Cùng Trịnh Lữ khám phá "Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo"
Bìa cuốn sách "Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo"
Bài liên quan
Trải nghiệm mới mẻ qua triển lãm tranh quốc tế "Diện mạo châu Á"
"Du xuân" trong tranh Tết Kỷ Hợi
Khai mạc triển lãm "Tranh Tết Kỉ Hợi 2019"
Ra mắt "Răng sư tử" của nhà báo Yên Ba
"Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo" là tác phẩm thứ hai của Graham Collier được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam sau "Hình, Không gian và Cách nhìn".
Đây có thể được xem là một bộ sách hoàn chỉnh, một khảo nghiệm mang tính toàn cầu về quá trình sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, ba dịch giả của cuốn "Hình, Không gian và Cách nhìn": Vương Tử Lâm, Phạm Long và Phạm Văn Thiều cũng có mặt cùng với dịch giả Trịnh Lữ trong buổi giao lưu này.
Nếu trong "Hình, Không gian và Cách nhìn", tác giả đào sâu nghiên cứu mọi thành tố của ngôn ngữ hội họa tạo hình như một giáo trình giảng dạy, thì trong Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo ông tập trung tìm hiểu thế giới bên trong, cách mà con người thai nghén và tạo dựng nghệ thuật từ tâm thức, và mối quan hệ bập bênh giữa nội tâm với ngoại vật...
Ông đưa người đọc lên một đỉnh cao mà từ đó thấy được toàn bộ cốt lõi của hiện tượng nghệ thuật mà ta đã từng nhiều lần quanh co lạc lối trong đó. Giờ đây, ta có thể đi từ nghệ thuật cổ đại đến nghệ thuật hiện đại một cách khách quan, giải thích chúng với cùng những nguyên lý như nhau.
Giá trị không hề nhỏ nữa của cuốn sách này là làm phong phú thêm những hiểu biết về thành tựu của quá khứ từ những nghiên cứu hiện tại. Trong khi đi qua những giao cảm nội tâm phức tạp, các mâu thuẫn trong lịch sử nghệ thuật, Graham Collier đã tìm thấy tính nhất quán của nghệ thuật, và của cả con người.
Vì lẽ đó, cuốn sách này được dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngữ với mong muốn giúp cho việc giảng dạy, học tập, phê bình, sáng tác, cũng như thưởng ngoạn và sưu tập mỹ thuật ở Việt Nam có thêm một chỉ dẫn theo những câu hỏi chính đáng về nghệ thuật tạo hình.
Tác giả Alan Graham-Collier sinh năm 1923 tại Lancaster, Anh quốc, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Slate thuộc Đại học London, là họa sỹ chuyên vẽ chân dung và phong cảnh. Trong Thế chiến II, ông là phi đội trưởng oanh tạc của Không lực Hoàng gia Anh. Từ thập niên 1960, ông là Giáo sư Triết học Nghệ thuật tại Đại học Georgia, và là thành viên hội đồng tư vấn của Trường Davenport, Đại học Yale.
Những sách khác đã xuất bản:"Form, Space and Vision" (Hình, Không gian và Cách nhìn), "War Night BerlinAntarctic Odyssey", "What the Hell Are the Neurons Up To"?
Dịch giả Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng sang Mỹ làm việc gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên hiệp quốc.
Ông còn là một họa sĩ có nhiều cuộc triển lãm tranh ở New York, Wisconsin và Hà Nội, một nhà thiết kế nội thất thúc đẩy nếp sống thanh nhã giản dị, một nhà văn với những truyện ngắn và tiểu luận đậm chất suy tư chiêm nghiệm.
Đặc biệt, ông còn là một dịch giả uy tín với nhiều bản dịch văn chương và nghệ thuật có giá trị trong đời sống văn hóa đọc, và từng đoạt giải thưởng dịch thuật của cả hai Hội Nhà văn Việt Nam và Hà Nội.
Một số dịch phẩm đã xuất bản: "Rừng Nauy", "Cuộc đời của Pi", "Utopia – Địa đàng trần gian", "Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa", "Truyện ngắn Úc (song ngữ Anh-Việt)", "Biển", "Nhập môn nghiên cứu dịch thuật", "Con nhân mã ở trong vườn", "Trần trụi với văn chương", "Nhạc đời may rủi".