Cà Mau: Điểm sáng phát triển kinh tế biển miền Tây Nam Bộ
Kinh tế Cà Mau tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Với đường bờ biển dài hơn 254 km và vùng biển rộng lớn khoảng 80.000km², Cà Mau sở hữu hệ sinh thái đa dạng gồm rừng ngập mặn, đầm phá cùng các vùng biển giàu tài nguyên. Nhờ vào vị trí chiến lược này, tỉnh không chỉ là một trung tâm kinh tế biển quan trọng mà còn đóng vai trò thiết yếu trong bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước.
Một trong những thành tựu kinh tế biển nổi bật trong năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau vượt mốc 1 tỷ USD. Hiện toàn tỉnh có khoảng 280.000ha diện tích nuôi tôm, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước.
Trong đó, Tôm sú và tôm thẻ chân trắng là những sản phẩm chủ lực của tỉnh, với việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và chế biến đã nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Cà Mau hiện dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu tôm, khẳng định vị thế vững chắc trong ngành thủy sản.
Các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau, đóng góp lớn vào nền kinh tế biển của tỉnh (Ảnh: Hoàng Vũ) |
Không chỉ dừng lại ở thủy sản, Cà Mau còn nổi bật với việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và điện mặt trời.
Các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt tại các khu vực ven biển đã đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho khu vực và an ninh năng lượng quốc gia.
Với lợi thế về gió và ánh sáng mặt trời, Cà Mau đang trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án điện mặt trời cũng đang được đẩy mạnh, không chỉ giúp giảm phát thải carbon mà còn tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Các tuabin gió ngoài khơi tại Cà Mau, góp phần tạo ra nguồn năng lượng tái tạo ổn định cho tỉnh (Ảnh: Huỳnh Hải) |
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Cà Mau không thiếu những thách thức đáng lo ngại, khi hiện tỉnh đang đối mặt với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu như tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
Những biến động này yêu cầu Cà Mau phải có các biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ hệ sinh thái biển và duy trì nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất vẫn chưa đồng bộ, đặc biệt là đối với kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm với nhau và với các khu vực khác trong cả nước.
Điều này hạn chế khả năng thu hút đầu tư và gia tăng giá trị các sản phẩm xuất khẩu của Cà Mau. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh các dự án nâng cấp hạ tầng và cải thiện cơ sở vật chất để tận dụng tối đa tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Định hướng phát triển kinh tế biển trong tương lai
Để đối phó với các thách thức và duy trì tốc độ phát triển, Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp chiến lược.
Trong đó, Cà Mau đặt mục tiêu trong giai đoạn tới khai thác và phát huy tối đa tiềm năng kinh tế biển để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất sạch và an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng xuất khẩu thủy sản giá trị cao.
Với vị trí địa lý thuận lợi và điều kiện tự nhiên phong phú, hiện Cà Mau đang đẩy mạnh nâng cấp hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối giao thông biển với các tỉnh trong khu vực và các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản và các hàng hóa khác.
Một góc Hòn Khoai, một trong những dự án trọng điểm của Cà Mau trong phát triển kinh tế biển (Ảnh: Nhật Hồ) |
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển các khu công nghiệp ven biển, thúc đẩy công nghiệp chế biến thủy sản và sản xuất các sản phẩm từ biển.
Theo Quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau sẽ xây dựng và phát triển thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước. Tỉnh sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn và Cảng sông Ông Đốc, kết nối với phát triển các khu công nghiệp và đô thị ven biển.
Đồng thời, Cà Mau cũng chú trọng vào phát triển nuôi biển công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản, chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.
Qua đó, Kinh tế biển Cà Mau sẽ được phát triển bền vững, gắn liền với công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, phương thức quản lý sẽ theo hướng tổng hợp, dựa trên không gian và liên ngành, với sự tham gia chủ động của cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn bảo vệ sự ổn định và phát triển lâu dài của tỉnh.