“Chết đuối” đến nơi, doanh nghiệp vẫn chờ “phao cứu sinh” từ ngân hàng
Giải ngân 382 tỷ đồng cho doanh nghiệp trả lương lao động phục hồi sản xuất Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép giãn nợ, miễn, giảm lãi vay thêm 6 tháng |
Doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận hỗ trợ
Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp chưa từng có tiền lệ nhằm trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, dù các nhà quản lý đã cố gắng tìm hiểu nhu cầu của khách vay cũng như nới điều kiện vay vốn song doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Trong đó sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra, như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
Việc ban hành Thông tư 14 được giới doanh nghiệp đánh giá có nhiều điểm mới, khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh các phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc thông tư này triển khai như thế nào trong thực tiễn và các nhà băng sẽ làm như thế nào để hỗ trợ thực chất thì vẫn đang là câu hỏi khó trả lời.
Theo phản ánh của một số đại diện doanh nghiệp, các ngân hàng cần có những phương án hỗ trợ phù hợp về lãi suất, đơn giản tối đa các thủ tục, tăng tính dễ tiếp cận để các phương án hỗ trợ tín dụng, nhất là khi nhiều họ đang thực sự khó khăn, chật vật vì dịch bệnh, đói dòng tiền, nếu không được hỗ trợ vốn vay thì nguy cơ phá sản là khó tránh khỏi.
"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và ngành ngân hàng, nhưng hiện với mức giảm lãi suất nhỏ giọt khoảng 0,3-0,5%/năm như hiện nay thì chưa đúng như kỳ vọng của doanh nghiệp", ông T.H.P - Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.
Theo ông P, mức giảm này chưa tương ứng với mức độ khó khăn, thiệt hại mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trước những tác động của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh cầm chừng, gián đoạn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn phía ngân hàng sẽ có phương án giảm thêm lãi suất để họ giảm bớt những áp lực về tài chính, áp lực trả nợ.
Nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt dòng tiền, gặp khó khi phục hồi sản xuất |
Một vấn đề nữa là trên thực tế, trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp không dễ để chứng minh được năng lực tài chính, chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh đến doanh thu, thu nhập... Trong khi vẫn còn nhiều thủ tục làm rào cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
"Chúng tôi vẫn biết cái khó của ngân hàng, họ phải rà soát đánh giá rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng, song thực tế nhiều doanh nghiệp đang quá khó khăn vì dịch bệnh, hơn nữa cũng khó đánh giá thời điểm hết dịch nên rất khó để chứng minh, đáp ứng các điều kiện, tiêu chí để được hỗ trợ vay vốn", bà C.T.T - đại diện một doanh nghiệp thép ở Hà Nội chia sẻ.
Tiếp tục theo dõi việc giãn nợ, miễn giảm lãi vay
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Trong đó, riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi Covid-19 |
Đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.
Tính lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Về điều hành tín dụng, đến ngày 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.
Ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
Theo thống kê, đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính xã hội triển khai gói vay với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (quy mô 7.500 tỷ đồng).
Sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 17/9, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền hơn 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động.
Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 382 tỉ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19 nói chung, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.