Chuyện của thủy thủ tàu ngầm chinh phục “hố đen đại dương”
Thiếu tá Trần Văn Phương, Phó Thuyền trưởng Tàu ngầm 186 - Đà Nẵng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019
Bài liên quan
Xây dựng Lữ đoàn tàu ngầm thành khối thống nhất về ý chí và hành động
Sức mạnh khủng khiếp của hải đoàn tàu ngầm nguyên tử Mỹ đóng tại đảo Guam
Lãnh đạo Thành phố tặng quà Tết Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Tàu ngầm HQ - 182 Hà Nội
Vượt qua thử thách
Thiếu tá Phương luôn cho rằng, trở thành thủy thủ tàu ngầm chính là cơ duyên. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong gia đình có bố là sĩ quan tốt nghiệp Học viện Hải quân Baku (Liên Xô), mẹ là giáo viên dạy văn.
Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã luôn mơ ước được trở thành người chiến sĩ Hải quân. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trần Văn Phương đã thi đậu và trở thành học viên Học viện Hải quân.
Năm 2009, anh tốt nghiệp Học viện Hải quân với quân hàm Trung úy. “Mình tình nguyện ở lại Học viện gần một tháng để tham gia khám và giám định sức khỏe cho lực lượng tàu ngầm. Lúc này bản thân mình chưa hình dung được trở thành chiến sĩ làm việc trên tàu ngầm sẽ như thế nào, chỉ biết đó là mơ ước và động lực thôi thúc. May mắn, mình là một trong 30 người của gần 300 học viên cả khóa đủ tiêu chuẩn trở thành thủy thủ tàu ngầm”, Thiếu tá Phương kể.
Thiếu tá Trần Văn Phương (đầu tiên bên phải) trong một ca huấn luyện |
Tháng 10/2010, Thiếu tá Phương lên đường đi đào tạo chuyên ngành Hàng hải tàu ngầm tại Nga. Tháng 6/2012, anh hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo với kết quả loại giỏi.
Về nước được ít ngày, Thiếu tá Phương nhận thử thách mới khi được tuyển chọn vào kíp tàu ngầm số 3 thuộc Lữ đoàn 189. Thêm hai năm trở lại xứ sở Bạch dương, anh và đồng đội kết thúc khóa huấn luyện chuyển giao với kết quả tốt, đủ khả năng độc lập khai thác và làm chủ tàu ngầm.
Đến giờ, Thiếu tá Phương vẫn nhớ nguyên cảm giác lần đầu bước chân vào tàu ngầm Kilo được mệnh danh là “hố đen đại dương”.
“Mình thực sự choáng ngợp trước sự hiện đại, số lượng các trang bị kỹ thuật với rất nhiều máy móc, thiết bị có hàm lượng công nghệ rất cao. Để vận hành tàu ngầm đòi hỏi sự hoàn hảo, ăn khớp, nhịp nhàng trong từng thao tác của tất cả thủy thủ đoàn.
Khi đó, mọi thứ trước mắt mình đều rất mới mẻ, xa lạ. Tuy nhiên, ngay sau đó, mình nghĩ làm sao để chỉ huy kíp tàu tiếp nhận, khai thác, quản lý, vận hành “cỗ máy” hiện đại này. Bằng sự quyết tâm nỗ lực của bản thân và sự đoàn kết của tập thể, chúng mình đã tự tin trong vận hành và điều khiển tàu ngầm đi biển, với nhiều hình thức chiến thuật và độ sâu khác nhau”, Thiếu tá Phương cho biết.
Truyền lửa nhiệt huyết
Cũng theo Thiếu tá Phương, tàu ngầm có tính chất đặc thù và chuyên sâu, môi trường và điều kiện hoạt động khắc nghiệt, đòi hỏi thủy thủ phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Không gian hoạt động dưới tàu ngầm chật hẹp, chỉ đảm bảo cho thủy thủ thao tác vận hành vũ khí, thiết bị kỹ thuật tại vị trí chiến đấu.
Thiếu tá Trần Văn Phương trong một chương trình giao lưu |
Khi tàu hành trình ngầm trong thời gian dài, lượng oxy thường xuyên ở mức dưới 19% (có lúc lượng oxy trong các khoang giảm đến mức gần 18% trong khi điều kiện bình thường là 20,5%) làm cho thủy thủ có cảm giác mệt mỏi và gây buồn ngủ, rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn khi thao tác trang thiết bị kỹ thuật. Vì vậy, thủy thủ tàu ngầm còn phải có sức chịu đựng, tâm lý vững vàng và chấp hành nghiêm kỷ luật.
“Trong mọi trường hợp, thủy thủ luôn phải thực hiện nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tàu ngầm. Chỉ một sơ suất nhỏ trên tàu ngầm cũng đều phải trả giá rất đắt đến tính mạng của cả thủy thủ đoàn và tài sản của quốc gia, quân đội”, Thiếu tá Phương chia sẻ.
Để bảo đảm tài liệu phục vụ huấn luyện, Thiếu tá Phương đã trực tiếp biên soạn 2 bộ tài liệu; tham gia hiệu chỉnh 10 đầu tài liệu tiếng Nga (trên 900 trang) về chuyên ngành tàu ngầm và triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Các tài liệu và sáng kiến của anh đều được cơ quan chức năng các cấp thẩm định, đánh giá cao và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn khai thác, hoạt động của tàu ngầm.
Châm ngôn Thiếu tá Phương theo đuổi là “không được lùi bước”, phải tận dụng mọi thời gian và cơ hội để tiếp thu kiến thức không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cả những kỹ năng mềm, bài học về cuộc sống và gia đình. Anh cũng luôn tự hào khi có người vợ hiền, luôn hết lòng ủng hộ chồng.
Giống như những người lính khác, thời gian anh dành cho vợ, con không nhiều. Mỗi lần anh về thăm gia đình rất ít, khoảng 5 - 7 ngày, khi con vừa quen hơi bố thì lại phải chia tay để vào đơn vị. Những ngày lễ, ngày sinh nhật của vợ, con anh đều chúc mừng qua điện thoại. Dù chịu nhiều thiệt thòi, vất vả nhưng vợ anh luôn động viên và tạo điều kiện tối đa, là hậu phương vững chắc để anh an tâm công tác, phục vụ lực lượng tàu ngầm.
Trở thành một người cán bộ, thủy thủ được phục vụ trên tàu ngầm là niềm vinh dự và tự hào rất lớn với Thiếu tá Phương. Vì vậy, anh luôn cống hiến hết mình, nêu cao quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn, nguy hiểm nhất, chúng mình quyết không lùi bước, luôn đoàn kết bằng mọi nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, làm chủ tàu ngầm, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng biển, đảo Tổ quốc. Các bạn trẻ cũng vậy, hãy cống hiến, sống bằng nhiệt huyết, trách nhiệm để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội và đất nước”, Thiếu tá Phương bộc bạch.