Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quy hoạch
Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo “bệ phóng” cho Hà Nội Đẩy mạnh phân cấp, quản lý biên chế cho Hà Nội Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính sáng tạo, đổi mới |
Thảo luận tại tổ chiều 20/6 về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch.
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Tại đoàn TP Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung trong báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Kinh tế.
Trong đó, đại biểu nhất trí với đẩy mạnh thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện. Đặc biệt là gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.
Đối với vấn đề phân cấp thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đại biểu Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm thống nhất về xác định cơ quan thẩm định nhiệm vụ và quy hoạch với 3 cấp gồm: Bộ Xây dựng, cấp tỉnh, cấp huyện như dự thảo Luật nêu tại Điều 35. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần làm rõ khái niệm cơ quan chuyên môn ở 3 cấp, bởi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có sự khác nhau.
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm thảo luận tại tổ |
Theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, cơ quan chuyên môn nêu trong dự thảo Luật có chức năng quản lý Nhà nước được phân cấp thực hiện thẩm định, được xác định theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi thành lập, nhưng khi địa phương có một số cơ quan chuyên môn đều liên quan đến quy hoạch thì rất khó khăn trong xác định.
“Do vậy, trong dự thảo Luật cần nêu rõ UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm phân cấp cho cơ quan chuyên môn có chức năng thực hiện việc thẩm định nhiệm vụ và quy hoạch theo thẩm quyền phê duyệt của tỉnh, huyện” - đại biểu kiến nghị.
Về kinh phí để lập quy hoạch và thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nội dung này là hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, trong đó có việc lựa chọn đơn vị tư vấn.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 18, việc lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc lựa chọn theo hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tổ |
Để giải quyết những vấn đề này, đại biểu đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến công tác lập, điều chỉnh quy hoạch (lên mức không quá 1 tỷ đồng) nhằm đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Riêng đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được thực hiện chỉ định thầu lựa chọn đơn vị tư vấn không phụ thuộc vào hạn mức.
Về quy hoạch không gian ngầm, đại biểu Nguyễn Phi Thường đánh giá cao các nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật có đồng thời “quy hoạch không gian ngầm” và “quy hoạch hạ tầng kỹ thuật”. Trong khi đó, đối với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng tồn tại việc quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm dẫn đến có sự giao thoa chồng lấn nội dung quy hoạch.
“Tôi đề nghị xem xét nghiên cứu cập nhật thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lấn, giao thoa này giữa các quy định để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” - đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.