Các tỉnh “sốt ruột”, Chính phủ yêu cầu xem xét đề xuất gia hạn giá ưu đãi cho điện gió
Theo nguồn tin của phóng viên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương và các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đề nghị gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, UBND các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu đã có văn bản kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tức gia hạn thời gian áp dụng giá FIT (ưu đãi) cho các dự án điện gió tại Việt Nam.
Về việc trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 30/9/2021.
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, tháng 8 vừa qua, nhiều địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị gia hạn giá ưu đãi cho các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 vì Covid-19.
Gia hạn thời gian áp dụng giá FIT để cứu nguy cho các dự án điện gió |
Theo các địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 Uscent/kWh, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường... nên rất nhiều dự án điện gió đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.
Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.
Theo báo cáo của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) mới đây, năng lượng điện gió ở Việt Nam đang trên đà tăng trưởng do các dự án đang gấp rút hoàn thành trước khi hết hạn hưởng giá ưu đãi (FIT) vào ngày 1/11/2021. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự chậm trễ đáng kể cho việc xây dựng dự án gió vì tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, hạn chế về khả năng di chuyển của người lao động và các vấn đề khác.
Do tác động của Covid-19, 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.
Vì vậy, theo GWEC, nếu không có biện pháp cứu trợ, bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án điện gió sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, từ đó cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong Nghị quyết số 55/NQ-TW và xảy ra một chu kỳ “phá sản” khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Trên cơ sở đó, GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ Covid-19 cho ngành điện gió Việt Nam, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót, trước ngày 1/11/2021, để hưởng cơ chế ưu đãi giá FIT.
Theo GWEC, nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 8/2021 có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm đề nghị công nhận vận hành thương mại, với tổng công suất là 5.655,5MW. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đã có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963MW vào vận hành thương mại. |
Electro-Voice & Dynacord gây ấn tượng mạnh mẽ tại “Nóc nhà Đông Dương” |
Xiaomi ra mắt bộ ba siêu phẩm mới của dòng Xiaomi 11 |
Xiaomi chính thức giới thiệu Xiaomi Pad 5 và các sản phẩm AIoT mới |
Taiwan Excellence giới thiệu các giải pháp đột phá trong y tế và chăm sóc sức khỏe |
Bất động sản nhà ở tại Hà Nội: Giá không giảm trước những áp lực gia tăng về dòng tiền |