Cà mau: Phát huy thế mạnh địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP
Đa dạng các sản phẩm OCOP
Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như ngư, nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Từ đây, đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào để cung ứng cho sản xuất, chế biến các mặt hàng, sản phẩm chủ lực, các loại đặc sản và các sản phẩm OCOP của địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực sự là một thị trường tiềm năng, thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Qua đó, góp phần tìm kiếm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho thấy, tính đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã có 77 sản phẩm của 44 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao và 74 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ mạnh tại thị trường ngoài tỉnh như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…Một số sản phẩm đã được đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị như: Big C, Co.opMart, Co.op Food… để tiêu thụ, cung cấp cho thị trường.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã có 77 sản phẩm của 44 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP |
Hợp tác xã (HTX) Tài Thịnh Phát Farm, huyện Năm Căn có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, đang tiến tới nâng hạng 4 sao cho 3 sản phẩm là tôm khô sinh thái, thịt cua sinh thái và chà bông tôm.
Bà Mai Thị Thuỳ Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của sản phẩm nếu tiếp tục đầu tư nâng hạng sao OCOP. Do đó, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, HTX đã nâng cấp và xây mới hệ thống nhà xưởng theo nguyên tắc một chiều và phải đạt tiêu chuẩn HACCP, ghi chép truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, đầu ra cho đến người tiêu dùng”.
Ðể tạo thêm thị trường cho sản phẩm, thời gian qua, sản phẩm được giới thiệu, quảng bá thông qua nhiều kênh như tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ trong và ngoài tỉnh…
Bà Mai Thị Thuỳ Trang cũng cho biết: “Từ khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, doanh số sản phẩm tăng gấp đôi, sản phẩm được nhiều hệ thống siêu thị lớn biết đến. Nếu sản phẩm nâng hạng 4 sao sẽ tạo được sức cạnh tranh lớn trên thị trường cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu”.
Cùng với mục tiêu nâng sao để đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng, thời gian qua, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát (huyện Năm Căn) đã tập trung cải tiến chất lượng mẫu mã để nâng hạng OCOP 4 sao cho sản phẩm bánh phồng tôm.
Ông Mai Sáu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát, cho biết: “Sau khi vào OCOP, chất lượng và mẫu mã sản phẩm thay đổi rất nhiều. Ðến nay, công ty đã đầu tư thêm hệ thống máy móc, dây chuyền sấy bánh với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn cải thiện quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì theo chuẩn sao. Nhìn chung, đến nay các bước chuẩn bị để nâng hạng 4 sao cho sản phẩm đã đạt 90% chặng đường”.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đã được tiêu thụ mạnh tại thị trường ngoài tỉnh như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long |
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát hiện có 4 sản phẩm là bánh phồng tôm, bánh phồng chuối, bánh phồng hàu và bánh phồng khoai môn, trong đó sản phẩm chủ lực là bánh phồng tôm. Hiện nay, công suất sản xuất bánh tại công ty tăng gần gấp đôi so với thời điểm sản phẩm chưa vào OCOP.
“Ước tính 1 tháng công ty có thể sản xuất từ 32.000-35.000 tấn bánh. Sở dĩ thời gian qua sản lượng tăng là do công ty đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất giúp giảm thời gian chế biến, tăng năng suất sản phẩm. Nếu trước sản phẩm được sản xuất 50% thủ công, 50% bằng máy móc thì giờ đây sản phẩm được sản xuất dựa vào máy móc đến 90%. Ðây là bước phát triển của công ty để tiếp tục đưa sản phẩm nâng hạng 4 sao trong thời gian tới”, ông Mai Sáu cho biết thêm.
Với lợi thế là vùng nguyên liệu, nguồn tôm thiên nhiên khá dồi dào, nguồn cung ứng lớn cùng chất lượng ngày một nâng lên, nên hiện nay hầu hết các sản phẩm được cải tiến nâng hạng 4 sao đã xây dựng được các đại lý, vào được hệ thống một số siêu thị.
Hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, cho biết: “Để hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đã lồng ghép hỗ trợ trong thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương. Trong đó, hỗ trợ từ các chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, các cơ chế chính sách hiện hành về kinh tế tập thể, khuyến nông, khuyến công, khoa học công nghệ…
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ máy móc, thiết bị, thiết kế bao bì mẫu mã, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Wesite, xúc tiến thương mại... cho các chủ thể”.
Chương trình OCOP đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sản phẩm, các đặc sản địa phương |
Thời gian qua, OCOP đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sản phẩm, các đặc sản địa phương. Trong số các sản phẩm tham gia OCOP của tỉnh Cà Mau có trên 30% sản phẩm tăng doanh thu từ 5 - 8%, cá biệt trên 15%, giá bán tăng từ 5-10%.
Nắm bắt xu hướng của thời đại chuyển đổi số, các ngành, các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 điểm bán, giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và 15 cửa hàng tiện lợi bày bán các loại đặc sản, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng đưa vào vận hành Sàn thương mại điện tử madeincamau.com, có khoảng 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia bán trên sàn. Ngoài ra, các chủ thể còn chủ động đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Nhờ đó, các chủ thể, doanh nghiệp trong tỉnh tạo dựng thành công liên kết, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng tăng cường tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố trong nước để các chủ thể có cơ hội tiếp xúc với nhiều thị trường tiềm năng và nỗ lực đưa sản phẩm OCOP tỉnh nhà xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Có thể thấy, từ khi triển khai chương trình OCOP, các địa phương thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm, đặc biệt định hướng bảo tồn phát triển ngành nghề truyền thống ở địa phương.