Mối lo vì “đẻ” thêm thủ tục gây khó nhà đầu tư điện gió
Quy định mới đánh đố nhà đầu tư
Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi các chủ đầu tư điện gió yêu cầu bổ sung văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng trong hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại nhà máy điện gió (COD).
Theo đó, Công ty Mua bán điện đề nghị bổ sung hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng và đây là một trong các điều kiện để công nhận ngày vận hành thương mại một phần/toàn bộ nhà máy điện gió.
Sau đó, ngày 1/9, EVN cũng có văn bản gửi các nhà đầu tư của các nhà máy điện gió thông báo về quy định trên để các chủ đầu tư biết, phối hợp thực hiện và đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành.
Trước yêu cầu của EVN, một số nhà đầu tư điện gió đã bày tỏ sự lo lắng khi quy trình COD sẽ có nhiều thay đổi theo hướng "đẻ" thêm thủ tục trong bối cảnh nhiều địa phương đang giãn cách xã hội.
Một nhà đầu tư dự án điện gió chia sẻ, trước đây thời điểm công nhận COD được tính từ lúc hoàn thành thử nghiệm AGC, PQ và chạy tin cậy (72 giờ). Trong khi, theo quy định mới, nếu chưa có văn bản thông báo kiểm tra của Bộ Công thương thì ngày COD vẫn không có.
So sánh quy trình mới và cũ về hồ sơ cho các dự án điện gió |
Theo nhà đầu tư, việc Công ty Mua bán điện đang muốn lấy ngày có văn bản của Bộ Công thương để xác định ngày COD của dự án, nhưng nếu làm như vậy thì nếu có được chạy máy thì toàn bộ sản lượng điện sau khi đã trừ ra các phần thử nghiệm trước đó đều sẽ không được tính tiền, trong khi nhà đầu tư vẫn phải chịu chi phí vận hành.
Hơn nữa, nếu áp dụng theo quy trình COD mới ban hành, có thể thất thoát lên đến hàng trăm triệu đồng cho 1 trụ điện gió nếu turbine bị lỗi do các thử nghiệm AGC (tự động điều độ), hút/phát PQ và điều kiện gió không phù hợp.
Theo phân tích, trước đây, bước thử nghiệm trước COD bao gồm AGC, PQ, chạy tin cậy (72h) có thể làm cùng lúc.
Cụ thể, trong thời gian chạy thử 72 giờ, nếu làm xong được thử nghiệm AGC, PQ thì sản lượng trừ ra khi thử nghiệm sẽ thấp. Tuy nhiên, hiện tại khi dự án của công ty trình các số liệu thì bên mua bán điện yêu cầu công việc chạy 72 giờ chỉ được tính sau khi hoàn thành AGC và PQ.
"Nếu làm vậy thì dự án mất nhiều sản lượng hơn, vì để làm được thử nghiệm AGC, PQ phụ thuộc vào điều kiện gió và các yếu tố kỹ thuật của turbine đã đáp ứng hay chưa. Nếu thử không đạt phải điều chỉnh lại và thử lại khiến tổn hao sản lượng.
Mặt khác, những thay đổi này khiến cho việc thử nghiệm AGC, PQ, chạy 72 giờ với công suất dương (tức là chỉ tính khi turbine có công suất) sẽ thêm nhiều thời gian, có trụ đôi khi mất cả tuần mới đủ nếu thực hiện trong mùa gió thấp và sản lượng mất nhiều hơn.
Sớm có những giải pháp hỗ trợ điện gió
Hơn nữa, nếu tính COD từ ngày có văn bản của Bộ Công thương, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an vì không chỉ mất toàn bộ sản lượng trước đó mà còn mất nhiều thời gian cho công việc và việc này có thể ảnh hưởng đến các dự án điện gió sẽ COD thời gian tới.
Vì thế, một số nhà đầu tư cho rằng, quy đình COD các dự án điện gió như văn bản EVN mới đưa ra không khác gì đánh đố nhà đầu tư. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư điện gió trong thời kỳ dịch bệnh và việc thay đổi lại thiếu các hướng dẫn liên quan khiến các nhà đầu tư không biết thế nào mà lần.
Nhà đầu tư một số dự án điện gió đang tốc lực về đích |
"Đáng ra khi có thay đổi thì các cơ quan quản lý phải có sự bàn bạc, thống nhất và phải có hướng dẫn. Ví như cơ quan nghiệm thu giờ chúng tôi đề xuất lên Sở Công thương thì họ lại đẩy ra ngoài Bộ Công thương làm mất rất nhiều thời gian", đại diện một nhà đầu tư chia sẻ.
Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư điện gió muốn giữ nguyên quy trình cũ công nhận vận hành thương mại các chủ đầu tư sẽ thực hiện việc nghiệm thu theo như quy trình ban đầu trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Ngoài ra, về cơ chế hưởng giá FIT (ưu đãi) để mời gọi đầu tư điện gió. Một số nhà đầu tư cho rằng, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công một số dự án điện gió khiến ngày về đích (ngày 31/10/2021) để hưởng giá FIT là rất khó khăn, thậm chí là không thể.
"Vì vậy lúc này cần phải có phương án gia hạn thời gian để hưởng giá FIT để khuyến khích các nhà đầu tư. Mặt khác, cơ chế giá từ tháng 11/2021 cũng chưa được ban hành cụ thể khiến các nhà đầu tư rất bối rối", đại điện chủ một dự án chia sẻ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) mới đây, năng lượng điện gió ở Việt Nam đang trên đà tăng trưởng do các dự án đang gấp rút hoàn thành trước khi hết hạn hưởng giá ưu đãi (FIT) vào ngày 1/11/2021. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự chậm trễ đáng kể cho việc xây dựng dự án gió vì tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, hạn chế về khả năng di chuyển của người lao động và các vấn đề khác.
Do tác động của Covid-19, 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước 01/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.
Vì vậy, theo GWEC, nếu không có biện pháp cứu trợ, bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án điện gió sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, từ đó cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong Nghị quyết số 55/NQ-TW và xảy ra một chu kỳ “phá sản” khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Trên cơ sở đó, GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ Covid-19 cho ngành điện gió Việt Nam, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót, trước ngày 1/11/2021, để hưởng cơ chế ưu đãi giá FIT.
Theo GWEC, nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.