Cùng chiêu thức gọi vốn, Chủ tịch Năng Phát Land có mối liên hệ gì với Công ty Capel?
Ham lãi suất cao, khách hàng “vỡ mộng” khi góp vốn vào Công ty Capel Ham lãi suất cao, có rủi ro khi góp vốn đầu tư vào Năng Phát Land? |
Huy động vốn cùng một chiêu thức
Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều bài viết phản ánh về hoạt động huy động vốn của nhiều doanh nghiệp với cùng một chiêu thức tương tự như nhau như Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land (mới chỉ thành lập được hơn 2 tháng) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Capel.
Theo đó, các doanh nghiệp này bày ra chương trình huy động vốn bằng các "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" nhằm kêu gọi tiền của nhà đầu tư nộp vào công ty để được hưởng lãi suất cao.
Trong đó, các nhân viên của Năng Phát Land thường xuyên lên Facebook, Zalo kêu gọi người tham gia đầu tư tài chính vào công ty với nhiều gói để lựa chọn từ 10 triệu đến 50 tỷ đồng để được nhận phân chia lợi nhuận với lãi suất rất cao.
Nhân viên của công ty này thường tư vấn khách hàng nếu tham gia đầu tư sẽ được phân chia lợi nhuận theo ngày, thậm chí nếu nhà đầu tư vừa góp vốn vừa vào làm công ty và đạt được doanh số lớn sẽ được bổ nhiệm làm trưởng phòng, giám đốc...
Nhằm lấy lòng khách hàng, nhân viên của Năng Phát Land đã vẽ ra một tương lai tươi sáng cho nhà đầu tư nếu tham gia vào hệ thống. Cụ thể như thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu đồng trên tháng, nếu kêu gọi người khác đầu tư vào thì sẽ được thưởng phần trăm, nhiều doanh nghiệp khác cũng dùng phương thức tương tự và không khác gì kiểu đa cấp biến tướng dưới dạng đầu tư tài chính.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ông Đỗ Doãn Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Năng Phát Land ký trước |
Thậm chí, họ còn "mách nước" cho khách hàng cách lách để hưởng phần trăm. Cụ thể, nếu khách hàng có 300 triệu đồng, thì chỉ nên gửi 100 triệu đồng, còn 200 triệu đồng còn lại sẽ làm hai hợp đồng khác với những cái tên khác nhau, xem như mình mời được hai người khác tham gia để được thưởng phần trăm.
Tương tự, nhân viên môi giới của của Tập đoàn Capel cũng mời chào hợp tác kinh doanh với những ưu đãi "có một không hai" nhằm lôi kéo khách hàng tham gia.
Theo đó, Tập đoàn Capel đưa ra nhiều gói đầu tư với phương thức phân chia lợi nhuận theo ngày, nhà đầu tư có thể chọn các gói từ 24 triệu đồng đến 240 tỷ đồng (tương ứng các gói từ 1.000 - 10.000.000 USD), hưởng lợi nhuận 12,5%/tháng.
"Nếu đầu tư gói 24 triệu đồng thì một ngày anh nhận 150 nghìn đồng, 1 tháng nhận về 3 triệu đồng. Anh ký kết với công ty trong vòng 2 năm, cả gốc và lãi anh nhận về 72 triệu đồng", môi giới của Tập đoàn Capel nói.
Hình ảnh hợp đồng hợp tác kinh doanh và phiếu thu tiền được các môi giới Tập đoàn Capel gửi cho khách hàng |
Để lấy lòng tin, nhân viên môi giới của Tập đoàn Capel còn gửi cho khách hàng một số thư mời về lễ mở bán các sản phẩm bất động sản tại dự án Garden Hill (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) và dự án KDC Nam Phong (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Phước không có các dự án Garden Hill hay KDC Nam Phong. Như vậy có thể nhân viên môi giới Tập đoàn Capel chỉ vẽ các dự án "ma" để đánh lừa khách hàng.
Khách hàng “vỡ mộng” vì ham lãi suất cao
Để làm rõ sự việc huy động vốn này, phóng viên đã liên hệ với ông Lã Quốc Trưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Capel nhưng không được vị này phản hồi.
Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Capel đã gửi thông báo đến các nhà đầu tư, khách hàng cho biết, công ty hiện đang tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính để mua, làm các dự án bất động sản, khu du lịch sinh thái, trồng rừng và các dự án khác.
Mẫu hợp đồng của Công ty Capel cũng tương tự như Năng Phát Land |
Theo như điều khoản trong hợp đồng giữa công ty với các nhà đầu tư, khi ban lãnh đạo công ty cần tập trung nguồn tài chính vào các khu đất, dự án kinh doanh bất động sản và các dự án khác thì công ty điều chỉnh thị trường cho phù hợp với tình hình sử dụng nguồn vốn và dòng tiền hợp tác kinh doanh của các nhà đầu tư.
Do đó, Tập đoàn Capel thông báo tất cả các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh từ ngày công ty mới thành lập cho đến hết ngày 20/4/2022, công ty tạm ngừng chuyển tiền phân chia lợi nhuận theo ngày trong thời gian 2 tháng và thay bằng việc chuyển sang chế độ phân chia lợi nhuận theo tháng.
Cụ thể, thời gian phân chia lợi nhuận đối với các hợp đồng từ năm 2019 - 2020 vào ngày 10 - 20 hàng tháng, chia bằng lãi suất ngân hàng Vietcombank. Đối với các hợp đồng từ năm 2021 đến ngày 20/4/2022 sẽ phân chia lợi nhuận vào ngày 20 - 30 hàng tháng.
Kỳ đầu tiên khách hàng và nhà đầu tư nhận chương trình phân chia lợi nhuận vào ngày 10/5 - 20/5/2022 và ngày 20/5 - 30/5/2022. Thời gian áp dụng phân chia theo lãi suất ngân hàng dự kiến 2 tháng, từ ngày 10/5 đến hết tháng 6/2022.
Đối với các hợp đồng hợp tác đầu tư từ năm 2019 đến hết ngày 20/4/2022 với mức trên 2 tỷ đồng, ban lãnh đạo công ty sẽ mời nhà đầu tư lên văn phòng tại Hà Nội và TP HCM để làm thủ tục nhận tài sản bất động sản bảo lãnh cho hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, nhà đầu tư bắt đầu đăng ký từ ngày 1/5/2022 để doanh nghiệp sắp xếp tài sản.
Văn phòng Năng Phát Land |
Trong khi đó, phóng viên liên hệ với ông Đỗ Doãn Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Năng Phát Land thì ông này cho biết, chương trình phân chia lợi nhuận 10,0%/tháng (cả gốc và lãi) là dành riêng cho sự kiện khai trương của công ty, chỉ triển khai trong vòng một tháng tính ngày làm việc, hiện tại chương trình đã kết thúc, sau đó nếu hợp tác nhà đầu tư chỉ nhận được lợi nhuận 6%/tháng.
Khi phóng viên đặt vấn đề về nguồn thu để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư, ông Năng cho biết, doanh thu của công ty quay vòng liên tục khi buôn bán đất nền, việc giao dịch đất kiểu mua đi - bán lại để hưởng chênh lệch tập trung chủ yếu ở Hòa Bình, Hà Nội.
Về việc chia phần trăm cho người mời được khách hàng tham gia vào hệ thống, ông Năng khẳng định đó không phải là hình thức đa cấp. "Đấy gọi là SEO, công ty nào cũng đều có chế độ cho họ, ví dụ họ giao cho văn phòng của em là 10% thì em phân chia ở dưới như thế nào cho hợp lý. Đấy không phải là đa cấp vì đa cấp phải có cây hệ thống và bán giá cả chênh lệch", ông Năng nói.
Mặt khác, theo điều tra của phóng viên, trước đây, ông Đỗ Doãn Năng từng làm việc tại Tập đoàn Capel của ông Lã Quốc Trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên ông Năng đã nghỉ việc và lập công ty riêng.
Thời gian qua, nhiều trường hợp đã phải "tiền mất tật mang" khi tham gia vào các chương trình hợp tác kinh doanh với các công ty có hình thức huy động vốn tương tự như Tập đoàn Capel, Năng Phát Land và cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra.
Theo đó, nhiều khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với một số lãnh đạo doanh nghiệp huy động vốn. Sau đó, các cá nhân trên đã nộp, chuyển tiền cho công ty theo như thỏa thuận nêu trong hợp đồng.
Tuy nhiên, sau thời điểm ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp chỉ thực hiện chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một thời gian ngắn, sau đó ngưng không tiếp tục thực hiện các nội dung cam kết trong hợp đồng.
Đến khi khách hàng nhiều lần kéo đến trụ sở công ty thì lãnh đạo các doanh nghiệp hướng dẫn họ làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký kết và cam kết sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng.
Do đó, trước khi quyết định xuống tiền đầu tư, khách hàng cần nghiên cứu và tìm hiểu kỹ các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là tình hình tài chính và khả năng thanh toán công nợ của doanh nghiệp.
(Còn nữa)