Gỡ “điểm nghẽn” phát triển vùng nông nghiệp quốc gia
Trọng trách, tâm huyết và niềm tin
Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá, Cảng biển Trần Đề có vị trí tốt nhất ở ĐBSCL. Cảng nằm giữa thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) và thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cách thành phố Cần Thơ khoảng 60km; thuận lợi kết nối với tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề |
“Xây dựng được Cảng biển Trần Đề thì cả khu vực xung quanh trong khoảng cách 50-70km sẽ nhanh chóng hình thành được các khu, cụm công nghiệp. Trước mắt, trong 10 - 20 năm tới, hàng hóa qua Cảng biển Trần Đề sẽ là nông thuỷ sản, sau đó phát triển hàng hóa công nghiệp”, ông Thể nhận định.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn bày tỏ: “Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây tỉnh Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng... sẽ là tiền đề kết nối thúc đẩy phát triển Cảng biển Trần Đề.
Với quyết tâm cao nhất, Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành Cảng biển Trần Đề; đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư”.
Nói về tầm quan trọng xây dựng Cảng biển Trần Đề, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: Vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa phát triển đồng đều và thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải.
Phối cảnh Cảng biển Trần Đề |
Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển Cảng biển Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng.
“Những định hướng và chủ trương nêu trên đã khẳng định các cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành Cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho ĐBSCL; là mảnh ghép hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng”, Chủ tịch Trần Văn Lâu UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Quy hoạch mở triển vọng
Quy hoạch Cảng biển Trần Đề do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) lập đã xác định đây là cảng đầu mối ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Địa điểm này trực tiếp kết nối với 8 tỉnh, thành: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đồng thời kết nối cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong, thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng xem quy hoạch Cảng biển Trần Đề |
Tổng diện tích quy hoạch Cảng biển Trần Đề là 5.400ha, gồm bến cảng ngoài khơi 1.400ha và khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ 4.000ha. Cảng có thể phục vụ tàu 100.000DWT (tương lai đến 200.000 DWT), tàu hàng rời đến 160.000DWT. Công suất thiết kế 80-100 triệu tấn/năm.
Dự kiến năm 2028 khởi động đầu tư, hoàn thành 2 bến cảng cho tàu hàng và tàu cont, 2 bến phục vụ hàng than cho các nhà máy nhiệt điện trong vùng. Năm 2030, hoàn thành 4 bến cảng cho tàu hàng và tàu cont, 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao).
Cầu vượt biển dài 18km đến năm 2030 có quy mô 4 làn xe, rộng 16m; sau năm 2030 có quy mô 8 làn xe, rộng 32m. Tuyến đường sau cảng (kết nối từ QL91C ra cầu vượt biển) dài 6,1km đến năm 2030 có quy mô 6 làn xe, rộng 32,5m; sau năm 2030 có quy mô 12 làn xe, rộng 65m.
Năng lực thông qua bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 - 100 triệu tấn/năm. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 1 khoảng 51.000 tỷ đồng, chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội.
Bản đồ giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vị trí xây dựng Cảng biển Trần Đề |
Với vai trò doanh nghiệp thủy sản chủ lực trong vùng, Chủ tịch HĐTQ Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết, suốt 27 năm qua, công ty phải trung chuyển hàng hóa tôm đông lạnh xuất khẩu qua các cảng ở TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chi phí vận chuyển hai chiều tăng thêm 700 USD cho mỗi container 40 feet. Đáng lo hơn, đường bộ thường xảy ra kẹt xe, luôn tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa không kịp tới cảng.
Ông Lực cùng đại diện một số doanh nghiệp lúa gạo phân tích thêm, trung chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đến Cảng biển Trần Đề sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển khoảng 40% so với đưa lên các cảng ở miền Đông Nam Bộ để xuất khẩu. Một năm có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đô la Mỹ cho người dân và doanh nghiệp, mở ra nhiều triển vọng phát triển mới.