Tag

Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Người Hà Nội 23/03/2025 13:05
aa
TTTĐ - Người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là một biểu tượng truyền thống, mà còn là giá trị cần gìn giữ trong đời sống hiện đại. Trong hành trình ấy, báo chí và truyền thông đang âm thầm vun đắp, lan tỏa thói quen đẹp, ứng xử hay - làm nên bản sắc sống động của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô Độc đáo cách quảng bá văn hóa Hà Nội của người trẻ Hồi ức phố xưa nhà cũ... Văn hóa Hà Nội - “tấm danh thiếp” của Thủ đô thời hội nhập Văn hóa Hà Nội sáng tạo, tỏa sáng và hội nhập

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Trong chiều sâu lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, con người không chỉ là chủ thể làm nên văn hóa mà còn là hiện thân sống động của văn hóa. Hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã từ lâu trở thành niềm tự hào, là một dấu ấn nhận diện không thể trộn lẫn giữa muôn vàn sắc màu đô thị.

Trên hành trình gìn giữ, phát triển và lan tỏa những giá trị ấy trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa, báo chí và truyền thông giữ một vai trò vô cùng đặc biệt như chiếc gương phản chiếu, như ngọn đèn soi đường và người bạn đồng hành bền bỉ trong việc xây dựng lối sống đô thị văn minh, giàu bản sắc.

Hà Nội là vùng đất hội tụ tinh hoa, nơi giao thoa của truyền thống và hiện đại, của bản sắc dân tộc và xu hướng toàn cầu. Chính vì vậy, việc gìn giữ, phát huy văn hóa Hà thành không thể chỉ dừng lại ở việc bảo tồn các di tích vật thể mà quan trọng hơn là bồi đắp, lan tỏa văn hóa ứng xử, lối sống thanh lịch - thứ “di sản mềm” được truyền qua nhiều thế hệ.

Trải qua bao biến động, hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn được vun đắp và khẳng định bằng chính hành vi ứng xử hằng ngày: Cách ăn mặc giản dị mà tinh tế, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, thái độ nhã nhặn, cách ứng xử linh hoạt mà chuẩn mực trong đời sống đô thị… Đó là nét đẹp Tràng An - nền nếp đã thành phong hóa, thấm sâu vào cốt cách người Hà Nội.

Tuy nhiên, giữa nhịp sống hiện đại với nhiều thay đổi về giá trị, chuẩn mực, lối sống, không ít biểu hiện lệch chuẩn đã xuất hiện. Tình trạng ứng xử kém văn minh nơi công cộng, xâm phạm di tích, ăn mặc phản cảm tại không gian linh thiêng, thờ ơ với môi trường sống, thậm chí thái độ thô lỗ trên mạng xã hội… đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc điều chỉnh hành vi, phục hồi những giá trị văn hóa đã từng là niềm tự hào của người Hà Nội.

Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Từ năm 2017, Hà Nội đã ban hành hai quy tắc ứng xử quan trọng: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Đây được xem là những văn bản mềm, không mang tính chế tài nhưng có vai trò định hướng rất lớn đối với nhận thức và hành vi xã hội. Hai bộ quy tắc này đề cao yếu tố văn hóa, khuyến khích hành vi đẹp, nâng cao ý thức giữ gìn hình ảnh Thủ đô văn minh - hiện đại - thanh lịch - nghĩa tình.

Điểm đáng chú ý là nội dung các quy tắc được thể hiện một cách dung dị, gần gũi, phù hợp với cả người dân lẫn du khách. Không có những mệnh lệnh khô cứng, thay vào đó là lời nhắc nhẹ nhàng, khuyến khích việc “nói lời hay - làm việc đẹp - sống có trách nhiệm”. Từ cách cư xử nơi công sở đến hành vi ở công viên, trên vỉa hè, trong khu phố cổ… tất cả đều được khơi gợi tinh thần tự trọng, ý thức cộng đồng và lòng yêu thành phố.

Tuy nhiên, quy tắc dù hay đến đâu cũng sẽ chỉ dừng lại trên giấy nếu không được thấm vào đời sống. Đây chính là lúc vai trò của báo chí và truyền thông trở nên đặc biệt quan trọng. Không chỉ đơn thuần là công cụ chuyển tải thông tin, báo chí còn là người kể chuyện, người khơi gợi, người truyền cảm hứng và dẫn dắt tư duy xã hội theo hướng tích cực.

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã thể hiện rất rõ vai trò đồng hành với thành phố trong công tác tuyên truyền, lan tỏa văn hóa ứng xử. Qua mỗi bài viết, từng phóng sự, từng chiến dịch truyền thông, các nhà báo đã đưa quy tắc đi vào đời sống bằng ngôn ngữ gần gũi, sinh động và nhân văn.

Từ những bài phản ánh thực trạng người dân vứt rác bừa bãi, nói tục nơi công cộng, đến các tuyến bài tôn vinh hành động đẹp như nhặt rác ven hồ, giúp người già qua đường, hay giữ gìn không gian chùa chiền… tất cả đều góp phần định hình lối sống đẹp, truyền cảm hứng hành xử văn minh trong cộng đồng.

Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Báo Tuổi trẻ Thủ đô - với thế mạnh là diễn đàn của đoàn viên, thanh niên, sinh viên Thủ đô và tuổi trẻ cả nước - đã tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục về nét đẹp người Hà Nội, nếp sống thanh lịch trong trường học, trên phố cổ, trong đời sống thường nhật. Các chiến dịch truyền thông được triển khai dưới nhiều hình thức sáng tạo, từ bài viết, video clip, emagazine, infographic, podcast đến tọa đàm trực tuyến, trực tiếp giúp tiếp cận đa dạng đối tượng độc giả - đặc biệt là giới trẻ.

Trong dòng chảy chuyển đổi số mạnh mẽ, báo chí và truyền thông cũng chuyển mình để bắt kịp xu thế mới: Lan tỏa văn hóa qua mạng xã hội, ứng dụng công nghệ đa phương tiện, sản xuất nội dung ngắn gọn, ấn tượng nhưng vẫn sâu sắc.

Nhiều đơn vị báo chí kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung, nghệ sĩ, KOLs để kể lại những câu chuyện Hà Nội theo góc nhìn trẻ trung, hấp dẫn. Một clip ngắn về cách đi lễ đầu năm đúng văn hóa, một bộ ảnh chụp tại Văn Miếu cùng lời dẫn đầy tính biểu tượng, một loạt podcast kể chuyện phố cổ… đều là những cách làm báo mới, góp phần nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội, tình yêu văn hóa trong cộng đồng.

Cùng với đó, sự phát triển của công nghiệp văn hóa tại Hà Nội đã mở ra không gian sáng tạo đa dạng để văn hóa truyền thống được hồi sinh dưới hình thức mới. Hà Nội - thành phố sáng tạo của UNESCO - không chỉ là nơi giữ gìn mà còn là nơi kiến tạo văn hóa. Từ nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, thủ công mỹ nghệ đến phim ảnh, thời trang, ẩm thực… đều đang trở thành nguồn lực phát triển. Báo chí - với vai trò đồng hành, phản biện và lan tỏa - chính là cầu nối đưa các sản phẩm văn hóa sáng tạo đến gần hơn với công chúng.

Một điểm nhấn nữa là việc số hóa di tích - xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số văn hóa - đang mang đến cơ hội rất lớn cho báo chí tham gia kiến tạo trải nghiệm văn hóa mới. Những ứng dụng tham quan di tích bằng công nghệ thực tế ảo, bản đồ du lịch thông minh, trò chơi tương tác về lịch sử Hà Nội... cần được truyền thông mạnh mẽ để người dân - đặc biệt là giới trẻ - thấy rằng di sản không chỉ thuộc về quá khứ, mà còn hiện diện trong đời sống hôm nay bằng những hình thức gần gũi, hiện đại và thú vị.

Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Không gian Hồ Gươm - trái tim của Hà Nội - đang được cải tạo với tinh thần "gìn giữ quá khứ - kiến tạo tương lai". Việc xây dựng cột mốc Km số 0 tại vườn hoa Lý Thái Tổ là một biểu tượng mới, đánh dấu bước chuyển mình của Thủ đô trong cách ứng xử với di sản: Không phủ định cái cũ, cũng không dừng lại ở việc giữ nguyên hiện trạng, mà đổi mới trên nền tảng gìn giữ cốt lõi văn hóa.

Công trình ấy dù nhỏ bé vẫn mang ý nghĩa lớn, nếu được truyền thông đúng cách, trở thành nơi lan tỏa thông điệp văn minh, là điểm check-in, là nơi bắt đầu những hành trình khám phá Việt Nam - bắt đầu từ Hà Nội.

Văn hóa không phải là khái niệm trừu tượng hay xa vời. Văn hóa chính là hành vi hàng ngày: Lời chào hỏi, cách mỉm cười, cách giữ yên lặng nơi cần tôn nghiêm, cách ăn mặc không phô trương ở nơi công cộng… Để làm được điều ấy, không chỉ cần những khẩu hiệu hô hào, mà cần sự tác động lâu dài, sâu sắc và tinh tế - điều mà báo chí, truyền thông hoàn toàn có thể thực hiện bằng nghiệp vụ, bằng tâm huyết và trách nhiệm xã hội.

Hà Nội hôm nay đang từng bước trở thành một thành phố đáng sống - nơi con người được truyền cảm hứng để sống đẹp, sống nhân văn. Hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là “thương hiệu mềm” của Thủ đô - một thương hiệu cần được bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa bằng hành động cụ thể, thiết thực. Báo chí, truyền thông không chỉ đưa tin mà còn dẫn đường; không chỉ phản ánh mà còn truyền cảm hứng; không chỉ tuyên truyền mà còn kiến tạo giá trị.

Báo chí - người kể chuyện thầm lặng của văn hóa Hà Nội

Giữ gìn văn hóa không phải là níu kéo quá khứ mà là để có một tương lai bền vững và giàu bản sắc. Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, ngày càng hiện đại nhưng không bao giờ quên nguồn cội - nơi hình thành nên phẩm chất Tràng An trong từng con người. Trong hành trình ấy, báo chí sẽ luôn là người đồng hành, lặng lẽ, kiên trì, đầy đam mê và trách nhiệm.

Đọc thêm

Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng Người Hà Nội

Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng

TTTĐ - Trong hơn 6.000 di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội, nhiều nơi đã “bắt kịp” hơi thở của thời đại, ứng dụng công nghệ để số hóa, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, mang lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách và người dân. Đền Rừng là một trong số những di tích đó.
Không tăng giá vé từ cảng Ao Tiên đi Cô Tô Người Hà Nội

Không tăng giá vé từ cảng Ao Tiên đi Cô Tô

TTTĐ - Trước thông tin về khả năng tăng giá vé tàu từ cảng cao cấp Ao Tiên đi các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cùng UBND huyện Cô Tô đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp vận tải hành khách để làm rõ vấn đề.
Bài 1: Huyền tích ngôi đền linh thiêng ven sông Hồng Người Hà Nội

Bài 1: Huyền tích ngôi đền linh thiêng ven sông Hồng

TTTĐ - Nằm ven sông Hồng, ngôi đền Rừng hướng ra sông Hồng quanh năm mát mẻ và rộn ràng câu hát Văn. Theo lời giới thiệu của những thanh đồng, tôi đã có dịp đặt chân tới đền Rừng và được nghe những câu chuyện tâm linh huyền bí ở ngôi đền cổ hơn một trăm năm trước.
Hạnh phúc vì “ngôi nhà xưa” đầm ấm, khang trang Nhịp điệu cuộc sống

Hạnh phúc vì “ngôi nhà xưa” đầm ấm, khang trang

TTTĐ - Là người đặt nền móng và phát triển ấn phẩm từ bản tin nội bộ thành tờ báo Tuổi trẻ Thủ đô, nữ Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn vô cùng tâm huyết và dõi theo những hoạt động của báo. Nhân dịp 40 năm báo Tuổi trẻ Thủ đô xuất bản số đầu tiên, bà Khúc Nga hồ hởi dành cho chúng tôi - thế hệ phóng viên đi sau cuộc trò chuyện tâm tình đầy ắp những kỷ niệm vui buồn dưới “mái nhà” 19 Lý Thường Kiệt.
Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, nhân lên những giá trị nhân văn Người Hà Nội

Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, nhân lên những giá trị nhân văn

TTTĐ - Trong suốt 40 năm qua, bên cạnh việc phát triển nội dung, thương hiệu, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, báo Tuổi trẻ Thủ đô còn miệt mài, tích cực với các hoạt động an sinh xã hội rộng khắp trên các tỉnh, thành cả nước. Từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ… nơi nào khó khăn cũng có dấu ấn của những người làm báo đến từ Thủ đô - trái tim thiêng liêng của cả nước. Lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, đan chặt những cánh tay để khối đại đoàn kết dân tộc được thêm vững chắc, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, những giá trị tốt đẹp của Việt Nam vì thế được cùng nhân lên và tỏa sáng.
Tháng ba mùa xuân đi qua ngõ Người Hà Nội

Tháng ba mùa xuân đi qua ngõ

TTTĐ - Cái rét cắt da ở lại trong năm cũ, cái nắng cháy bỏng của mùa hè còn nấp sau những áng mây dày nặng hơi nước, tháng ba là lúc mùa xuân chín, dần đi qua ngõ, dần trôi đi với bao kỉ niệm đẹp đẽ chúng ta đã có thêm trong đời…
Những câu chuyện đậm chất Hà Nội trên sóng phát thanh, truyền hình Người Hà Nội

Những câu chuyện đậm chất Hà Nội trên sóng phát thanh, truyền hình

TTTĐ - Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và chính quyền TP, cùng với báo chí Thủ đô, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội luôn tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Quảng bá văn hóa đời thường, đậm chất riêng có của người Hà Nội Người Hà Nội

Quảng bá văn hóa đời thường, đậm chất riêng có của người Hà Nội

TTTĐ - Các bài viết, phóng sự, chương trình truyền hình về văn hóa ứng xử, lối sống thanh lịch đã trở thành kênh thông tin hữu ích, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của sự thanh lịch, văn minh trong đời sống hiện đại.
Nâng cao hiệu quả truyền thông, mang lại giá trị tích cực cho Thủ đô Người Hà Nội

Nâng cao hiệu quả truyền thông, mang lại giá trị tích cực cho Thủ đô

TTTĐ - Chiều 24/3, Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Đây là dịp để các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như các địa phương tại Hà Nội khẳng định vai trò của những người cầm bút cũng như đưa ra các ý kiến tham góp, hiến kế nhằm "gạn đục khơi trong" với tâm huyết và trách nhiệm giúp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao hiệu quả của truyền thông, mang lại những giá trị tích cực của Thủ đô trong thời đại mới.
Trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong đấu tranh với tin giả Người Hà Nội

Trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong đấu tranh với tin giả

TTTĐ - Khi xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc, báo chí phải kịp thời “giải độc” thông tin nhanh chóng bằng nguồn tin xác thực, tin cậy giúp người dân nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Xem thêm