Giới trẻ Châu Á đau đầu với các khoản nợ tín dụng
Người trẻ chia sẻ cách làm việc tại nhà hiệu quả Trở thành những “con nợ” vì thẻ tín dụng Dịch Covid-19 khiến giới trẻ gắn kết với gia đình hơn |
Khủng hoảng nợ nần
Tám năm trước Kim Keunha lần đầu tiên chuyển đến Seoul với mơ ước trở thành một thợ xăm thì nay đang phải đau đầu với khoản nợ lên đến 40.000 USD.
Kim đã quay vòng qua hàng loạt công việc lặt vặt trong 5 năm qua. Hiện anh đang làm công việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi sau khi các nhà hàng, quán bar đóng cửa vì Covid-19.
Anh cũng đang phải vật lộn để trả số tiền tối thiểu mỗi tháng cho 4 chiếc thẻ tín dụng mà anh đang có. Tuy nhiên, 8 tháng thất nghiệp kéo dài vừa qua đã khiến những nỗ lực trả nợ ít ỏi của anh bị xóa sổ.
“Tôi tự cho mình là người may mắn vì đã xoay sở để giữ được khoản nợ dưới 50.000 USD. Tôi biết hiện giờ mình đang gặp phải nhiều rắc rối về tài chính như thế nào nhưng hầu như chẳng có thể làm gì để thay đổi tình hình”, Kim chia sẻ.
Theo thống kê, tổng số nợ mà người Hàn Quốc phải gánh hơn 1,5 nghìn tỷ USD, gần ngang với GDP của nước này là 1,63 nghìn tỷ USD.
Thế hệ trẻ tại Hàn Quốc đã trở nên quen thuộc với hình thức mua trước trả sau (Ảnh: Bloomberg) |
Một cuộc khảo sát năm 2018 của Viện nghiên cứu Seoul Hàn Quốc cũng cho thấy mỗi hộ gia đình Hàn Quốc nợ khoảng 44.000 USD. Con số này khá cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người của cả nước là 33.790 USD vào năm 2019.
Tình trạng của Kim cũng phản ánh những thực tế cuộc sống của một số thanh niên Hàn Quốc hiện nay. Bế tắc trong công việc, quay cuồng với các khoản nợ và hầu như không có khả năng để mua nhà. Vì vậy, không có gì lạ khi thế hệ Millennials ở Hàn Quốc nghĩ ngay đến bộ phim ăn khách Squid Game như phản ánh một phần về cuộc đời của chính họ.
“Nếu ai đó nói với rằng ngay bây giờ tôi có thể đánh cược cuộc đời mình để xóa nợ và trở thành tỷ phú, tôi sẽ làm điều đó mà không do dự”, Kim nói.
Tại xứ sở kim chi, ngay cả những người thu nhập thấp cũng dễ dàng sở hữu thẻ tín dụng. Quốc gia này đã chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động tín dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Khi đó, Chính phủ Hàn Quốc giảm thuế đối với các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng để thúc đẩy chi tiêu. Điều này đã tăng dần theo thời gian, khiến thế hệ trẻ tại Hàn Quốc đã trở nên quen thuộc với hình thức mua trước trả sau.
Theo thống kê năm 2019, trung bình một người Hàn Quốc có khoảng 4 chiếc thẻ tín dụng. Việc sử dụng thẻ chiếm khoảng 70% chi tiêu cá nhân trong năm đó. Cuộc khủng hoảng nợ này không chỉ ảnh hưởng đến những cá nhân có thu nhập thấp hơn mà ngay cả những người có công việc ổn định cũng đang phải vật lộn để trả các khoản vay.
Noh Eun-woo (25 tuổi) đang làm việc tại một cửa hàng làm đẹp ở trung tâm Seoul, nợ hơn 12.000 USD trên thẻ tín dụng song cô xem đây là con số nhỏ. “Tôi biết có những người nợ 80.000 - 100.000 USD. Bạn thân của tôi thậm chí đã sử dụng tới 5 thẻ tín dụng”, cô nói.
Cô Noh Eun-woo thừa nhận thường xuyên mua túi xách hàng hiệu ba tháng một lần nhưng lạc quan rằng cô chỉ mất khoảng 2 đến 3 năm để trả hết nợ.
Việc dễ dàng mua trước trả sau bằng thẻ tín dụng khiến nhiều người thuộc thế hệ Millennials vung tiền vào những món đồ xa xỉ. Theo tờ JoongAng Daily, đây là xu hướng “chi tiêu phục thù” sau thời kỳ đại dịch.
Vay tiền để tiêu xài
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc. Cô Zhang Chunzi (25 tuổi) làm việc tại một công ty thương mại ở Hàng Châu cho biết vẫn còn nợ 150.000 NDT (23.000 USD) từ hàng chục nền tảng cho vay trực tuyến khác nhau.
Trước khi Chính phủ nước này siết chặt hoạt động tín dụng không được kiểm soát của nhiều tổ chức tài chính, việc vay tín dụng từ những nền tảng này rất dễ dàng. Điều này khiến nhiều người trẻ Trung Quốc chi tiêu vô tội vạ mà không lường trước hậu quả sau đó.
Từ các khoản phí sinh hoạt, vay sinh viên và đôi khi là sự thiếu trách nhiệm về tài chính đã khiến giới trẻ cứ thế lâm vào nợ chồng chất (Ảnh: Getty) |
Theo nghiên cứu của McKinsey & Co., so với những người đồng trang lứa ở nước ngoài và các thế hệ trước đây, người trẻ Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí vượt quá khả năng chi trả của mình.
Như Rachel Chen, một sinh viên ở tỉnh Tứ Xuyên, mặc dù cùng lúc làm thêm ba công việc vẫn không thể xoay sở trả hết khoản nợ của mình. Ở tuổi 21, cô sinh viên vay gần 50.000 nhân dân tệ (7.630 USD) từ các nền tảng cho vay trực tuyến.
Dù tài chính hạn hẹp, Chen dành phần lớn số tiền đi vay vào các sản phẩm thẩm mỹ như tiêm botox, mua mỹ phẩm và quần áo.
“Tôi vay từ bên này để trả cho bên kia để tránh vỡ nợ nhưng giờ không thể vay thêm nữa”, Chen kể.
Người trẻ ở Trung Quốc không thể tuyên bố phá sản để hủy nợ. Do đó, họ có nguy cơ chuyển sang các kênh tín dụng đen để vay tiền trả nợ một cách bất hợp pháp. Từ đó, họ bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần càng nguy hiểm hơn.
“Squid Game” là bộ phim mới ra mắt vào tháng 9 nhưng đã thu hút được sự chú ý của người xem khi kể về một nhóm người nợ nần chồng chất ở Hàn Quốc. Họ chấp nhận tham gia trò chơi mạo hiểm để nhận về số tiền thưởng 38 triệu USD. |