Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân
Sẵn sàng ứng phó với các mức độ của dịch Covid-19
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thời điểm này các hệ thống phân phối lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng mạnh so với trước đó.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo hàng hóa cho người dân, kể cả khu vực đang có dịch, Bộ Công thương đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19.
Các hệ thống phân phối lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng mạnh |
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch. Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Nhờ đó, tại các hệ thống phân phối lớn như chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra, VinMart, Hapro Mart, Intimex, Big C; Go!, Bách Hóa Xanh... nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân.
Hơn nữa, hệ thống phân phối cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống, phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.
Tại các hệ thống siêu thị, hàng hóa luôn đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân |
Do đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung - cầu hàng hóa, lưu thông, tiêu thụ nông sản ứng phó với các mức độ của dịch Covid-19.
Hiện tại, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước.
Đảm bảo lưu thông hàng hóa, nông sản được thông suốt
Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường.Tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đáng chú ý, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Đồng thời, Bộ cũng bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.
Tại các chợ dân sinh, các mặt hàng rau quả, thực phẩm cũng dồi dào, giá cả ổn định |
Các chuyên gia thương mại cho biết, tuy dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Trước diễn biến của dịch bệnh, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam bảo đảm đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối truyền thống và hiện đại khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ.
Trong đó, trước mắt là chủ động liên hệ với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; Dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19.
Cùng với đó, bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Các địa phương cần có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa (do có ca nhiễm Covid-19) để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh (phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội).
Đặc biệt, để bảo đảm vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, có phương án tổ chức đội xe, lái xe bảo đảm an toàn dịch bệnh để ra, vào vùng dịch theo đúng quy định của ngành y tế và giao thông vận tải.