Cần Thơ hỗ trợ mỗi lao động tự do 2 triệu đồng
Cụ thể, việc hỗ trợ áp dụng với người bán lẻ xổ số lưu động; Bốc vác; thu mua phế liệu, vận chuyển hàng hóa; Vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ; Bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi; Rửa xe, sửa xe; sửa chữa đồ gia dụng; Lao động làm việc thời vụ; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch; Làm các công việc khác phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Những người này không có giao kết hợp đồng lao động và cũng không thuộc hộ kinh doanh có đăng ký mã số thuế, cư trú hợp pháp ở Cần Thơ trước khi bị ngừng việc hoặc mất việc.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đông Thuận (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) Trương Thị Bích Diễm tặng quà cho lao động gặp khó khăn |
Mức hỗ trợ một người 2 đồng, riêng với người bản lẻ xổ số lưu động đã được hỗ trợ mỗi người 1,2 triệu đồng thì hỗ trợ tiếp 0,8 triệu đồng. Chi hỗ trợ một lần, thực hiện trong năm 2021. Kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước và nguồn vận động hợp pháp khác.
Công văn của UBND thành phố Cần Thơ kèm theo các mẫu kê khai, xét duyệt để hỗ trợ người lao động và thủ tục này chính quyền phải làm, gồm các bước: Trưởng ấp, trưởng khu vực phối hợp Ban Công tác Mặt trận ấp, khu vực phát mẫu kê khai cho người lao động tận các hộ gia đình, hướng dẫn kê khai và thu lại, lập danh sách theo mẫu gửi về UBND xã, phường, thị trấn. Tiếp đó, các cấp xã, phường, thị trấn và quận, huyện tổng hợp danh sách gửi UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt, trong vòng 30 ngày phải niêm yết công khai danh sách người người lao động tự do được hỗ trợ tại trụ sở phường, xã, thị trấn và tiến hành chi tiền hỗ trợ.
Đoàn viên, thanh niên thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) tặng quà cho người lao động thất nghiệp |
Công văn nhấn mạnh: “Nguyên tắc thực hiện là cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương phải chủ động thực hiện thủ tục thay dân với phương châm làm cho dân, làm dùm dân, không chờ người dân nộp đơn thì cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương mới hướng dẫn. Rà soát tới đâu, lập danh sách tới đó; Lập danh sách tới đâu đề nghị phê duyệt tới đó; Phê duyệt tới đâu chỉ hỗ trợ tới đó; đảm bảo kịp thời, không bỏ sót đối tượng, chính sách sớm đến tay đối tượng được hưởng”.
Thành phố Cần Thơ cũng đang tổ chức hỗ trợ các đối tượng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ- TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 1/9/2021, đã phê duyệt hỗ trợ cho 7.485 đối tượng chính sách với kinh phí trên 8,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 94,4%.