Chống “ảo” cho bảo hiểm thất nghiệp
Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động |
Không đi làm vẫn…thất nghiệp
Chị Nguyễn Mai Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nghề nghiệp tự do làm tại nhà. Chị chưa từng đi làm ở công ty nhưng mong muốn có lương hưu sau này, chị tự nguyện đóng bảo hiểm vào một doanh nghiệp do người nhà làm lãnh đạo.
Theo điều 57, Luật Việc làm năm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định, người lao động đóng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Như vậy, người lao động chỉ cần đóng đủ từ 12 - 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Do mức đóng thấp nên nhiều người lao động dù không thất nghiệp vẫn đăng ký để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tại Việt Nam, nghề may mặc thu hút rất đông công nhân |
Chị Mai Lan cũng không nằm ngoại lệ trong số đó. Mặc dù không đi làm, cũng chẳng rơi vào tình trạng thất nghiệp, cứ đủ thời gian theo quy định, chị lại đến cơ quan chức năng khai báo thất nghiệp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp của nhà nước.
Với số tiền hưởng, chị Mai Lan cho rằng: Bỗng dưng chẳng làm gì cũng có số tiền "thêm thắt" cho gia đình. "Của công mà, "chôm" được gì, cứ làm" - đã nhiều lần, chị Mai Lan "tuyên truyền với bạn bè và gia đình như thế.
Anh Nguyễn Huy Thông (Hà Đông, Hà Nội) có đi làm và cũng đóng bảo hiểm ở công ty A. Tính toán đi làm đủ thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, anh Thông chủ động xin tạm ngừng việc tại đây. Sau một thời gian, với lý do "chưa tìm được việc làm theo ý muốn" anh lại tiếp tục trở lại doanh nghiệp. Thực tế là anh Thông chỉ "xin nghỉ làm trên giấy tờ" để khai báo thất nghiệp và được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp.
Có thể xử lý hình sự
Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, với diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng, từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Số người được hưởng các chế độ tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp nên số người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng vọt so với các năm trước, dẫn đến tình trạng trục lợi quỹ.
Các bạn trẻ Hà Nội trong chương trình tư vấn việc làm |
Có nhiều trường hợp, người lao động và doanh nghiệp “bắt tay” nhau đưa ra quyết định nghỉ việc để người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như thế, doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, còn người lao động vẫn được hưởng lương và trợ cấp thất nghiệp. Trong khi người thất nghiệp thực sự tại các doanh nghiệp bị phá sản, thường xuyên nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ.
Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường thông tin tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của người lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh trùng đóng, trùng hưởng, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương để phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm.
Về xử lý vi phạm cũng đã có quy định đầy đủ. Những hành vi vi phạm ở mức độ hành chính sẽ bị xử lý hành chính, vi phạm hình sự sẽ bị xử lý hình sự, là quy định hiện hành của ngành bảo hiểm Việt Nam.
Thông qua hội chợ việc làm nhiều bạn trẻ được tư vấn về bảo hiểm thất nghiệp |
Chị Thạch Thị Mỹ, công nhân một xưởng may Nam Định cho biết trợ cấp thất nghiệp không bằng nguyên lương, thời gian hưởng tối đa một năm nên họ cũng mong muốn tìm công việc ổn định, có thu nhập hơn là tìm mọi cách để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
"Hành vi trục lợi dẫn đến một hệ lụy xấu trong ứng xử đạo đức xã hội. Những người trục lợi, vô hình chung đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Hưởng đúng bảo hiểm thất nghiệp tạo ra sự công bằng xã hội, đạo đức người lao động và hình ảnh đẹp đẽ trong mắt các công ty, nhất là các công ty có lãnh đạo là người nước ngoài "– Chị Thạch Thị Mỹ cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị. Qua đó đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định. |