Bão Yagi lệch hướng Nam, có thể đi thẳng vào Hà Nội
Tại Hà Nội, từ chiều và tối nay, bão có thể gây gió giật cấp 6 đến cấp 10, kèm theo mưa lớn với lượng mưa từ 150 - 350mm. Người dân không nên ra khỏi nhà vào thời điểm chiều tối khi gió mạnh nhất.
Tâm bão số 3 (Yagi) đang có dấu hiệu lệch Nam |
Bão Yagi giảm 1 cấp, áp sát Quảng Ninh - Hải Phòng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 11h30 ngày 7/9, bão số 3 đã tiệm cận bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình. Tại Hà Nội, bão sẽ tác động chậm hơn các vùng ven biển. Từ 15-16h ngày 7/9, thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9 - 10, có thể gây ngập úng, cây gãy đổ…
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10…
Bão đã gây mưa vừa, mưa to ở phía Đông Bắc Bộ. Tại Cửa Ông (Quảng Ninh) mưa 113mm, Cẩm Phả 110mm, Cát Bà (Hải Phòng) 86 mm.
Dự báo 1 đến 3 giờ tới, vùng tâm bão vào Quảng Ninh - Hải Phòng cường độ cấp 10 - 12 rồi đi sâu vào đất liền. Từ giờ đến chiều từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 9 đến cấp 12.
Trong đó, Quảng Ninh - Hải Phòng gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 11 - 15; Thái Bình đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 13. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên gió mạnh cấp 7 - 8.
Cây đổ dè lên ô tô sau trận mưa lớn chiều 6/9 |
Khẩn trương, quyết liệt ứng phó
Tại Hà Nội, cơn bão số 3 có tác động chậm hơn, tuy nhiên mưa gió từ đêm qua và ngày càng lớn dần.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân ở Hà Nội không nên ra khỏi nhà vào thời điểm chiều tối khi gió mạnh nhất cây đổ, mái tôn, biển quảng cáo rơi. Từ trưa 7/9 trở đi là thời điểm mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ dồn dập đến hết đêm 7/9.
Tính đến sáng 7/9, các sự cố do bão số 3 gây ra đã được quận Ba Đình xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn phòng chống bão số 3, sáng 7/9, quận Ba Đình xảy ra 10 sự cố đổ cây, 1 sự cố tốc mái; quận cũng tiến hành tháo dỡ 20 pano, biển quảng cáo có nguy cơ gây nguy hiểm. Các sự cố đổ cây trên địa bàn đã được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh và các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND huyện Thanh Trì đã chủ động các biện pháp, nhằm ứng phó kịp thời. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện và Chi cục Phòng, chống thiên tai thành phố đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại sông Nhuệ.
Người dân quận Nam Từ Liêm hỗ trợ dọn dẹp cây gãy đổ |
Lực lượng chức năng của huyện đã giải tỏa đăng đó, sen bèo, vật cản, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương. Cụ thể, xã Tả Thanh Oai giải tỏa toàn bộ đăng đó trên sông Hòa Bình; xã Tân Triều khơi thông dòng chảy Mương N1 và Mương CP 90 Tây Nam Kim Giang; xã Đông Mỹ khơi thông đoạn mương từ thôn 5 đến cống Ông Trừ, đoạn Vũng Chùa và mương tiêu khu dân cư…
Trong đêm 6/9, 160 người dân sống tại chung cư A7 Tân Mai - nguy hiểm cấp C (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được chính quyền sở tại di dời đến địa điểm khác để đảm bảo an toàn trước khi bão Yagi đổ bộ.
Chung cư A7 Tân Mai đã có tuổi đời vài chục năm hiện xuống cấp nghiêm trọng và rất nguy hiểm trước cơn bão số 3 sắp đổ bộ.
Trước đó, chiều 6/9, giông lốc kèm mưa lớn cũng xuất hiện tại Hà Nội. Hậu quả, 155 cây xanh bị gãy đổ, 1 người tử vong, 6 người bị thương.
Vị trí tâm bão Yagi lúc 11h ngày 7/9 |
Tại sân bay Nội Bài, sau những chuyến bay cuối cùng, từ 10h ngày 7/9 sân bay chính thức tạm dừng khai thác để tránh bão số 3. Trước đó, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã họp giao ban với tất cả các đơn vị trực điều hành tại sân bay về công tác chống bão và phục vụ chuyến bay, hành khách; đồng thời tổ chức kiểm tra các vị trí quan trọng, chỉ đạo công tác chuẩn bị ngừng tiếp thu, khai thác máy bay.
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) tạm ngừng khai thác máy bay từ 4h đến 16h ngày 7/9. Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tạm ngừng khai thác máy bay từ 5h đến 16h ngày 7/9. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) tạm ngừng khai thác máy bay từ 12h đến 22h ngày 7/9.
Nhằm chủ động các phương án phòng, chống bão, đặc biệt là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký Công điện của Thường trực Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở vào cuộc, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người dân.
Thường trực Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án kịp thời và cương quyết đưa những hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ đến trụ sở UBND phường, xã, trường học kiên cố, an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Trong đêm 6/9, 160 người dân sống tại chung cư A7 Tân Mai - nguy hiểm cấp C (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được chính quyền sở tại di dời đến địa điểm khác để đảm bảo an toàn trước khi bão Yagi đổ bộ |
Trước đó, làm việc với quận Ba Đình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát toàn bộ các phương án ứng phó với bão số 3, ứng trực 24/24 giờ trên tinh thần bám sát diễn biến bão để bảo đảm an toàn cao nhất cho Nhân dân; tuyệt đối không được chủ quan.
Cùng với việc ứng trực 24/24 giờ, công tác phòng, chống lụt bão phải được triển khai hiệu quả, thực chất, theo phương châm “4 tại chỗ”. Với các công trình đang xây dựng dang dở, nhà thầu có biện pháp chằng chống hiệu quả để bảo đảm an toàn.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị liên quan cần xây dựng phương án xử lý các điểm ngập úng, xử lý ùn tắc giao thông; có biện pháp dự trữ lương thực, thực phẩm trong trường hợp mưa lớn kéo dài; bảo đảm cấp điện, cấp nước cho người dân trong những ngày mưa bão.
Cảnh báo nguy cơ mất an toàn tại các công trình xây dựng lâu năm, mái che, mái vẩy, biển quảng cáo được treo trên cao tiềm ẩn nguy hiểm khi bão đi qua Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các đồng chí phụ trách địa bàn tập trung đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót.
Đồng thời, các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bão số 3 để Nhân dân có phương án phòng, chống bão an toàn, hiệu quả…