Cục Thuế Hà Nội không thông tin số thuế nộp của 3 showroom nghi bán ô tô biếu tặng
Nghi vấn nộp thuế cần làm sáng tỏ
Sau hơn nửa tháng phóng viên đăng ký làm việc để tìm hiểu việc nộp thuế của Công ty TNHH Nhập khẩu HC 99 (chủ showroom ô tô HC Auto); Công ty Cổ phần Ô tô Sơn Tín (Sơn Tín Luxurycars) và Công ty Cổ phần ô tô Sơn Tùng (Sơn Tùng Auto), ngày 14/6, Cục Thuế Hà Nội mới chính thức có thông tin phản hồi.
Theo đó, dẫn giải các quy định của Luật Báo chí, Luật Quản lý thuế, Cục Thuế Hà Nội đã không cung cấp thông tin số liệu cụ thể về số thuế mà các công ty trên đã nộp để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, Công ty Cổ phần Ô tô Sơn Tùng, Công ty Cổ phần Ô tô Sơn Tín và Công ty TNHH nhập khẩu HC 99 đều chấp hành nộp hồ sơ kê khai thuế đúng hạn theo quy định và không phát sinh doanh thu từ khi thành lập đến nay.
Về tình hình chấp hành quy định về hóa đơn chứng từ, theo Cục Thuế Hà Nội, các công ty trên đã thông báo phát hành hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đúng quy định.
Mặt khác, căn cứ dữ liệu của cơ quan thuế, tính đến ngày 6/6/2022, các doanh nghiệp trên cũng không nợ tiền thuế theo kê khai.
Trụ sở Cục Thuế Hà Nội |
Vụ việc "bất thường đường dây nhập khẩu siêu xe biếu tặng" do báo Tiền Phong phản ánh vẫn đang gây sự chú ý của dư luận. Sự việc sẽ không có gì bất thường nếu như giá trị khai báo hải quan của những chiếc ô tô hạng sang thông quan nhập khẩu vào Việt Nam không thấp hơn nhiều so với giá trị bán ra thị trường (trừ các thuế, phí nhập khẩu).
Đồng thời, cũng chẳng có gì đáng nói nếu như không có chuyện các loại xe biếu tặng là những loại xe hạng được các doanh nghiệp "ma" nhập khẩu về nước nhưng lại không đi về địa chỉ được cấp phép mà lại vào thẳng các showroom ô tô HC Auto, Sơn Tín Luxurycars và Sơn Tùng Auto.
Theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu ô tô đơn lẻ với mục đích thương mại là không thể, do lĩnh vực ô tô nhập khẩu là ngành kinh doanh có điều kiện đi kèm với các quy định rất chặt chẽ nên tổ chức hoặc cá nhân không thể nhập xe hơi về như hàng hóa thông thường.
Theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ, để được nhập khẩu ô tô, đơn vị, doanh nghiệp phải đáp các quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng. Bên cạnh đó, đơn vị nhập khẩu phải được ủy quyền của nhà sản xuất gốc (OEM) thực hiện lệnh triệu hồi ô tô ở Việt Nam.
Siêu xe biếu tặng được showroom HC Auto rao bán (Ảnh: Báo Tiền Phong) |
Theo đánh giá, đây là các điều kiện kỹ thuật mà chỉ có các nhà sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô chính hãng mới thực hiện được. Do đó, đại diện một đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội cho rằng, các loại xe sang, nhất là các phiên bản hiếm muốn về Việt Nam thì chỉ có thể "núp bóng" dưới hình thức quà biếu tặng.
Đối với xe nhập khẩu dưới dạng quà biếu tặng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 143/2015/TT-BTC quy định xe nhập khẩu dưới dạng quà biếu tặng phải được cấp phép trước khi làm thủ tục nhập khẩu và mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được nhập 1 xe/năm.
Về chính sách thuế, theo quy định của pháp luật, đối với xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu tặng, người khai hải quan phải nộp đủ các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng trước khi hàng hóa được thông quan; Đối với xe quà biếu tặng thì phải nộp thêm thuế thu nhập bất thường tại cơ quan thuế nội địa.
Trước vụ việc báo chí đăng tải, hai vấn đề lớn mà các cơ quan chức năng cần làm rõ là liệu những xe sang này có trốn thuế hay không và những xe về nước theo đường biếu tặng lại xuất hiện ở showroom liệu có hợp pháp hay không?
Ở khía cạnh khách quan, nếu phân tích cũng có thể thấy sự chênh lệch rất lớn về giá khai báo hải quan và giá bán tại các showroom. Việc khai báo với giá trị thấp hơn các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT của loại xe nhập khẩu theo dạng biếu tặng giảm rất nhiều so với xe nhập khẩu theo hình thức thương mại thông thường, từ đó dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước.
Luật sư chỉ ra những điểm bất thường
Việc làm rõ các doanh nghiệp có trốn thuế hay không, có đường dây ngầm nào bắt tay với nhau hay không và trách nhiệm của hải quan và cơ quan thuế ở đâu? Đây chính là vấn đề được Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội kiến nghị với cơ quan hữu trách để làm rõ những nghi vấn bất thường nhập khẩu xe biếu tặng mà báo chí đã nêu.
Sơn Tùng Auto (số 2 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty Cổ phần ô tô Sơn Tùng |
Theo Luật sư Hồng, quy định về nhập khẩu xe biếu tặng đã nêu rõ tại Thông tư số 143/2015 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quy định vẫn còn những lỗ hổng để các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu xe theo dạng quà biếu tặng... nhằm trốn tránh các loại thuế để hưởng lợi, do đó hiện nay có rất nhiều xe được nhập dưới dạng này.
Trong đó, đơn cử như quy định xe nhập khẩu dưới dạng quà biếu tặng phải được cấp phép trước khi làm thủ tục nhập khẩu và mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được nhập 1 xe/năm. Quy định này sẽ được các đối tượng lách luật bằng hình thức thành lập nhiều các công ty "ma" để làm hồ sơ nhập khẩu.
"Chiêu trò phổ biến của các đối tượng là lập công ty ma, sử dụng giấy tờ của những người lớn tuổi, rồi địa chỉ đăng ký kinh doanh thuộc các vùng sâu, vùng xa hoặc cùng một địa chỉ có nhiều doanh nghiệp nhập xe về, lợi dụng việc đăng ký doanh nghiệp thông thoáng... nên mới có tình trạng doanh nghiệp mới thành lập được không lâu đã bỏ địa chỉ kinh doanh", Luật sư Hồng phân tích.
Luật sư Hồng cho rằng, vụ việc báo chí phản ánh những bất thường về đường dây nhập khẩu xe biếu tặng là hoàn toàn có cơ sở, qua đó chỉ cho chúng ta thấy những lỗ hổng mà các đối tượng tận dụng để lách luật, thậm chí có thể có sự bắt tay ngầm với nhau để gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Sơn Tín Luxurycars (số 321 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế, Hà Nội) của Công ty Cổ phần Ô tô Sơn Tín |
Mặt khác, các doanh nghiệp “ma” nhập khẩu xe biếu tặng sau một thời gian đã "biến mất", không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh thì thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập bất thường sẽ thu như thế nào. Nếu các doanh nghiệp nhập khẩu có mua bán hay chuyển nhượng cho các showroom thì việc đó có hợp pháp hay không, thu thuế như thế nào và mối quan hệ giữa bên cho và bên tặng ra sao?
"Vụ việc này rõ ràng là có bất thường, nên cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ có hay không việc bắt tay nhau để lách luật, trốn thuế cũng như xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan", Luật sư Hồng nhận định.
Liên quan đến vụ việc này, sáng 8/6, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định đối với các hãng xe phải đặt đại lý tại Việt Nam để chuyển xe mua qua đại lý. Tuy nhiên có nhiều loại xe vì bán được ít nên không có đại lý, gọi là xe hơi đặc thù, lợi dụng lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, xe nhập khẩu biếu tặng thì theo quy định không được giảm loại thuế nào, không được miễn thuế nào từ nhập khẩu tới tiêu thụ đặc biệt.
"Thời gian qua báo chí có nêu và chúng tôi cũng đã tổ chức kiểm tra. Đúng là khi doanh nghiệp kê khai có kê khai theo giá thấp nhưng cơ quan Hải quan căn cứ vào quy định của hải quan với bảng thuế, xác định tăng lên, xác định lại để truy thu thuế", ông Phớc nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra.
"Chúng tôi giao cho Tổng cục Hải quan làm việc với C03 tổ chức họp nhiều lần, kiểm tra, đến hôm nay vẫn chưa có kết quả", ông Phớc cho biết.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng cục Thuế, Hải quan chỉ đạo các đơn vị địa phương rà soát xem có thất thu thuế và định giá xe có chính xác không. Theo báo cáo của cơ quan Hải quan thì không phát hiện thất thu thuế trong nhập xe biếu tặng.
Hé mở về HC Auto, Sơn Tùng Auto, Sơn Tín Luxurycars Theo tài liệu của phóng viên, các doanh nghiệp là chủ sở hữu của các showroom ô tô HC Auto, Sơn Tín Luxurycars và Sơn Tùng Auto đều mới thành lập cách đây không lâu, giai đoạn 2020 - 2021. Đây là giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành nặng nề trên thế giới và tại Việt Nam khiến các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu ngưng trệ vì các quy định phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, Công ty TNHH Nhập khẩu HC 99 được thành lập ngày 21/7/2021. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn ô tô và xe có động cơ khác. Ông Bùi Đức Cảnh là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Công ty TNHH Nhập khẩu HC 99 khi thành lập có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Ô tô Sơn Tùng được thành lập vào ngày 21/4/2020, với mức vốn là 10 tỷ đồng do ba cổ đông góp vốn. Ông Nguyễn Quang Trọng là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty, trong số cổ đông còn có các doanh nhân có tiếng về siêu xe như bà Sầm Thị Huệ và ông Vũ Sơn Tùng. Đối với Công ty Cổ phần Ô tô Sơn Tín, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 14/10/2021, với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng với ba cổ đông góp vốn. Ông Phan Hoàng Sơn là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. |