Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị phục hồi sản xuất, kinh doanh
VASEP kiến nghị 3 vùng
Ngày 19/9, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, VASEP đã có kiến nghị phục hồi sản xuất trong tình hình mới, nhằm mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm 2021. Đó là, chia khu vực chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất khẩu thủy sản gồm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP HCM thành 3 vùng để các doanh nghiệp chủ động. Phân chia này dựa trên tỷ lệ nhiễm Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc-xin, số lượng công nhân và một số yếu tố khác.
Vùng 1 gồm 6 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang và Bến Tre có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, cũng là vùng tập trung nuôi tôm lớn, chiếm kim ngạch xuất khẩu 30% của toàn ngành. Các doanh nghiệp ở đây được nới lỏng sản xuất theo từng phần để phục hồi từ cuối tháng 9, sang tháng 10 phục hồi 60% và 80% vào cuối năm.
Vùng 2 gồm 5 tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp có tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình, tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản (khoảng 20% của toàn ngành). Đến tháng 10, vùng này có thể phục hồi sản xuất khoảng 50% và lên 70% vào cuối năm.
Vùng 3 gồm 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Dương và TPHCM có tỷ lệ mắc bệnh cao nhưng tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, có thể phục hồi khoảng 40% trong tháng 10 và tăng lên 60% vào cuối năm.
Tôm thẻ chân trắng thu hoạch lên để bên đường chờ thương lái ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Ngọc Huyền) |
VASEP cho rằng, chia vùng để thống nhất kế hoạch cụ thể, đồng bộ giữa các tỉnh, bởi trong suốt thời gian giãn cách vừa qua, doanh nghiệp luôn bị động, dẫn đến đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất. Trong đó, tạo cơ chế ưu đãi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa; Đưa chi phí xét nghiệm Covid-19 vào dự toán doanh thu, lợi nhuận; Ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động; Sớm mở lại các chợ đầu mối.
Phòng chống dịch theo điểm
Không để đứt gãy sản xuất Ngày 21/9, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị yêu cầu các địa phương “chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng”. Trước đó, sáng 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp. Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng nghìn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”. |
Ngày 16/9, 14 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam, ký công văn gửi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới. Các hiệp hội gồm: VASEP, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Da giầy - Túi xách Việt Nam, Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Sữa Việt Nam, Thực phẩm Minh bạch, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Lương thực - Thực phẩm TPHCM, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Kiến nghị giải thích điểm là: “Điểm dân cư: Căn nhà, căn hộ hoặc khu dân cư nhỏ nhất; Điểm dịch vụ: Cơ quan, văn phòng, chợ, siêu thị, hộ và cá nhân kinh doanh dịch vụ; Điểm sản xuất: Hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng”.
Theo đó, điểm sản xuất: Hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện 5K. Khi có F0, khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày đồng thời thông báo y tế địa phương. Các F0 tại điểm sản xuất được cách ly tại chỗ, tại nhà dưới sự theo dõi của y tế. Các F0 được cách ly tại nhà nếu điểm đó là điểm dân cư và điểm dịch vụ. Bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến.
Kiến nghị cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch; Hỗ trợ đối với các các nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; Gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.
Cần lộ trình rõ ràng ngay từ bây giờ
Ngày 17/9, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài gồm Hiệp hội doanh nghiệp AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham gửi công văn tới Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Công văn thẳng thắn bày tỏ "Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Kiến nghị nhấn mạnh: “Sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái “bình thường mới” ngay bây giờ. Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện. Sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh là rất quan trọng”.
Các doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo: “Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các doanh nghiệp hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại”.
Mong muốn được tái hoạt động nhanh với lộ trình rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cũng “cam kết đóng góp, hỗ trợ cho những người người nghèo và thiệt thòi trong cộng đồng”.
Khuyến nghị “Mô hình 3 XANH” Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hội đồng Hiệp hội các doanh nghiệp ĐBSCL xây dựng khuyến nghị lộ trình mở cửa sau giãn cách với đề xuất “Mô hình 3 XANH”. Lao động XANH: Phải thỏa mãn các điều kiện là được tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc 1 mũi từ 14 ngày trở lên; hoặc phải cư trú ở vùng xanh trên 30 ngày liên tục. Giai đoạn này giới hạn 30 - 50% lao động được làm việc tại doanh nghiệp. Cung đường XANH: Chỉ đi từ 1 điểm (từ nơi cư trú) và đến 1 điểm (nhà máy, phân xưởng). Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Giấy đi đường sẽ do doanh nghiệp đề xuất và cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có thời gian đi - về cụ thể. Nhà máy XANH: Nhà máy/công ty phải thỏa điều kiện chưa từng nhiễm COVD-19 hoặc nếu nhiễm phải có thời gian khử khuẩn ít nhất 2 ngày. Doanh nghiệp phải chia ca sản xuất, đảm bảo số công nhân thay ca, ca trước và ca sau cách nhau 60 phút để đảm bảo phòng dịch giữa các nhóm công nhân. Mô hình 3 XANH là điều kiện thúc đẩy tái sản xuất, kinh doanh. Địa phương sử dụng “3 XANH” thay thế “3 tại chỗ” và “1 con đường 2 điểm đến”. Bắt đầu bằng việc cấp Thẻ Xanh cho Lao động Xanh để tái sản xuất, kinh doanh từ đó mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu ở các tỉnh. Tiếp theo, mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ, tiến tới liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Mở ra trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp hoạt động không giới hạn nhưng phải gắn với những quy định phòng dịch đảm bảo an toàn. |