Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu trong thi đua khen thưởng
Sáng nay, 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong đó, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới để bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình Dự Luật tại Kỳ họp |
Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày cho thấy, sau 17 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: Quá trình tổ chức thực hiện khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Công tác phát hiện và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất chưa kịp thời…
Sau khi sửa đổi, bổ sung, Dự Luật có 8 chương và 98 điều. Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung về thi đua, Dự Luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”.
Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong tổ chức triển khai phong trào thi đua, để việc phát động, triển khai các phong trào thi đua trong thời gian tới phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua…
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung về khen thưởng, Dự Luật sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; Cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.
Dự Luật đã thiết kế lại, đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, bảo đảm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây; Quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân…
Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng…
Về nội dung sửa đổi, bổ sung về thi đua, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, dự thảo bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; Đồng thời, đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu
Thẩm tra Dự Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật.
Về thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước, Ủy ban Xã hội đồng tình với việc bổ sung một số quy định trong Dự Luật nhằm “tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bên cạnh các doanh nhân, doanh nghiệp còn có các tổ chức khác như bệnh viện tư, trường học tư... cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Xã hội đề nghị, nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định để bảo đảm bao quát hết các nhóm đối tượng trong khu vực ngoài Nhà nước; Đồng thời, xác định rõ thủ tục, hồ sơ, hình thức khen thưởng, tôn vinh bảo đảm cải cách thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn.