Các địa phương từng bước song hành kiểm soát dịch bệnh và khôi phục sản xuất
Khắc phục khó khăn
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn các kênh tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, khiến cho nhiều hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khiến thu nhập của người lao động bị sụt giảm đáng kể.
Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, cùng với cả nước, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của dịch bệnh Covid-19. Các chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu một số nông sản gặp khó, giá phân bón, thức ăn chăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ kép theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa hoạt động sản xuất tăng trưởng ổn định.
Dịch bệnh Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu một số nông sản gặp khó khăn |
Tại Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc (xã Kim Long, huyện Tam Dương), trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ trung bình mỗi tuần của hợp tác xã đạt trên 10 tấn. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường Vĩnh Phúc mà còn có mặt tại Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, các công ty, doanh nghiệp, trường học cho học sinh nghỉ, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, sản phẩm không tiêu thụ được. Sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã đã giảm tới 2/3, chủ yếu là bỏ đất trống, chỉ thu hoạch các loại rau củ đang có rồi bán ra chợ để thu lại một phần vốn. Công sức bỏ ra mà không thể bù lại chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chia sẻ về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, bà Kiều Thị Huệ, Giám đốc hợp tác xã cho biết: “Do thị trường tiêu thụ của hợp tác xã chủ yếu là cho một số doanh nghiệp chuyên cung ứng sản phẩm cho các bếp ăn trường học và bếp ăn công nghiệp ở thành phố Hà Nội và một số thương lái lớn trên địa bàn tỉnh. Khi các hoạt động phải tạm dừng để bảo đảm phòng chống dịch đã khiến doanh thu của hợp tác xã giảm gần 70%, đời sống của các thành viên gặp rất nhiều khó khăn”.
Trước tình trạng đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định trong những tháng còn lại của năm 2021; Đồng thời cũng đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Cụ thể, đối với các sản phẩm chủ lực của các địa phương, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh khuyến khích các địa phương đẩy mạnh đầu tư cơ sở sơ chế, chú trọng xây dựng thương hiệu để có được những sản phẩm gắn sao OCOP; Qua đó, giúp các mặt hàng nông sản dễ dàng thâm nhập vào các kênh tiêu thụ lớn.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định trong những tháng còn lại của năm 2021 |
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cũng chủ động, nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nguyên liệu, thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao; Ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, đa dạng sản phẩm; Nâng thời gian bảo quản sản phẩm, xuất khẩu dễ dàng, tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, cùng với kiểm soát tốt vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm nhập lậu trái phép có giá rẻ gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng; Tích cực phối hợp với các bên có liên quan, trao đổi với các siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để thực hiện thu mua nông sản cho người dân.
Không để dịch bệnh làm đứt gẫy các chuỗi sản xuất, kinh doanh
Tại Hà Nội, sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hiện nay, các huyện, thị xã đang nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm phục vụ bà con nhân dân. Theo đó, các huyện đã triển khai hàng loạt các phương án để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép, vừa khôi phục sản xuất, vừa phòng chống dịch hiệu quả.
Hiện tại, các huyện đang trong thời gian thu hoạch vụ mùa, để giúp nông dân thu hoạch lúa kịp thời, các huyện, thị xã đã bố trí máy gặt đập liên hợp và giao cho các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức khâu dịch vụ, điều tiết máy gặt theo các nhóm hộ gia đình và từng xứ đồng.
Các huyện, thị xã ở Hà Nội đang nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm phục vụ bà con Nhân dân |
Đồng thời, các huyện cũng giao UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, các trưởng thôn theo dõi từng khu vực để điều tiết máy gặt. Các hộ dân đăng ký ngày gặt với hợp tác xã và sẽ được phát phiếu, bảo đảm dưới 10 người có mặt tại thửa ruộng và thực hiện các quy định phòng dịch. Nhiều địa bàn bố trí mỗi cánh đồng một chốt kiểm tra y tế và tăng cường lực lượng dân quân sẵn sàng hỗ trợ nông dân thu hoạch trong trường hợp cần thiết.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Để chủ động hơn trong cung cấp nông sản tại chỗ, Sở khuyến khích các địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ để người dân mở rộng tối đa diện tích cây trồng vụ đông. Đến nay, toàn TP Hà Nội đã có nhiều địa phương triển khai sản xuất vụ đông sớm với diện tích đạt gần 300ha...
Vụ đông 2021, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng, Hà Nội tập trung vào các công đoạn sơ chế, bảo quản, kho chứa; Hỗ trợ địa phương về thị trường tiêu thụ; Hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm bảo đảm chất lượng...
Để bảo đảm nông sản phục vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đặc biệt nhu cầu sẽ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thực hiện "mục tiêu kép" vừa sản xuất, vừa phòng dịch trong điều kiện mới, các địa phương cần tích cực, trách nhiệm trong tổ chức cho nông dân thu hoạch lúa, rau; Đồng thời hỗ trợ các điều kiện về giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi để nông dân tái sản xuất vụ mới.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng; Rà soát phương án phòng, chống dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi quy mô lớn, an toàn.