Bồi đắp tình yêu Hà Nội cho học sinh từ môn Hà Nội học
Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững |
Nhiều hoạt động tập huấn được triển khai
PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cho biết, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 4910/QĐ-UBND ngày 8/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đã và đang phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai các công việc liên quan đến đề án.
Theo đề án này, trường Đại học Thủ đô Hà Nội tập trung xây dựng chương trình và nội dung các chuyên đề thuộc các lĩnh vực của Hà Nội bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên và đào tạo sinh viên sư phạm; xây dựng cơ sở vật chất và các nguồn học liệu khác...
Giáo viên tham quan thực tế di tích Hoàng thành Thăng Long |
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho các đối tượng tham gia các khóa bồi dưỡng. Đây là cơ sở để các trường phổ thông phân công giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương thành phố Hà Nội theo chương trình mới.
Lộ trình triển khai dự án qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 tập trung phổ biến nội dung đề án, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; triển khai một số nội dung của đề án. Giai đoạn 2022 - 2025 sẽ thống nhất về chương trình và nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông; bồi dưỡng thí điểm, xây dựng 2 phòng học mô phỏng về không gian văn hóa Hà Nội phục vụ dạy và học Hà Nội học; mở các lớp bồi dưỡng cho giáo viên và đào tạo tích hợp cho sinh viên các ngành sư phạm của trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc giảng dạy tại các buổi tập huấn cho giáo viên về môn Hà Nội học |
Nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ bám sát vào môn học giáo dục địa phương thành phố Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về Hà Nội nhằm giúp đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức để giảng dạy môn giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở các cấp học.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Cũng đến năm 2025, 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Lan tỏa tình yêu với Thủ đô tới các em học sinh
TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, năm 2024, được sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, trường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông ở các cấp học (THPT, THCS và tiểu học) nhằm trang bị thêm những kiến thức cơ bản nhất về Hà Nội trên các lĩnh vực như: Địa lý, dân cư và tính cách người Hà Nội; lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ngàn năm văn hiến; các giá trị văn hóa của Hà Nội; quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện tại và tương lai...
Giáo viên được tập huấn kiến thức về văn hóa, di tích Hà Nội |
Từ đó, các thày cô sẽ tuyên truyền kiến thức đó cho các thế hệ nhằm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ niềm tự hào và tình yêu đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến; đồng thời để họ từng bước nhận thức được trách nhiệm công dân, nỗ lực vươn lên học tập tốt, góp phần nhân lên những giá trị nhân văn của Kinh đô ngàn năm. Điều này cũng phục vụ trực tiếp cho các chiến lược phát triển của Thủ đô và đất nước trong tương lai.
“Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội, ngày 17/2/2024 đã nhấn mạnh: "Cần khẩn trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy tại các trường ở Hà Nội". Việc bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học trong năm 2024 hy vọng sẽ thực hiện được một phần nhiệm vụ mà Thành ủy Hà Nội đặt ra, sẽ là bước chuyển giao, là sự chuẩn bị sẵn sàng đón nhận môn Hà Nội học vào giảng dạy ở các trường phổ thông thay thế môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội hiện nay”, TS Bùi Văn Tuấn nói.
“Với cách tổ chức này, năm 2024 - 2025, chúng ta đã thực hiện được đầy đủ chủ trương của Thành ủy và đặc biệt là kế hoạch của thành phố Hà Nội, triển khai hoàn thành xây dựng chương trình đào tạo về Hà Nội học cho các trường phổ thông. Như vậy, khi xây dựng xong chương trình đào tạo thí điểm thì chỉ một vài năm tới chúng ta hoàn thành đưa môn Giáo dục địa phương Hà Nội thành môn Hà Nội học đích thực”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhận định |
Cũng theo TS Bùi Văn Tuấn, để học sinh Thủ đô hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội và có trách nhiệm với chính mảnh đất các em được sinh ra và lớn lên thì nhiệm vụ của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy các môn học trong nhà trường là rất quan trọng.
Khi hiểu về Hà Nội, tùy vào đặc thù công việc, chuyên môn của mình (có thể làm chủ nhiệm, trong các giờ dạy học liên môn, tích hợp...) thầy cô truyền cho các em học sinh của mình sự say mê tìm hiểu về Hà Nội để các em tự hào và có trách nhiệm với Thủ đô.
Là một trong những giáo viên được tham gia tập huấn và thực tế tại Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa qua, cô Đặng Thị Vương Nga - giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội), cho biết, khi tham gia khóa học, bản thân cô đã hiểu hơn về mảnh đất Thăng Long qua các chuyên đề như: “Phong tục tập quán và lễ hội ở Hà Nội”, “Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội”, “Địa lý Hà Nội”, “Văn hóa Hà Nội trong đời sống đương đại”, “Các ngành nghề của Hà Nội - Nông thôn Hà Nội và các làng nghề thủ công”, “Hà Nội không gian hội tụ và lan tỏa”, “Quy hoạch đô thị Hà Nội”… Từ đây, niềm yêu mến và tự hào về Hà Nội trong mỗi giáo viên đều được nhân lên gấp bội.
“Chúng tôi sẽ mang những kiến thức học tập được từ khóa học này để trao truyền lại cho các lứa học sinh, để các em sẽ được tiếp thêm tình yêu về Hà Nội và các em sẽ có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán và truyền thống cách mạng hào hùng của Thủ đô, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh”, cô Nga nói.
Cần sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, Hà Nội hiện là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường học với 2,3 triệu học sinh. Việc đưa môn Hà Nội học và giáo dục lịch sử địa phương vào trong các nhà trường hiện nay đang vướng phải một số rào cản. Trong đó, có vấn đề thời lượng chương trình học hiện nay đã quá nặng đối với học sinh các cấp.
Cụ thể, khung chương trình năm học theo Chương trình GDPT 2018 đang quy định quy định cấp THCS có 1.032 tiết học/năm, tức là khoảng 29,5 tiết học/tuần; cấp THPT có 1.015 tiết học/năm, khoảng 29 tiết học/tuần. Do đó, để đưa Hà Nội học cùng chương trình Giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi ngành Giáo dục cần có sự tính toán hợp lý, tránh quá tải cho học sinh.
“Hiện nay, Luật Thủ đô sửa đổi đã cho phép Hà Nội chủ động trong việc này. Thời gian tới, khi được sự cho phép, chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai đưa môn Hà Nội học vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường”, ông Trần Thế Cương cho hay.
Chuyên gia và các giáo viên chụp hình lưu niệm sau buổi thực tế tại Hoàng thành Thăng Long |
TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa và Du lịch, trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, đặc thù Hà Nội học là môn liên ngành trong khi giáo viên ở các nhà trường đã được đào tạo theo hướng chuyên ngành (Văn, Sử, Địa...), vì vậy cần phải xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng mã ngành Hà Nội học đào tạo giáo viên.
Việc đào tạo về lâu dài là phải đào tạo chính quy, có đủ thời gian như đào tạo các ngành học khác. Do vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên giảng dạy Hà Nội học trong các nhà trường.
Giáo viên dạy môn Hà Nội học cần có tình yêu Hà Nội thực sự, phải chủ động nghiên cứu tìm hiểu kiến thức về Hà Nội và có phương pháp sư phạm phù hợp với từng đối tượng học sinh. Giáo viên phải là người truyền cảm hứng cho học sinh, dẫn dắt học sinh, tạo ra niềm đam mê.