Điểm mặt “giang hồ mạng” thích rao giảng đạo đức
Tôn thờ giang hồ mạng là thầy, giới trẻ lệch lạc trong nhận thức |
Vài năm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những "giang hồ mạng" gồm toàn các dân chơi, đại ca giang hồ, đại gia lắm tiền nhiều của... thường xuyên quay clip, livestream những nội dung chẳng ra đâu vào đâu, thậm chí phản cảm nhưng lại được không ít người tung hô, trở nên nổi tiếng chẳng khác gì những ngôi sao của giới showbiz. Những cái tên có thể kể tới như Khá bảnh, Huấn hoa hồng, Trường con, Dũng trọc Hà Đông, Quang Rambo... đã cùng nhau tạo nên một khái niệm mới dành riêng cho chính mình, là giang hồ mạng.
![]() |
Lê Văn Phú (biệt danh Phú Lê) tại cơ quan công an |
Mới đây, chiều 6/8, chỉ huy Công an quận Hoàng Mai cho biết Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng đơn vị này bắt giữ vợ chồng Lê Văn Phú (biệt danh Phú Lê, 40 tuổi, trú tại quận Hà Đông) và Lã Thúy Kiều (35 tuổi, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Bước đầu, vợ chồng Phú Lê đã thừa nhận có liên quan đến vụ hành hung 2 phụ nữ ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Phú Lê là một nhân vật "có tiếng" trên nền tảng YouTube khi sở hữu gần 2 triệu lượt theo dõi. Xuất hiện trên trang phục tối màu, xăm trổ khắp người, đeo kính râm, dây chuyền đại bàng vàng và một số trang sức khác, Phú Lê thường xuyên tham gia sản xuất nhiều MV ca nhạc hay đóng phim với chủ đề giang hồ, tình nghĩa anh em và gia đình.
Một số MV ca nhạc, phim ngắn do Phú Lê tham gia hát và diễn xuất thu hút hàng triệu lượt xem. Kể từ khi thành lập kênh YouTube vào tháng 10/2015, Phú Lê đã có tổng cộng hơn 495 triệu lượt xem. Cụ thể, trong MV ca nhạc "Đời là thế thôi", tuy chứa nhiều cảnh quay bạo lực, đậm chất xã hội đen nhưng video này từng một thời gây bão mạng xã hội, có số lượt xem lên tới 127 triệu.
Ngoài ra, Phú Lê còn nổi tiếng là người có mối quan hệ rộng, thường xuyên quay các video livestream, từng giao lưu với các "giang hồ mạng" khác như Khá bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng trọc Hà Đông…
Theo SocialBlade, ước tính kênh YouTube của Phú Lê nhận được rất nhiều tiền mỗi tháng thu từ quảng cáo từ những nội dung "giang hồ mạng". Ngoài ra, kênh YouTube của Phú Lê cũng kiếm tiền từ việc quảng bá các loại thực phẩm chức năng, thuốc tăng cường sinh lực.
Điều đáng nói, Lê Văn Phú xây dựng hình ảnh của bản thân trên mạng xã hội theo phong cách giang hồ nghĩa hiệp, tôn trọng tình anh em, hiếu thảo với cha mẹ. Trong MV “Vì con”, Phú Lê hát về nội dung ca ngợi sự hiếu thảo, báo đáp công ơn cha mẹ, tôn trọng người lớn tuổi, đạt 33 triệu lượt xem.
Tuy nhiên, ngày 8/8, cũng chính Phú Lê đã thừa nhận có liên quan đến vụ hành hung 2 phụ nữ ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Trong đó, một người là mẹ của chị Trần Thị Đào (30 tuổi, Hà Nội).
Trong đơn tố cáo ngày 3/8, chị Đào cho biết do hai bên xảy ra mâu thuẫn làm ăn, 2 thanh niên lạ mặt nghi do vợ chồng Phú Lê chỉ đạo đã tìm về nơi mẹ chị Đào sinh sống và hành hung mẹ và dì ruột của chị khiến 2 nạn nhân phải nhập viện.
![]() |
Hình ảnh quen thuộc trên mạng của Ngô Bá Khá (biệt danh Khá bảnh) |
Một “giang hồ mạng” từng gây được không ít tiếng vang trong giới trẻ là Ngô Bá Khá (biệt danh Khá bảnh). Tháng 4/2019, Khá Bảnh bị bắt vì tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Sự hài hước ở chỗ, Khá bảnh đã từng tham gia đóng vai "đại ca giang hồ" trong phim ngắn để cảnh tỉnh mọi người nên tránh xa cờ bạc để không phụ lòng người thân. Nhiều cư dân mạng vào kênh YouTube của Khá bảnh phát hiện đoạn phim ngắn dài gần 10 phút do "Bảnh và đàn em" tự dàn dựng tự đóng, được đăng tải trước lúc bị bắt chừng 2 tháng. Trong đó Khá bảnh đóng vai một đại ca giang hồ ra mặt bảo vệ cho đàn em khi bị hành hung, đồng thời khuyên mọi người không nên chơi cờ bạc mà mất đi tương lai.
![]() |
Khá bảnh cùng đồng bọn bị xét xử tại tòa án |
Trịnh Xuân Trường (biệt danh Trường con) - một “giang hồ mạng” không quá ồn ào nhưng cũng đủ để một lượng lớn người theo dõi trên kênh cá nhân. Trường con xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh một giang hồ đầy hình xăm, đeo dây chuyền và vòng tay to màu vàng, đội mũ lưỡi trai, đeo kính đen với bộ ria mép kiểu cách. Đặc biệt, Trường con thường xuyên livestream khi đang ăn uống, nhậu nhẹt, “tâm sự” chuyện đời, chuyện muốn tìm người yêu, muốn tìm tổ ấm. Câu nói nổi tiếng nhất của Trường con trong các livestream là “mâm cơm nhỏ, hạnh phúc to”.
![]() |
Trịnh Xuân Trường (biệt danh Trường con) bị bắt vì vận chuyển ma túy |
Trong nhiều lần livestream, Trường "con" thường xuyên rao giảng đạo đức, nói anh ta không bao giờ sử dụng ma túy. Ví dụ: "Anh chỉ muốn dặn các em đúng một câu như thế này: Chơi gì cũng được, không được chơi đá, chơi cỏ, chơi kẹo, chơi ke, không bao giờ nghiện. Nó sẽ làm hỏng hết cái đầu của mình, sẽ không còn minh mẫn. Anh có chơi đâu, anh cầm anh vứt đi luôn”. Rao giảng là vậy, nhưng chính giang hồ mạng này lại sa lưới bởi ma túy. Theo Công an tỉnh Nghệ An, chuyên án cất vó Trường “con” đã có từ đầu tháng 12/2019, khi Phòng CSĐT về tội phạm ma túy công an tỉnh phát hiện đường dây buôn ma túy từ các huyện miền núi Nghệ An về TP Vinh (Nghệ An) rồi chuyển đến các tỉnh, TP khác tiêu thụ.
![]() |
Bùi Xuân Huấn (biệt danh Huấn hoa hồng) thường khuyên "fan" không nên dính vào ma túy |
Trong giới giang hồ mạng, nổi đình đám hơn cả là Bùi Xuân Huấn (biệt danh Huấn hoa hồng). Huấn có lượng “fan” khổng lồ và có vài trăm ngàn người theo dõi mạng xã hội. Huấn hoa hồng thường xuyên lên mạng xã hội live stream khoe tiền và rao giảng đạo đức, với những tư tưởng, triết lý bậy bạ, không giống ai. Nhiều câu nói bậy bạ của Huấn đã thành trend (xu hướng) của một bộ phận giới trẻ có tư tưởng lệch lạc, như: “Xã hội này chỉ có làm, chịu khó, cần cù thì bù… siêng năng (!?) Chỉ có làm thì mới có ăn những cái loại không làm mà đòi có ăn thì chỉ có ăn ***, ăn ***”, “Ra xã hội làm ăn bươn trải liều thì ăn nhiều không liều thì ăn ít, muốn thành công thì phải chấp nhận trải qua cay đắng ngọt bùi, làm ăn muốn kiếm được tiền phải chấp nhận mạo hiểm một ít nhưng phải trong tầm kiểm soát”.
Huấn hoa hồng thường livestream khuyên “fan” không nên dùng ma túy. Vào tháng 9/2019, Huấn hoa hồng đã bị công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đưa đi cai nghiện bắt buộc bởi trước đó, ở một chung cư cao cấp ở Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh, giang hồ mạng này đã bị phát hiện sử dụng chất kích thích. Sau thời gian cai nghiện bắt buộc, tới tháng 12/2019, Huấn hoa hồng được ra trại. Đến tháng 3/2020, Huấn hoa hồng lại một lần nữa bị đưa đi cai nghiện bắt buộc sau khi bị công an TP Lào Cai bắt giữ vì sử dụng trái phép chất ma túy.
Xét cho cùng, lời nói triết lý tưởng hay ho có thể làm bàn nâng để nhân cách cao hơn nhưng dễ thành sáo rỗng, vô nghĩa khi chính người đó sống tồi tệ. Anh rao giảng đạo đức nhưng đi ngược với những “lời vàng ý ngọc” đó thì khi chân tướng bại lộ, sẽ vấp phải sự công kích rất lớn bởi chính thói đạo đức giả do bản thân tạo ra.
Chữ "giang hồ" cũng có thể được xem như bắt đầu từ cuốn Thủy hử của Thi Nại Am vào thế kỷ XII. Trong đó, một băng nhóm sống ngoài vòng cương tỏa của vương pháp, tìm đến một nơi ẩn náu trong một đầm lầy và từ đó dẫn đến một cuộc chiến tranh du kích chống lại các quan chức tham nhũng. Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Trong văn hóa Trung Hoa thời cổ, “giang hồ” là từ dùng để chỉ về sông, nước, sơn thủy, nơi các bậc ẩn giả, hiền triết ngao du hay mai danh ẩn tích xa lánh sự đời. Trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt là thời kỳ các tiểu thuyết theo trường phái võ hiệp được hình thành và trở nên phổ biến thì thuật ngữ giang hồ chuyên dùng để mô tả một xã hội tồn tại song song với xã hội đương thời và hầu như không bị ràng buộc về mặt luật pháp. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

"Địa chỉ đỏ" rộn ràng mừng ngày giải phóng

TP Hồ Chí Minh dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ

30/4 – Đất nước trọn niềm vui

Hà Nội nâng mức phạt vi phạm về môi trường và đất đai

Quảng Nam: Điểm mặt 27 dự án, công trình đang ì ạch thi công

Doanh nghiệp tiếp sức tinh thần cho lực lượng diễu binh

Đổi thay bên dòng Vàm Cỏ

Hải Phòng - thành phố cảng anh hùng

“Mũi giáp công thép” trong chiến dịch giải phóng miền Nam
