Đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các ngành sản xuất công nghiệp
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa đột phá
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước sức ép của số hóa và toàn cầu hóa, cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, việc làm.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong khoảng 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ biến đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và AI... Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp để thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Ảnh minh hoạ |
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nhấn mạnh: "Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy dưới tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, trong 5 năm tới trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và một tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.
Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã coi kỹ năng là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21 bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và cho cuộc sống tốt đẹp hơn".
Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng "điểm nghẽn" lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt mức độ "khiêm tốn".
Do đó, đây là thời điểm Việt Nam cần tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao đặc biệt trong ngành sản xuất công nghiệp để bắt kịp xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Trong hơn hai năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài nước để định hướng và có nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong trung hạn và dài hạn; chuẩn bị đào tạo những ngành nghề mới, kỹ năng tương lai.
Nhờ đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn ảnh hưởng của đại dịch, đổi mới tuyển sinh và phương pháp đào tạo thích ứng với bối cảnh mới, chuyển đổi từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến, chuyển từ đào tạo chính quy tập trung là chủ yếu sang đào tạo linh hoạt, kết hợp giữa tại trường và tại nơi làm việc…
Các buổi thực hành tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội |
Hệ thống các trường nghề trên cả nước đã duy trì được các hoạt động tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều mô hình đào tạo đa dạng, nhiều trường thực hiện mô hình 1 cung đường 2 điểm đến, 3 tại chỗ, thầy trò cùng ăn, ở và hướng dẫn sinh viên học, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng lao động có tay nghề, duy trì sản xuất cho các tập đoàn, doanh nghiệp FDI thời gian qua.
Trong năm 2021, vượt qua những thách thức của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vẫn hỗ trợ tổ chức trên 100 chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế thu hút được nhiều dự án, tăng thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Australia, Cộng hòa liên bang Đức… các tổ chức quốc tế ILO, IOM, WB, GIZ…
Cùng với các chương trình được chuyển giao từ Australia, Cộng hòa liên bang Đức được tổ chức triển khai đào tạo thể hiện sự sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi số, triển khai của các trường trong dạy học trực tuyến.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, các cơ sở cũng nhanh chóng thích ứng để thay đổi phương thức trong đào tạo mở, linh hoạt, chú trọng tham gia đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo dựa theo chuẩn đầu ra, bên cạnh kỹ năng cốt lõi cần chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường gắn kết với doanh nghiệp và các trường nghề trong quá trình đào tạo từ xác định nhu cầu từ doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, quá trình triển khai đào tạo, đánh giá, tuyển dụng…