Chính phủ cần làm rõ số doanh nghiệp thực chất hoạt động
Doanh nghiệp khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính Mong chờ giải pháp hiệu quả hơn nữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Coi việc của doanh nghiệp như việc của mình |
Nền kinh tế "khát" nhưng khó "hấp thụ" vốn
Thảo luận tại tổ 13 ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.
Các đại biểu chia sẻ, với khó khăn, khó lường phát sinh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan Chính phủ, Quốc hội; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng bày tỏ lo ngại trước những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Trong đó, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp.
Nền kinh tế "khát" vốn nhưng khó "hấp thụ" vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) |
Các đại biểu đã phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đưa ra các giải pháp bứt phá, quyết liệt, hiệu quả hơn để đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại năm 2023 và năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó có giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; cần có các biện pháp căn cơ, toàn diện giải bài toán “cơn khát việc làm”...
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có chiến lược và chính sách hỗ trợ bài bản, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tương xứng với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Về lâu dài phải thực hiện tốt vấn đề quy hoạch, tích tụ ruộng đất, đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn bởi nguồn thu từ đất và tài nguyên không bền vững, do vậy cần tập trung vào các doanh nghiệp có thế mạnh trong từng lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, khoáng sản...
Đồng thời, Chính phủ cũng cần có chính sách thiết thực hơn liên quan đến thuế, đầu tư, tiếp cận đất đai, tạo xung lực dẫn dắt thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Khắc phục tình trạng doanh nghiệp phá sản tăng cao
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ đồng tình với các ý kiến phân tích về bối cảnh quốc tế và trong nước, kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, bất cập.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh khó khăn nhưng dưới sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, tình hình chính trị của đất nước được ổn định; đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng GDP 4,24% mặc dù không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Trong báo cáo của Chính phủ và thẩm tra cũng đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế 9 tháng năm 2023, đó là 5/15 chỉ tiêu không đạt; thu ngân sách khó khăn, tăng trưởng không đạt mục tiêu tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau; lam phát ở mức cao; 3 động lực của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng gặp khó; giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 chậm; một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ; số doanh nghiệp phá sản tăng cao...
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới Chính phủ đánh giá làm rõ hơn chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, chiến lược phát triển năng lực nội sinh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, làm rõ định hướng dài hạn; bám sát mục tiêu phát triển bền vững; làm rõ số doanh nghiệp thực chất hoạt động và có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp phá sản tăng cao.
Trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng, chủ động cập nhật kịch bản tăng trưởng, phấn đấu cả năm tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3%.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.