Cản trở, đe dọa hành hung phóng viên sẽ bị phạt tiền đến 60 triệu đồng
Phóng viên trẻ xông pha nơi tuyến đầu “chống giặc” Covid-19 Phóng viên: Những chiến binh thầm lặng Những nhà báo trẻ xông pha “trận tuyến” chống dịch Chuyện tác nghiệp của phóng viên thời Covid |
Bị đe doạ hành hung là chuyện thường ngày
Dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật nhưng không ít phóng viên, nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về những sai phạm, liên quan chống tiêu cực. Mới đây phóng viên Hữu Dánh, báo VTC News chia sẻ trên trang mạng xã hội về việc ngày 3/6, anh đi tác nghiệp ghi hình phản ánh việc người dân huyện Thanh Oai, Thường Tín (Hà Nội), đốt rơm rạ trên cánh đồng, khói mù không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn cản trở tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện trên trục đường Tây Nam (Hà Nội – Hà Nam).
Người dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường được phóng viên Hữu Dánh ghi lại |
Khi phóng viên đang tác nghiệp thì bị một số đối tượng lăng mạ, đe doạ: “Ê thằng kia, quay cái Đ** gì tao đốt cho tốt ruộng ảnh hưởng gì đến nhà chúng mày mà quay…”.
Chia sẻ tình huống trên, PV Hữu Dánh chỉ cười, nói: “Chuyện bị chửi bới, đe doạ hành hung là thường ngày ở huyện mà anh. Gặp người dân không hiểu thì mình có thể lựa lời phân tích, giải thích với họ. Gặp đối tượng côn đồ hung hãn, thì phải tìm cách đối phó khéo léo, tránh xung đột, miễn sao hoàn thành nhiệm vụ toà soạn giao.”
Phóng viên Hữu Thắng cùng đồng nghiệp, trong một lần tác nghiệp đã bị một số nhân viên bảo vệ cản trở |
Cùng chia sẻ về việc PV bị lăng mạ, cản trở, đe doạ hành hung, PV Hữu Thắng – Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật nhớ lại: Hôm đó, vào ngày 13/4, tôi có ra bãi sông Hồng (khu vực này thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) để làm phóng sự việc đổ trộm phế thải, san lấp hàng nghìn mét vuông đất bãi sông Hồng.
Sau khi quay, chụp xong chuẩn bị ra về thì gặp phải đối tượng côn đồ tựnhận là chủ san lấp đất bãi ở đây đe doạ ném tôi xuống hố. Tôi đã nhanh trí đối phó và vẫn ghi âm lờinói đe doạ của các đối tượng. Nếu hôm đó mà để lộ thân phận thì sự việc sẽ không biết sẽ đi đến đâu bởi chỉ có mỗi một mình giữa khu đất trống trải…
Cần xử lý nghiêm hành vi đe doạ, hành hung phóng viên
Theo các chuyên gia pháp luật, dưới góc độ xã hội, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, báo chícó vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin, phản ánh các sự kiện chính xác nhất đến công chúng, góp phần ổn định chính trị, phát triển mọi mặt đời sống xã hội.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy, Luật Báo chí đã quy định rõ về quyền của nhà báo, trong đó được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… theo quy định tại Điều 25 Luật Báo chí. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để phóng viên, nhà báo tác nghiệp, đưa tin, phản ánh kịp thời.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đe dọa, uy hiếp nhà báo, phóng viên vẫn xảy ra nên Luật Báo chí cũng đã có các quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Nghị định mới của Chính phủ tăng mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự |
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì cho biết: Trước đây, hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Theo đó, đối với hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2020) thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó, đáng chú ý là việc tăng mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Tôi cho rằng, việc tăng mức phạt đối với hành vi này là phù hợp, cần thiết, bởi lẽ thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ việc các đối tượng côn đồ, manh động có hành vi đe dọa, thậm chí hành hung, tấn công các nhà báo, phóng viên khi họ tác nghiệp, đưa tin phản ánh các vụ việc trong đời sống xã hội, khiến cho hoạt động nghề nghiệp của phóng viên, nhà báo bị ảnh hưởng, thậm chí tính mạng sức khỏe cũng bị đe dọa”, luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tương ứng.
“Xu hướng các vụ việc hiện nay ngày càng nghiêm trọng, bởi vậy ngoài việc mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định. Các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cho hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo, phóng viên theo quy định”- luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.