Những người trẻ hiện đại đang sẵn sàng từ chối áp lực
Doanh nhân trẻ không chỉ tạo ra giá trị cho riêng mình... Nhịp sống về đêm trở lại với giới trẻ Chàng trai 9x "đánh thức" Hà Giang |
Sự cân bằng mới là điều quan trọng
Trở lại làm việc sau Tết Âm lịch, gần 2 tháng này, Nguyễn Thúy Hằng (26 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu “thói quen” tắt thông báo các nhóm liên quan đến công việc trên điện thoại và máy tính sau khi trở về nhà từ công ty.
Nếu như ngày trước, chỉ cần có một thông báo bật sáng màn hình là cô gái 26 tuổi sẽ với ngay lấy chiếc điện thoại. Hiện tại, thay vì tất bật trả lời email, xử lý yêu cầu đột xuất từ đồng nghiệp, cấp trên cho đến khi mệt, cô sẽ dành trọn khoảng thời gian này cho những sở thích cá nhân, kết nối với bạn bè và thư giãn để cho tinh thần thoải mái hơn.
“Ngày trước, mình có thể chỉ ngủ 2, 3 tiếng mỗi ngày hoặc trằn trọc cả đêm khi nghĩ tới loạt deadline còn dang dở. Bây giờ, mình sẵn sàng từ chối những công việc đột xuất nhưng không quá cấp bách, chỉ tăng ca khi cảm thấy cần thiết và sẽ không bao giờ làm việc vào ngày nghỉ”, Thúy Hằng nói.
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư là điều mà nhiều người trẻ như Thúy Hằng mong muốn nhất lúc này |
Là nhân viên tổ chức sự kiện cho một công ty công nghệ, công việc thường ngày của Thúy Hằng yêu cầu cô phải có sự đa nhiệm, linh hoạt về thời gian và phương thức làm việc. Vì thế, cô gái trẻ từng bị stress nghiêm trọng khi phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ cùng lịch họp, gặp gỡ đối tác dày đặc mỗi ngày.
“Có thời điểm, mỗi ngày của mình chỉ lặp lại với việc mải miết cùng những cuộc điện thoại, email từ sáng tới tối. Mình ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, không thể sắp xếp thời gian giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Thậm chí, cả tháng trời mình không có ngày nào ngủ nổi 5 tiếng. Nó chỉ dừng lại trước Tết khi mình phải nhập viện và truyền nước do kiệt sức”, Thúy Hằng kể.
Từ thời điểm đó, cảm nhận được nỗi sợ khi sức khỏe bị ảnh hưởng, Thúy Hằng tập cho bản thân việc phải từ chối công việc khi không cảm thấy ổn. Thay vì cống hiến cho các deadline, dự án như trước, cô cố gắng dành thời gian cho bản thân và gia đình. Tất cả những gì cô mong muốn là trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư.
“Với mình hiện tại, tinh thần, sức khỏe và việc phân chia rạch ròi thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn cần phải đặt lên hàng đầu. Việc nói ‘không’ với những yêu cầu đột xuất không cần thiết và nghiêm khắc hơn với bản thân giúp mình làm việc hiệu quả và khỏe mạnh hơn”, cô gái 26 tuổi bày tỏ.
Từ chối căng thẳng, áp lực
Giống như Thúy Hằng, sau 5 năm làm việc chăm chỉ cho công ty, Ngô Hoàng Vũ (27 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không còn đề cao sự cống hiến, tận tâm quá mức trong sự nghiệp.
Học cách từ chối với căng thẳng, áp lực là điều giúp Hoàng Vũ cảm thấy cuộc sống thoải mái và yên bình hơn |
Kết thúc công việc đúng giờ hành chính và sẽ không ở lại nếu như thật sự không cần thiết, chàng trai trẻ cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái và bắt đầu tận hưởng khoảng thời gian dành riêng cho mình thay vì lúc nào cũng vội vã như trước đây.
“Tan làm, rời xa môi trường công sở trên chiếc xe yêu quý, mình cảm thấy tràn trề năng lượng chứ không có ủ rũ, “lê” từng bước về nhà như trước đây. Mình dành nhiều thời gian hơn cho những sở thích cá nhân như nấu nướng, xem phim, học ngoại ngữ và tham gia vào các hội nhóm chia sẻ tích cực về cuộc sống trên mạng xã hội”, Hoàng Vũ nói.
Chàng trai 27 tuổi cho biết, dù nhiều bạn bè đồng trang lứa của mình đang tận dụng sức trẻ và toàn bộ thời gian có được để đạt thu nhập cao cùng vị trí đáng ngưỡng mộ thì điều anh luôn cố gắng chính là để tìm kiếm sự cân bằng. Cuộc sống lý tưởng đối với Hoàng Vũ hiện tại là có thu nhập vừa đủ và có thời gian chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần.
“Trừ những dịp đặc biệt, quan trọng hoặc do mình chưa xử lý xong công việc thì mình sẽ ở lại làm còn không thì mình sẽ về nhà đúng giờ, không nán lại tăng ca. Hai ngày cuối tuần sẽ là thời điểm giúp mình nạp năng lượng. Mình sẵn sàng từ chối mọi căng thẳng, áp lực khi mình cảm thấy nó không cần thiết. Đối với mình, sức khỏe và sự thoải mái trong tinh thần là điều phải đặt lên trên tất cả”, Hoàng Vũ chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Giang cho rằng, đời sống, xã hội thay đổi theo mỗi thời kỳ và vì thế chúng ta không có hệ quy chiếu phù hợp để so sánh tâm lý của giới trẻ hiện đại với những thế hệ trước.
Giới trẻ cần tin tưởng và quyết tâm thực hiện con đường mà mình lựa chọn nếu không muốn bỏ lỡ tương lai của mình |
“Việc được sinh ra, lớn lên và tiếp cận với nhiều thay đổi của xã hội khiến vấn đề đời sống tinh thần được người trẻ quan tâm nhiều hơn với mong muốn hướng đến sự hạnh phúc thực chất. Không ít bạn trẻ lựa chọn lối sống kiếm tiền vừa đủ và hài lòng với thực tại.
Tuy nhiên, ranh giới giữa tâm lý hài lòng thực chất và không cầu tiến, theo đuổi giá trị phù phiếm là rất mong manh. Việc xác định phải tùy theo tâm lý và hoàn cảnh sống của mỗi người. Để người trẻ có thể đạt được sự cân bằng trong tâm lý, họ phải có những định hướng, kế hoạch rõ ràng và phải hiểu được những giá trị thực sự có sức ảnh hưởng đến bản thân.
Nếu có thể bỏ qua những căng thẳng, áp lực thì hãy làm điều đó để cuộc sống trở nên dễ dàng, thoải mái hơn. Khi lực chọn đối mặt và chiến đấu với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, nó sẽ giúp các bạn trẻ trưởng thành, phát triển bản thân và mở ra những cơ hội mới. Quan trọng nhất là giới trẻ cần tin tưởng và quyết tâm thực hiện con đường mà mình lựa chọn”, chuyên gia chia sẻ thêm.