết rất được quan tâm trong đó như “Không nên lạm dụng” nhắc nhở người dân không nên sử dụng nước từ các cột nước công cộng vào mục đích tư lợi riêng, “Giữ ý thức khi đi tàu điện” nhắc nhở việc nhiều người đứng chụp ảnh, cười nói ầm ĩ gây ảnh hưởng những người khác đi tàu điện, “Chuyện trong ngõ nhỏ” ghi lại câu chuyện về việc xe cộ đi lại bấm còi ầm ĩ, rú ga, chen chúc trong các ngõ nhỏ, thiếu trật tự và thậm chí là sẵn sàng to tiếng cãi vã khi va quệt nhẹ… Đúng như tên gọi của chuyên mục, mỗi câu chuyện trong đó sẽ là một lời nhắc nhở để mọi người soi vào và tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi, thái độ, cách ứng xử của bản thân.

Để xây dựng một nếp sống văn minh cho người dân, nhận diện, phản ánh và lên án là chưa đủ, quan trọng không kém là việc thay đổi nhận thức của người dân, hướng người dân tới một đời sống văn hóa, văn minh và nhân văn hơn. Nói cách khác, để chuẩn mực văn hóa ứng xử “ăn sâu, bám rễ” trong cộng đồng, báo chí cần thường xuyên đăng tải những bài viết về gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những hành động đẹp trong ứng xử của người dân Thủ đô, từ đó giúp thay đổi hành vi, cách ứng xử trong cộng đồng.

Đó cũng chính là mục đích các bài viết trong tiểu mục “Người tốt, việc tốt” thuộc chuyên mục Xã hội - Báo Nhân dân Điện tử. Các bài viết “Nữ nhân viên Nội Bài trả lại khách chiếc ví chứa hơn 100 triệu đồng bỏ quên”, “Gian hàng 0 đồng vì người bệnh” kể câu chuyện về một gian hàng đặc biệt của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tặng quà cho những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện… là những câu chuyện đẹp, những nét đẹp về văn hóa ứng xử mà Báo Nhân dân với chức năng thông tin của mình đã lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Rõ ràng, việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, tổ chức, trong đó có lực lượng báo chí cả nước. Báo chí góp phần lan tỏa những hành vi ứng xử văn hóa một cách sâu rộng, tạo hiệu ứng tôn vinh, làm theo những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, trong gia đình và trong toàn xã hội...

Báo Nhân dân với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, là tiếng nói của Nhân dân, đã, đang và sẽ luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn cho người dân Thủ đô và một nếp sống văn minh, văn hóa ở thành phố Hà Nội nói chung và trên cả nước nói riêng.

Báo Nhân dân tiên phong trong lan tỏa giá trị văn hóa Hà Nội

Đọc thêm

Ngọn lửa đam mê sáng tạo trong trái tim người thợ trẻ Thủ đô Người Hà Nội

Ngọn lửa đam mê sáng tạo trong trái tim người thợ trẻ Thủ đô

TTTĐ - Gương mẫu, tỉ mỉ, ham học hỏi và sáng tạo là những tố chất cần có của một người công nhân công nghệ ô tô - đó không chỉ là lời chia sẻ tâm huyết mà còn là kim chỉ nam trong suốt hành trình nghề nghiệp của Hà Công Bảo - kỹ thuật viên trẻ tuổi, Tổ trưởng Tổ sửa chữa nhanh tại Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội). Như một sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực bền bỉ, anh đã vinh dự đón nhận danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2024.
Người Hà Nội hào hoa và tràn đầy tình yêu hòa bình Người Hà Nội

Người Hà Nội hào hoa và tràn đầy tình yêu hòa bình

TTTĐ - Với tình yêu hòa bình tha thiết, với tinh thần tiên phong không ngừng nghỉ, suốt những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người Hà Nội cho thấy nét hào hoa và sáng tạo tuyệt vời của mình. Chính vì thế, truyền thống ấy hôm nay được kể lại để lớp lớp con cháu hôm nay và sau này cảm phục, tự hào về cha anh của mình.
Yêu Tổ quốc hơn qua những thước phim… Nhịp điệu cuộc sống

Yêu Tổ quốc hơn qua những thước phim…

TTTĐ - “Vừa ra khỏi phòng chiếu, tôi hít một hơi dài căng lồng ngực bầu không khí của Hà Nội, bầu không khí của tự do. Tôi ngước nhìn bầu trời xanh thẳm trên đầu. Tôi thấy yêu hơn từng con đường mình đi, yêu hơn từng mái nhà trên phố, yêu cả những cây xanh và những người không quen biết”. Đó là tâm sự của bạn Lê Minh (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) sau khi xem phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”.
Hơn 50.000 phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ chào mừng đại lễ 30/4 Người Hà Nội

Hơn 50.000 phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ chào mừng đại lễ 30/4

TTTĐ - Ngày 26/4, hơn 50.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã đồng diễn dân vũ trên nền nhạc Liên khúc "Đất nước trọn niềm vui" và "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh".
Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn Người Hà Nội

Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn

TTTĐ - Từ ngày thành lập đến năm 1975, Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh, thường gọi là Trung đội “tóc dài” lái xe Trường Sơn đã hoàn thành hàng nghìn chuyến xe, vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa, hàng trăm nghìn lượt bộ đội và thương binh vào Nam, ra Bắc. Trên những chuyến xe đó, họ vừa là “thợ lái”, vừa là hộ lý, khiêng cáng thương binh... không quản ngại bất cứ việc gì.
Bàn giao nhà nghĩa tình mừng 50 năm giải phóng miền Nam Người Hà Nội

Bàn giao nhà nghĩa tình mừng 50 năm giải phóng miền Nam

TTTĐ - Chiều 25/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức lễ bàn giao công trình sửa nhà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Những người phụ nữ kiên trung phía sau chiến trường bão lửa Người Hà Nội

Những người phụ nữ kiên trung phía sau chiến trường bão lửa

TTTĐ - Chiến tranh lùi xa nhưng có những người phụ nữ vẫn mang trong mình những vết thương không hình hài - vết thương của sự mất mát, của tháng năm tảo tần, lặng lẽ chờ đợi, hy sinh vì một mái nhà, vì một người chồng đã trở về không còn nguyên vẹn hoặc không bao giờ trở về nữa.
Tri ân những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” Người Hà Nội

Tri ân những nữ chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

TTTĐ - Những người con gái Hà Nội mảnh mai năm xưa, sục sôi nhiệt huyết, xếp lại bút nghiên, rời xa gia đình, tình nguyện tham gia các đơn vị thanh niên xung phong của Thủ đô, dấn thân vào “tuyến lửa”, chẳng ngại gian khổ, hi sinh, dâng hiến tuổi xuân, cùng quân và dân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội Người Hà Nội

“Hồi sinh” mang đến không gian sáng tạo cho Hà Nội

TTTĐ - Tác phẩm nghệ thuật “Hồi sinh” cây xà cừ đổ sau bão Yagi giữa lòng Hà Nội của Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn chính thức ra mắt mang đến không gian sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa Người Hà Nội

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

TTTĐ - Hai dự thảo Nghị quyết về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại và văn hóa không chỉ thể chế hóa tầm nhìn chiến lược của Hà Nội mà còn mở ra những mô hình mới, tiên phong trong phát triển sáng tạo, quản trị văn hóa đô thị.
Xem thêm