Có một Hà Nội hào hoa, đậm đà bản sắc giữa TP HCM
"Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh" trọn tình gắn kết Dư vị của “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” Thống kê ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh" |
Hà Nội trong trái tim
Những ngày cuối tháng 8, thi thoảng cơn mưa nặng hạt bất chợt ùa đến xua tan đi cái nóng bức, ngột ngạt của một thành phố đông đúc, náo nhiệt. Mùa này, thời tiết phương Nam cũng thất thường, mưa nắng, như con gái vậy.
Mưa, nhiều người cũng lo âu, nhất là Ban Tổ chức chương trình. Người dân thì thấp thỏm, hy vọng và mong đợi ngày khai mạc có thời tiết thuận lợi.
Hà Nội đến để yêu |
“Mình đã trông chờ chương trình này mấy hôm nay rồi. Ra phố đi bộ Nguyễn Huệ tập thể dục mỗi ngày, mình cứ ngắm nhìn và chờ đợi các công trình thành hình để tham quan, thưởng thức”, chị Minh Phụng (trú tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh) ngắm nghía, chụp hình Hoàng thành Thăng Long đang hoàn thiện, vui mừng nói.
Theo chị Phụng, chị chưa đi Hà Nội bao giờ. Chị chỉ biết Hà Nội qua sách báo, phim ảnh nhưng cũng vô cùng cảm mến và yêu dấu vì nét cổ kính, hào hoa của Thủ đô nghìn năm văn hiến…
Những công trình mang đậm văn hóa, bản sắc Hà Nội |
Không giống như chị Phụng, anh Phương cùng vợ con “lặn lội” từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh du lịch những ngày cuối của dịp nghỉ hè. Đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, anh vô tình biết được có chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” nên nán lại xem.
“Nhà tôi định dìa (về - PV) rồi đó mà con thấy vậy nên nói ba má ở lại xem cho biết Hà Nội như thế nào. Trước giờ chỉ thấy trên vô tuyến thôi. Hai vợ chồng cũng tò mò nên ở thêm cho biết”, anh Phương chân chất nói.
Hoàng thành Thăng Long hấp dẫn người dân và du khách |
Không phải tự nhiên những người như chị Phụng, anh Phương cảm mến Hà Nội một cách vô tư, chân chất như thế, dù chưa đến Hà Nội bao giờ. Tình cảm họ dành cho Hà Nội như một điều thiêng liêng của mỗi người con Việt Nam dành cho Thủ đô - trái tim hồng nghìn năm văn hiến vậy.
Chị Diệu Ly sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Vì lý do gia đình, công việc, chị đã rời quê hương chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, đến nay kể cũng ngót nghét 10 năm.
Do bộn bề công việc, chị khó có thể sắp xếp thời gian ra thăm Hà Nội hoặc nếu có cũng chỉ là những chuyến đi vội vã…
Từ khi biết tin có sự kiện “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, chị đã vô cùng háo hức và chờ đợi. Qua những không gian, kiến trúc được kỳ công tái hiện đã giúp chị được trở về một miền ký ức xưa, về một thành phố thân thương đã từng bao bọc và nuôi nấng chị.
Chị Diệu Ly vẫn sắc son nhớ thương và yêu mến Hà Nội |
“Khi đi tham quan từng địa danh đã được kỳ công chuẩn bị, chị cảm thấy vô cùng xúc động. Ngoài những địa danh đã từng cho chị nhiều kỷ niệm về thời trẻ, hơn hết đó còn là sự gắn kết nghĩa tình của 2 thành phố: Một nơi sinh ra, nuôi lớn mình và một nơi mình vẫn đang sinh sống”, chị Diệu Ly bồi hồi.
Đặc biệt, khi ngắm nhìn biểu tượng Hà Nội (Khuê Văn Các) giữa lòng thành phố, cảm xúc dâng trào trong chị. Hai thành phố là hai nơi trao cho chị những gì quý giá nhất - nơi sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm, nơi trưởng thành cùng sự yêu mến và bao dung.
Khuê Văn Các được tái hiện tại TP Hồ Chí Minh |
Hay tại khu vực tái hiện cầu Long Biên, nơi trưng bày triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chị Diệu Ly cũng được hiểu thêm, càng tự hào thêm về những chặng đường lịch sử hào hùng của quân và dân Thủ đô ngày ấy.
Sắc son với Hà Nội
Ngay từ khi thông tin về chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” được công bố, nhiều người đã rất tò mò. Bởi đây là lần đầu tiên một Hà Nội nghìn năm văn hiến được mang vào phương Nam để giới thiệu, quảng bá và để người dân gần hơn, hiểu hơn…
Không phải tự nhiên trong những ngày đầu thi công các hạng mục phục vụ chương trình, nhiều người đã không mấy chú ý. Lý do cũng bởi phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 đã quá quen thuộc với việc tổ chức các chương trình, hoạt động.
Đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức và tham quan tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 - nơi diễn ra “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” |
Khi Khuê Văn Các, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm, cầu Long Biên, Tháp Bút, cầu Thê Húc, chợ Đồng Xuân, các biển hiệu phố phường, những khung cửa sổ, những ngôi nhà mang gam màu và kiến trúc đặc trưng… mọi người mới chợt nhận ra Hà Nội.
Những buổi dạo phố, những lần check-in với Hà Nội giữa lòng thành phố lớn nhất phương Nam cũng bắt đầu hút khách.
Người dân, du khách trong và ngoài nước từ tò mò đến phấn khích chờ đợi các công trình hoàn thiện. Để rồi mọi người sau đó vỡ òa bởi những hoạt động sôi nổi, như đêm khai mạc chương trình với chủ đề “Dấu son Hà Nội” hoành tráng, ấn tượng, mãn nhãn và giàu cảm xúc. Hay chương trình “Giai điệu trẻ” đậm chất thanh niên, với khí thế của tuổi trẻ hai miền Nam - Bắc sẵn sàng tiên phong, trách nhiệm, sáng tạo và cống hiến hết mình cho Tổ quốc…
Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa đặc sắc như triển lãm về Hoàng thành Thăng Long; di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; giới thiệu tinh hoa đạo học Việt Nam; triển lãm ảnh 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại khu vực mô hình cầu Long Biên; hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; quảng bá và giới thiệu ẩm thực Hà Nội...
Tất cả đã tạo nên một chương trình ghi dấu, vừa đậm đà bản sắc Hà Nội - Thành phố hòa bình, vừa năng động, sáng tạo của TP Hồ Chí Minh - thành phố mệnh danh không ngủ.
“Mình nắm hết nội dung của chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” vì chưa đi Hà Nội bao giờ. Cũng muốn một lần đặt chân ra đó thăm Lăng Bác, đi cho biết Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… nhưng vì nhiều lý do nên mình chưa đi được”, anh Hoàng (trú tại quận Tân Phú) phấn khởi nói.
Cụ rùa AI và mô hình lều chõng hấp dẫn học sinh tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc |
Em Trương Hoàng Bảo Trâm thích thú khi được vào ngồi trong mô hình lều chõng của sĩ tử năm xưa |
Cũng theo anh Hoàng, anh đã đưa gia đình đi tham quan chương trình, thưởng thức hầu hết các đặc sản… Tất cả đã mang lại cho anh và gia đình một cảm nhận chung rất đặc biệt, đó là một Hà Nội hào hoa, đậm đà bản sắc giữa thành phố mang tên Bác.
“Đặc biệt, con mình thích triển lãm chủ đề “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài”. Khi nghe Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chữ hiền tài, con mình thích và đòi đi ngay. Cháu yêu lịch sử, văn hóa, đếm chiêm ngưỡng Hà Nội nghìn năm văn hiến thì còn gì bằng”, anh Hoàng tâm đắc chia sẻ.