Gặp áp lực, người trẻ nên đối mặt hay chạy trốn?
Nhiều người trẻ đi du lịch sớm để “né” các kỳ nghỉ lễ Hãy lắng nghe điều người trẻ mong muốn! Những người trẻ hiện đại đang sẵn sàng từ chối áp lực |
Vắc xin tinh thần ứng phó với khó khăn
Những vụ việc liên tiếp xảy ra trong những ngày vừa qua vẫn đang được dư luận quan tâm khi không chỉ mang lại nỗi buồn, sự đau đớn mà còn để lại nỗi day dứt cho tất cả mọi người. Nhiều ý kiến cho rằng, nên trang bị, bồi dưỡng cho người trẻ bản lĩnh để khi đối mặt với những áp lực, họ có thể tìm giải pháp hoặc có cái nhìn tích cực, không nghĩ bi luỵ và tìm hướng giải quyết tiêu cực.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, việc học sinh tự tử có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có những tác nhân liên quan đến việc học tập. Tuy nhiên, có đến 75% các ca học sinh tự tử đều có dấu hiệu trầm cảm. Việc học sinh bị trầm cảm hoặc có những rối loạn tâm lý khác hoặc những bế tắc dẫn đến hành vi tự tử có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những hành vi đáng tiếc này có thể xảy ra do sức ép học tập; xung đột với cha/mẹ, người thân; nghiện game hoặc mạng Internet; tình trạng rối loạn cảm xúc…
Khi đối mặt với khó khăn,áp lực, các bạn trẻ hãy mở lòng, chia sẻ (ảnh minh hoạ) |
“Nếu nói rằng việc trẻ tự tử do là do quá tải của chương trình học tập hay sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ có lẽ chưa thực sự đầy đủ. Áp lực thời nào cũng có. Điều quan trọng là cách ứng xử trước những áp lực đó ra sao lại là câu chuyện mà người lớn cần suy nghĩ. Làm thế nào để giúp trẻ tạo ra nội lực, vắc xin tinh thần đủ mạnh để ứng phó trước những khó khăn trong cuộc sống là vấn đề đáng bàn.
Trong xã hội hiện đại, nhiều bậc cha mẹ đang nuôi con theo kiểu bảo bọc thái quá. Các cặp vợ chồng ngày nay có xu hướng sinh ít con nên thường dành mọi sự chăm sóc, bảo bọc tốt nhất cho con. Ở góc độ nào đó, việc này không tốt cho trẻ, nó sẽ làm trẻ mất đi khả năng tự lập, năng lực ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống. Khi gặp vấn đề, trẻ sẽ không thể tự xử lý, từ đó gây ra hành vi tự xâm khích và tự tử.
Các bậc phụ huynh muốn con vượt qua áp lực thì cần rèn luyện cho con từ nhỏ. Thương con là phải rèn cho con khả năng tự đối mặt với những khó khăn, giúp con vượt qua, thậm chí để cho con tự trải nghiệm những vấp ngã ở mức độ vừa phải, để trở nên có kinh nghiệm hơn. Cha mẹ đừng làm mọi việc thay con.
Thay vào đó, cha mẹ nên khuyến khích, động viên, dạy con cách đối mặt với thực tế, ứng phó với khó khăn và giúp con vượt qua”, TS Hoàng Trung Học nêu quan điểm.
“Vượt sướng” khó hơn “vượt khổ”
Nhiều ý kiến cho rằng, thời nào cũng có áp lực nhưng ngày xưa, trẻ con được vui chơi, phát triển, vận động…bây giờ, trẻ con được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ, môi trường mạng, được chiều chuộng, bảo bọc kỹ lưỡng. Vì thế, trẻ em hiện nay “vượt sướng” khó hơn “vượt khổ”. Vậy giải pháp nào để giúp đỡ người trẻ khi họ đối mặt với áp lực?
Theo Ths. Đỗ Thị Trang (Trưởng phòng Tham vấn học đường Trường Marie Curie) phân tích, có 3 giải pháp theo 3 tầng tháp của hoạt động bảo vệ học sinh khi các em gặp những vấn đề khúc mắc đi từ công tác phòng ngừa và can thiệp.
Hãy trang bị vắc xin tinh thần cho người trẻ để họ ứng phó với khó khăn trong cuộc sống (Ảnh minh hoạ) |
“Điều quan trọng là cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0, là không đáng gì vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Những cách phản ứng như cho rằng '"Chuyện nhỏ vậy cũng lo, cũng buồn" và không quan tâm, cho qua chuyện; hoặc trò chuyện với con bằng thái độ bắt lỗi hoặc bắt con phục tùng kiểu "tại sao con làm như vậy", "con làm thế là không được,...đều có nguy cơ làm nặng thêm vấn đề, tăng thêm mâu thuẫn giữa con và cha mẹ”, ThS Đỗ Thị Trang nhấn mạnh.
Ths Trang cũng cho rằng, trang bị cho trẻ những kỹ năng, xây dựng cho các bạn một tâm lý vững vàng để đối đầu với thử thách, sóng gió là điều vô cùng cần thiết. Đây cũng là câu câu hỏi người lớn cần suy ngẫm: 'Làm thế nào để giúp trẻ tạo ra nội lực? Làm thế nào để có được vắc xin tinh thần đủ mạnh nhằm ứng phó trước khó khăn, thử thách?'
“Tôi cho rằng, tổng đài Quốc gia hỗ trợ trẻ em (111) cũng nên phát huy vai trò của mình để có thể đồng hành cùng gia đình và xã hội giúp đỡ các bạn trẻ đang gặp vấn đề khúc mắc, từ đó, ngăn chặn được tình trạng "vi rút tự tử" lây lan. Khi phát huy được vai trò của tổng đài hỗ trợ, gánh nặng trên vai cha mẹ sẽ được san sẻ. Hơn thế nữa, chúng ta cũng cần có thêm những mạng lưới công tác xã hội hỗ trợ, đồng hành cùng các em để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ths Trang cũng nhắn nhủ tới các bạn trẻ: “Nếu không may đang gặp tình huống bế tắc, các bạn là hãy dành 1 khoảng lắng lại, kết nối và tìm hiểu nơi bắt nguồn cúa sự bế tắc ở đâu. Các bạn cũng hãy mở lòng, chia sẻ, đối thoại nhiều hơn với bố mẹ. Bởi khi các bạn nói ra rằng con đang không ổn, con mệt mỏi,... thì bố mẹ có thể đồng hành giải quyết đến tận cùng vấn đề. Các bạn cũng có thể tìm kiếm các cách tháo gỡ khác như Tổng đài hôc trợ trẻ em (111) hoặc gặp người mà bạn tin tưởng để chia sẻ”.
Vì thời nào cũng có những khó khăn mà người trẻ phải đối mặt, vì thế, ngoài việc cha mẹ, thầy cô trang bị các kỹ năng, lối sống tích cực, bản thân mỗi người trẻ phải tự tích luỹ, hình thành bản lĩnh để đối mặt với áp lực trong cuộc sống.