Cơ hội giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tại Tuần hàng trái cây, nông sản
60 gian hàng tham gia tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố Khai mạc tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ nông sản đặc sản |
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội 2023 với quy mô trên 70 gian hàng, với sự tham gia của trên 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 15 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam…
Trong thời gian diễn ra tuần hàng, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá trái cây, nông sản mùa vụ như vải thiều, xoài, dưa, sữa và các sản phẩm từ sữa, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP… tới người dân Thủ đô và du khách.
Mang sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đến với người dân Thủ đô, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường (Thanh Hà) mong muốn giới thiệu sản phẩm trái cây đặc trưng của địa phương mình. Khác với trái vải thiều ở các vùng khác, vải thiều Thanh Hà có vị thơm, ngọt, vỏ mỏng, cùi dầy màu trắng ngà, hạt nhỏ chứ không phải vị chát, hạt to như vải ở một số nơi khác.
Nhiều năm nay, nhờ áp dụng quy trình VietGAP nên vải không bị sâu, mẫu mã quả dần được cải thiện, sáng đẹp hơn trước. Vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội 2023 với quy mô trên 70 gian hàng |
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Quốc tế Vạn Long Nguyễn Xuân Thành mong muốn có nhiều hơn các Tuần hàng trái cây như thế. Để không chỉ nông sản, trái cây của Lào Cai mà các ở các địa phương khác cũng có thể đến được với người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời, kỳ vọng có thể mở các kênh phân phối trực tiếp tại thị trường Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á (gian hàng tỉnh Cao Bằng) cho biết: Tham gia Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố do Sở Công thương Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp tham gia chương trình rất phấn khởi trước sự quan tâm của người dân đối với sản phẩm địa phương mình, nhất là các sản phẩm này được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên như thạch đen Cao Bằng, miến dong, mật ong, lạc…
"Cơ sở tôi đã nhiều lần tham gia tuần hàng, hội chợ. Thực tế, sau mỗi lần tham gia xúc tiến, giới thiệu, quảng bá, chúng tôi có thêm các đối tác, khách hàng mới. Đây cũng là mong muốn khi chúng tôi tham gia các sự kiện như này", anh Tuấn nói.
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Lê Thị Hải Yến (Vạn Phúc, Hà Đông) cho biết, việc Sở Công thương Hà Nội tổ chức Tuần hàng Việt đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận các mặt hàng Việt Nam đặc biệt là đặc sản vùng miền chất lượng cao, giá bán phù hợp với người tiêu dùng.
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội |
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Sự kiện này có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội. Đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Theo Sở Công thương Hà Nội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức trên 100 sự kiện giao thương, hội chợ, tuần hàng, qua đó hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, đặc sản tại thị trường Hà Nội.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội như Aeon, Central Group, MM Mega Market… tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện…. đưa vào kênh phân phối hiện đại tiêu thụ.
Việc kết nối doanh nghiệp sản xuất các tỉnh thành với hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ trên thị trường TP Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống phân phối nước ngoài tại Nhật Bản, Thái Lan.