Giải cơn khát "vốn" cho các hợp tác xã nông nghiệp hậu COVID-19
Hỗ trợ các HTX phục hồi sản xuất
Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX cũng có những bước tiến trong tất cả các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, môi trường...
Cụ thể là trong 6 tháng, cả nước thành lập mới 756 HTX, đạt 50,4% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Tính đến hết tháng 6, cả nước có 28.237 HTX, tăng 2.092 HTX so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX CN-TTCN, 2.293 HTX TMDV, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân và 694 HTX khác).
Khu vực HTX thu hút trên 6,9 triệu thành viên (tăng 93.518 thành viên so với cùng kỳ) và 2,53 triệu lao động (tăng 45.207 lao động).
Ngoài ra, cả nước có 121.670 tổ hợp tác (THT), tăng 1.960 THT (tăng 1,6%) so với 31/12/2021. 6 tháng đầu năm 2022, cả nước cũng thành lập mới 12 liên hiệp HTX (tăng 11,11%), đưa tổng số liên hiệp HTX trên cả nước hiện nay lên con số 120.
Nhiều nông sản của các HTX Nông nghiệp được quảng cáo, chào bán trên các trang facebook, thương mại điện tử |
Đặc biệt, để thích ứng xu hướng chuyển đổi của các thị trường nhằm vượt qua những tác động mạnh sau dịch COVID-19, các HTX đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trên Facebook, Zalo, fanpage, group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,... hoặc tự xây dựng, thiết lập hoặc tham gia các trang bán hàng điện tử của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam...
Đạt được những kết quả trên, ngoài sự chủ động của các HTX còn có sự trợ giúp trong tư vấn, hỗ trợ tiếp cận chính sách, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của các cấp ngành, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam.
Nhờ đó, đã có HTX tiếp cận được các dự án đầu tư, vay vốn tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và địa phương, Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm... nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ, ngành về phát triển KTTT, HTX và các chính sách phục hồi kinh tế trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX được ban hành như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ…
Đây là điều kiện thuận lợi giúp các HTX đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế xã hội.
Cần hướng dẫn cụ thể, phù hợp thực tiễn
Tuy nhiên, nhiều HTX và thành viên bị thua lỗ, giảm quy mô và sản lượng sản xuất do thiếu vốn đầu tư. Đi cùng với đó là giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng 18-22%; giá nhân công cao; chi phí sản xuất tăng, giá bán không tăng hoặc giảm; nhiều sản phẩm còn tồn đọng nhất là sản phẩm nông sản, lương thực, thực phẩm.
Một số loại hình HTX nếu không có phương án sản xuất dự phòng hoặc hợp đồng ổn định đều chịu tác động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh để giảm lỗ.
Ngoài ra, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào không ổn định, hầu hết điều chỉnh tăng nhiều lần dẫn tới các HTX vận tải giảm sản lượng, doanh thu, thu nhập của thành viên, người lao động bị giảm mạnh (giảm khoảng 25-30% so với thời kỳ trước dịch).
Chính sách tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tuy đã được ban hành nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn. Điều này được thể hiện qua số dư nợ đối với HTX, đặc biệt là dư nợ đối với các HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp.
Hỗ trợ các HTX phục hồi sản xuất |
Các HTX đặc biệt ở khu vực nông nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính. Cụ thể là muốn vay được vốn để triển khai dự án mới, HTX phải có nguồn vốn đối ứng tối thiểu từ từ 20-30% nhưng nhiều HTX không đáp ứng được.
Hoạt động của mô hình HTX hiệu quả còn chưa cao, số lượng dịch vụ ít. Sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường và chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị nên chưa đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường, khó đáp ứng các điều kiện vay vốn. Các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn trong quá trình thẩm định và chấp nhận các điều khoản vay vốn của các HTX do HTX thiếu hoặc không có các điều kiện đảm bảo.
Trước thực tế trên, để hỗ trợ các HTX phát triển trong 6 tháng cuối năm 2022, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các thành viên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia tọa đàm, trao đổi, xây dựng Báo cáo đề xuất sửa đổi Luật HTX năm 2012 phù hợp chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX và các cơ quan chức năng.
Để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khu vực KTTT, HTX, các chuyên gia cho rằng các ngành chức năng cần sớm có văn bản quy định đầy đủ, cụ thể về sử dụng vốn, tài sản của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi thực hiện.