Cần Thơ xây dựng chính quyền điện tử, đột phá trong cải cách hành chính
Đưa dịch vụ y tế gần với người dân
Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến Chính phủ số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc xây dựng chính quyền điện tử cho thấy vai trò quan trọng trong thay đổi phương pháp, cách thức làm việc nhằm đảm bảo bộ máy hành chính Nhà nước hoạt động thông suốt, phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả.
Xác định xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, các cấp, ngành TP Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Triển khai thực hiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Qua đó, Cổng dịch vụ công TP và Hệ thống thông tin một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước từ TP đến tận cấp xã.
TP Cần Thơ cũng đã đã triển khai kết nối Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của TP với trục liên thông văn bản quốc gia. Điều này nhằm bảo đảm việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp (từ Bộ, ngành Trung ương đến cấp xã) được thông suốt và nhanh chóng.
Ngoài việc bố trí các nguồn vốn đầu tư công cho các dự án triển khai nền tảng chính quyền điện tử hằng năm, TP huy động các nguồn vốn ODA, tài trợ, vốn xã hội hóa, các doanh nghiệp tham gia triển khai thí điểm các hạng mục xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần hoàn thiện hạ tầng, các nền tảng công nghệ và nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại.
Trong lĩnh vực y tế, nhiều đợt tiêm vắc xin Covid-19 được TP Cần Thơ tổ chức đăng ký qua cửa điện tử đạt kết quả nhanh, chính xác. Ngày 18/9/2021, họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Tấn Hiển đánh giá “Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiêm chủng đã nâng cao hiệu quả, đảm bảo nhanh chóng, an toàn”. Theo ông Hiển, qua 6 đợt tiêm chủng, TP đạt được sự đồng thuận cao của người dân, tiêm nhanh và hết lượng vắc xin do Bộ Y tế phân bổ, không có trường hợp bị sốc phản vệ nặng.
Cổng Dịch vụ công TP Cần Thơ cũng đáp ứng trực tuyến nhiều hoạt động dịch vụ y tế. Ở đây, có thể nộp hồ sơ trực tuyến tham gia lĩnh vực “An toàn bức xạ và hạt nhân” do UBND TP cấp phép hoặc các lĩnh vực “Dược phẩm”, “An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng” do Sở Y tế cấp phép, lĩnh vực “Dân số - Sức khỏe sinh sản” do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp phép. Công dân có nhu cầu, ngồi ở nhà thao tác trên máy tính nối mạng là được đáp ứng.
Hoạt động trực tuyến đang làm cho các lĩnh vực dịch vụ y tế gần với người dân. Thống kê ở Cổng Dịch vụ công TP Cần Thơ, từ đầu năm đến 20 giờ ngày 28/9/2021, Sở Y tế nhận 1.577 hồ sơ, đã giải quyết 1.452 hồ sơ, đảm bảo đúng hạn.
Dịch vụ công trực tuyến phát triển nhanh
Bà Nguyễn Thị Hải cùng con cháu ở khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hướng dẫn nhau vào Cổng Dịch vụ công TP |
Ngày 20/11/2020, UBND TP Cần Thơ có Quyết định số 2602/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Quy chế áp dụng cho tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Theo đó, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử TP được xây dựng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Đồng thời tích hợp thông tin và chia sẻ dữ liệu phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu. Bảo đảm 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được xử lý trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Nhờ kết quả xây dựng nền tảng kỹ thuật mấy năm qua, từ giữa tháng 7/2021 khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết thủ tục hành chính đã được giải quyết trực tuyến. Bộ phận “một cửa” ở các cơ quan tạm ngừng hoạt động, chuyển sang làm việc trực tuyến và người dân TP cần giải quyết thủ tục hành chính chỉ ngồi ở nhà nộp hồ sơ qua cổng điện tử.
Thống kê ở Cổng Dịch vụ công trực tuyến TP Cần Thơ, từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2021, số lượng hồ sơ được giải quyết đều đạt trên 99,5 %.
Không ngừng nâng cao chất lượng
Người dân đánh giá Cổng Dịch vụ công trực tuyến TP Cần Thơ hiện nay, hồ sơ giải quyết đạt điểm cao nhất là 91,2%, trong lúc năm 2020 chỉ 89,1% và năm 2019 là 86%. Tuy nhiên, chất lượng chưa đồng đều. Sở Ngoại vụ, Tài chính còn có số hồ sơ điểm thấp chiếm 50%; Quận Cái Răng, huyện Cờ Đỏ số điểm thấp 30-40%; một số xã, phường của quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh số điểm thấp tới 60-70%.
Để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến lên mức độ 4, ngày 4/6/2021, UBND TP Cần Thơ có Kế hoạch số 117/KH-UBND, yêu cầu các cấp, các ngành triển khai những công việc cụ thể.
Mục tiêu: “Đảm bảo việc triển khai 100% các dịch vụ công đủ điều kiện nâng lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 khả thi, tiết kiệm, tạo thuận lợi tốt nhất để phục vụ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp”.
Về kỹ thuật như cấu hình dịch vụ công trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử TP và cập nhật, công khai trên Cổng Dịch vụ công TP cũng như bảo đảm đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia do Sở TT&TT chịu trách nhiệm. Kinh phí từ ngân sách hàng năm và nguồn khác.
Đầu tháng 10/2021, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2046/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 705 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021. Quyết định nhấn mạnh: “Cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ, không đạt tiến độ, yêu cầu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, sẽ bị xử lý theo quy định”.
Chủ tịch UBND TP Trần Việt Trường cũng đã có Công văn số 4122/UBND-NC yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị “Chỉ đạo quản lý thực hiện và giám sát chặt chẽ quy trình quản lý văn bản đi, đến trong môi trường mạng”.
Chủ tịch Trần Việt Trường cũng giao Chánh Văn phòng UBND TP “chủ động ban hành ngay văn bản yêu cầu hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định” đối với các hồ sơ, văn bản do các ngành, địa phương, đơn vị tham mưu không đảm bảo quy trình, chất lượng, thời hạn.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021