Đào tạo dạy nghề theo hướng đáp ứng "trúng" nhu cầu của doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Mặc dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng kéo dài hơn 2 năm qua nhưng công tác dạy nghề ngày càng đi vào chiều sâu với sự đầu tư bài bản về công nghệ. Đào tạo nghề có sự gắn kết với doanh nghiệp trong thực hành và tuyển sinh, kết nối cung cầu để tạo đầu ra cho học viên…
Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính chung 8 tháng năm 2022, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn cả nước đã tuyển sinh được 1.462,3 nghìn người, đạt 70,1% so với kế hoạch năm. Trong đó, các trường cao đẳng và trung cấp nghề tuyển sinh được 162,3 nghìn người, đạt 31%; Sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tuyển sinh 1.300 nghìn người, đạt 83,5%.
Tập đoàn Sun Group và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết hợp tác |
Vượt qua những khó khăn ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp duy trì tổ chức nhiều các hoạt động truyền thông với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ quan báo chí nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp về gắn kết hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp tiếp tục phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; Các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Kết quả hoạt động nói trên đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp cũng ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này tạo điều kiện về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm cho việc nghiên cứu, triển khai các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong năm qua, ngành GDNN đã lồng ghép kết nối việc làm, xuất khẩu lao động trong các hội nghị giao ban nghiệp vụ với các địa phương, cơ sở; Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong việc phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: Đánh giá chất lượng, hiệu quả GDNN thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp là nơi đánh giá chính xác và hiệu quả nhất về chất lượng GDNN.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ một số chính sách, phối hợp, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy sự kết nối hệ thống GDNN với các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổng cục cũng xây dựng kế hoạch gắn kết GDNN với thị trường lao động, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đầu ra; Thành lập các hội đồng kỹ năng ngành có sự tham gia của doanh nghiệp; Đào tạo cán bộ trong doanh nghiệp, trang bị kỹ năng dạy học cho người làm công tác dạy nghề…
Nâng cao cơ hội việc làm sau đào tạo nghề
TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, hiện nay trường có những chương trình gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Nếu đào tạo đúng chuẩn, đúng xu hướng thị trường lao động và nhu cầu, rất nhiều doanh nghiệp đang khát lao động. Tuy nhiên, việc phối hợp đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng cần sự phối hợp một cách cởi mở và cầu thị để phù hợp với yêu cầu của cả hai bên.
Không gian học tích hợp giảng dạy lý thuyết và thực hành tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội |
Các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn. Việc hợp tác với doanh nghiệp chính là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, bù đắp sản lượng sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ đó kéo theo nhu cầu nhân lực, đặc biệt là lao động có chất lượng.
Người lao động cần trau dồi tay nghề, trang bị tốt kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Ngược lại, doanh nghiệp nên tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề đào tạo và đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có tay nghề từ sớm để không bị động.
Vì vậy, những lao động trẻ cần tận dụng cơ hội của mình, nâng cao trình độ để giữ chỗ hay thăng tiến trong nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Trong khi đó, từ góc độ xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận: “Muốn giải quyết được bài toán thất nghiệp, các nhà trường và các cơ sở đào tạo nghề phải có sự liên kết chặt chẽ, đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Hiệu quả nhất vẫn là đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên khi ra trường sẽ có việc làm”.
Do đó, theo ông Lợi, trong thời điểm cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng như hiện nay, trường nào biết lựa chọn đúng ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần sẽ khẳng định được vị trí của mình. Thay vì đào tạo những gì mình có, các nhà trường nên bắt kịp đào tạo những ngành nghề xã hội cần.