“Đánh thức” tiềm năng du lịch cộng đồng vùng ngoại thành Hà Nội
Phong phú nguồn tài nguyên du lịch
Hà Nội là nơi có bề dày văn hóa, lịch sử, hệ thống di sản, làng nghề đặc sắc phân bố khá đều ở cả khu vực nội thành, ngoại thành, đó là tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.
Với 18 huyện, thị xã, ngoại thành Hà Nội được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là khu vực thuộc vùng văn hóa xứ Đoài, với đậm đặc các dấu tích văn hóa cổ, lại mang đặc trưng làng quê đồng bằng Bắc Bộ cùng cảnh quan tự nhiên đẹp.
Thay vì tập trung phát triển du lịch khu vực nội đô như trước đó, ngành Du lịch Thủ đô đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển toàn diện du lịch, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương.
Quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng tại huyện Mỹ Đức |
Huyện Mỹ Đức - nơi có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Tuy nhiên, ngoài Hương Sơn, thì không mấy ai biết đến những địa danh du lịch khác của huyện Mỹ Đức. Ngay cả Hương Sơn cũng chỉ đón khách trong mùa xuân - mùa lễ hội. Vì thế, suốt những năm qua, huyện Mỹ Đức được coi là địa bàn làm du lịch “một mùa”.
Thực tế, địa bàn huyện còn nhiều di tích, danh thắng khác như hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465ha. Cách đó không xa là Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120ha… Mỹ Đức còn có làng nghề thêu ở xã Tuy Lai; Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá; Nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ; Nghề múa rối ở Tế Tiêu... và nhiều di tích độc đáo khác. Nhưng nhìn chung, những địa danh kể trên đều chưa phải là những điểm đến thu hút khách du lịch.
Tình trạng du lịch “một mùa” như Mỹ Đức khá phổ biến ở các địa phương như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì… Tại thị xã Sơn Tây, ngoài làng cổ Đường Lâm, còn có tòa thành đá ong độc nhất vô nhị Việt Nam ngay ở trung tâm thị xã; Đền Và thờ Tản Viên Sơn Thánh hay Văn Miếu Sơn Tây.
Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) |
Do đó, Sơn Tây hoàn toàn có thể hình thành một “con đường di sản” ngay trên địa bàn thị xã, chưa kể có thể xây dựng những tua liên thông với các khu nghỉ dưỡng, sinh thái khác trên địa bàn Sơn Tây và Ba Vì. Đến nay, khách du lịch đến Sơn Tây chủ yếu là tham quan làng cổ Đường Lâm rồi về.
Khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tua, tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng, di tích, di sản. Điều đáng chú ý là nhiều di tích có giá trị nằm cùng trên trục giao thông chính của thành phố.
Đơn cử như dọc Đại lộ Thăng Long có chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đều là những Di tích quốc gia đặc biệt. Trục đường 32 có đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và các di tích trên địa bàn Sơn Tây…
Khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tua, tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng, di tích, di sản |
Lý giải về những hạn chế, khó khăn khiến du lịch khu vực ngoại thành chưa phát triển mạnh, các địa phương cho rằng làng nghề chưa tập trung, chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, nhất là việc phát triển hạ tầng trong và ngoài phạm vi làng nghề. Các di tích lịch sử chưa được đầu tư, khai thác và nâng tầm thỏa đáng để phát triển. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, quà lưu niệm còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm phát triển du lịch... Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, các huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành Du lịch.
Cần phải đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến
Để phá thế “độc canh” về du lịch trên địa bàn huyện Mỹ Đức, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch.
Sơn Tây hoàn toàn có thể hình thành một “con đường di sản” ngay trên địa bàn thị xã để thu hút khách tham quan |
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Flamingo Redtours chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội không biết tới những điểm đến, tua tuyến độc đáo của Mỹ Đức do thông tin hạn chế, khó tiếp cận.
Do đó, Mỹ Đức cần có những cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú nghỉ dưỡng. Xu thế này rất thích hợp với nhu cầu du lịch sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần khai thác bài bản hơn hoạt động du lịch ở chùa Hương, phải làm sao để khách đến chùa Hương quanh năm. Đây cũng là điểm hạn chế của nhiều địa phương khác khi tiềm năng chưa biến thành sản phẩm.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, cần phải đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến, thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo sự liên kết giữa di sản - làng nghề - các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.
Khách du lịch tham quan đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) |
Bên cạnh du lịch di sản, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng có tiềm năng lớn là du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Hiện nay do tốc độ đô thị hóa cao, những hoạt động như cấy lúa, bắt cá, trồng rau, chăm sóc gia súc… trở thành những hoạt động mới lạ với người dân thành thị. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có một số địa phương khai thác loại hình này. Đây là “dư địa” khá lớn để các địa phương có thể thu hút khách trong và ngoài nước.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, ngành Du lịch Thủ đô đang tập trung gắn phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt làng nghề, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm văn hóa làng quê.
Một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng có tiềm năng lớn là du lịch trải nghiệm nông nghiệp |
Việc xây dựng điểm đến du lịch khu vực ngoại thành phải làm từng bước và có sự đầu tư dài hạn. Để trở thành điểm đến thu hút đông du khách hay trở thành một tour du lịch hoàn chỉnh, các huyện cần có sự kết nối thường xuyên với doanh nghiệp lữ hành. Bước đầu, các huyện có thể xác định là một trong chuỗi điểm đến của hành trình tour thăm làng nghề - văn hóa - lịch sử của Thủ đô Hà Nội, được các doanh nghiệp chào bán cho du khách.
Một điều quan trọng khác, địa phương cần quan tâm hơn đến cảnh quan môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn cho khách tham quan. Địa phương cũng cần có kế hoạch cụ thể, quy hoạch các phân khu chức năng đón tiếp, phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ...
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, chuẩn hóa bài thuyết minh, hỗ trợ huyện đào tạo chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương phát triển du lịch.