Cần coi vàng là mặt hàng thông thường
Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh? Sẽ triển khai phương án mới để giảm chênh lệch giá vàng |
Thời gian qua, không chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam mà Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) các nước trên thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực, từ căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế, xu hướng giảm lãi suất, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp...
Trước bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường vàng. Sau hơn 10 ngày triển khai, phương án can thiệp mới là bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và Công ty SJC đã mang lại kết quả tích cực, thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC trong nước với giá thế giới.
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, giải pháp tăng cung, ổn định giá, đặc biệt là kéo chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế về mức thấp là thành công bước đầu của NHNN trong giai đoạn hiện nay.
Cùng chung quan điểm, TS Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, NHNN đã làm rất tốt các giải pháp vừa qua và đã tạo uy tín khi thực hiện được cam kết với công chúng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân cần hết sức thận trọng khi đầu tư vàng, bởi thị trường này biến động rất mạnh và chịu ảnh hưởng nhiều biến số kinh tế. Chẳng hạn, chỉ riêng động thái NHTƯ Trung Quốc ngưng mua vàng dự trữ thì giá vàng giảm mạnh gần 100 USD/oz.
Do vậy, dù nắm giữ vàng là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng TS Trương Văn Phước cảnh báo, việc tham gia vào hoạt động mua vàng để đầu cơ lúc này là hết sức rủi ro nên người dân cần thận trọng, để không phải gánh những khoản lỗ do chính công sức mình tạo ra.
Về hướng tiếp cận chính sách, TS Trương Văn Phước cho rằng, NHNN nên giữ quyền kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Việc chế biến gia công có thể trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện.
“Như vậy, chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu. Giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần, người dân sẽ rời xa vàng vật chất”, TS Trương Văn Phước chia sẻ quan điểm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ, điều quan trọng là vàng không tạo ra GDP thì không khuyến khích mặt hàng này phát triển, dù nắm giữ, đầu tư hay kinh doanh.
Theo quan điểm của TS Trương Văn Phước, việc cung ứng vàng ra thị trường, kéo giá vàng xuống là nỗ lực của NHNN, Chính phủ. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối nhiều mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân.
“Nếu một hôm không cầm thỏi vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống. Ngược lại, nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào…”, TS Phước chia sẻ.
Chung quan điểm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải sớm chấm dứt hình thức can thiệp bán vàng. Bởi để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thì sẽ phải nhập khẩu vàng và tiêu tốn nguồn lực ngoại tệ, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, nhập khẩu suýt soát 400 tỷ USD/năm, làm sao chỉ dành riêng cho vàng được khi còn nhiều mặt hàng thiết yếu khác trong nền kinh tế.
"Vừa qua, NHNN thăm dò chính sách thành công, giờ là lúc cần phải có một khuôn khổ pháp lý mới để thay thế, ổn định thị trường và xem vàng chỉ là mặt hàng thông thường để có giải pháp ứng xử phù hợp. Theo đó, chúng ta cần trả lại cho NHNN các chức năng căn bản đó là điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền cho nền kinh tế”, các chuyên gia nhận định.
Ngoài đề xuất sớm xem xét sửa bỏ yếu tố độc quyền, các chuyên gia cho rằng, cần phân vai nhiệm vụ chức năng cụ thể nhất là phối kết hợp giữa các cơ quan Bộ, ngành cùng điều tiết quản lý thị trường vàng tốt hơn.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, NHNN liên tục gửi văn bản tới các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công an phối hợp quản lý. Mới nhất, NHNN đã ban hành Văn bản 4810/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an đề nghị cơ quan này chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm hành vi tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, thao túng thị trường.
Hiện nay, trên thị trường đang lan truyền thông tin về việc NHNN thiếu vàng để bán. Tại nhiều điểm bán vàng có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. NHNN đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các NHTM Nhà nước, Công ty SJC; hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng gây mất trật tự trị an.
Mặt khác, tại Văn bản số 4809/NHNN-QLNH gửi Công an TP Hà Nội và Công an TP Hồ Chí Minh, NHNN đề nghị hai đơn vị này chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường. Chỉ đạo triển khai các giải pháp phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các NHTMNN, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC; hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng, gây mất trật tự trị an.
Bên cạnh duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, NHNN cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng. “NHNN khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu”, lãnh đạo NHNN khuyến cáo.