Hà Nội vinh danh 196 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo lần thứ VIII
Tới dự lễ trao giải có các đồng chí: Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh; Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VIII năm 2024 nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”…
Để triển khai giải thưởng, ở cấp cơ sở, các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc triển khai sâu rộng đến các nhà giáo thông qua phát động, xây dựng tiêu chí, đăng ký thi đua giải thưởng… tạo không khí thi đua sôi nổi.
Từ tháng 10/2023 - 5/2024, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã triển khai tổ chức xét duyệt giải thưởng và đã lựa chọn các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Các thầy, cô giáo tham dự chương trình |
Nhấn mạnh đến những điểm mới của giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm nay, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP Hà Nội Đỗ Văn Nam nhấn mạnh: Đây là 2 hoạt động trong chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Kế hoạch có đổi mới là tăng từ 40 nhà giáo xuất sắc lên 70 nhà giáo xuất sắc vòng chung khảo và có yêu cầu các đơn vị báo cáo tổ chức xét duyệt từ cấp trường để phong trào rộng khắp hướng đến cả 130.000 nhà giáo trên toàn TP tham gia.
Bên cạnh đó, giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 cấp TP tăng từ 125 lên 196 hồ sơ. Đối với cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”, Công đoàn ngành nhận được từ cơ sở hàng nghìn bài và gửi lên Công đoàn Giáo dục Việt Nam 418 bài chiếm hơn 50% số bài toàn quốc.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP Hà Nội Đỗ Văn Nam báo cáo về những điểm mới của giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ VIII |
Để lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo, Công đoàn ngành Giáo dục đã tổ chức 4 buổi xét duyệt giải thưởng với 4 cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Mỗi ngày xét duyệt tại điểm xét duyệt có khoảng 300 đại biểu dự. Ban Tổ chức phát livestream trên trang fanpage Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội với lượt truy cập mỗi buổi 25.000 lượt.
Với giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 có nhiều công trình đổi mới sáng tạo thực tiễn và đã vận dụng ở tại các nhà trường rất hiệu quả góp phần xây dựng nhà trường, góp phần thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được tốt hơn.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân và Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao giấy khen tới các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo |
Có thể kể đến cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, giáo viên trường Mầm non Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, sáng tạo trong xây dựng môi trường giáo dục, vận dụng phương pháp Reggio Emillia để thiết kế các không gian sáng tạo cho trẻ hoạt động trong lớp học của mình.
Cô Mỹ Ngọc đã nghiên cứu đổi mới và tự sáng tạo ra những bộ khuôn in bằng xốp mềm về tranh dân gian Hàng Trống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của tranh dân gian Hàng Trống qua đó rèn trẻ kỹ năng khéo léo, quyết tâm và hợp tác.
Hay đó là cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú, quận Hoàng Mai, ứng dụng AI trong xây dựng kho học liệu số, tạo thành sách điện tử; lưu trữ thông tin và truy cập một cách nhanh chóng và chính xác. Giáo viên tạo mã QR, trẻ có thể truy cập dễ dàng về nội dung bài học.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô |
Thầy giáo Trần Hồng Quân, Trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy, đã chủ động tham mưu và xây dựng trường học số trên phần mềm Microsoft Teams, hỗ trợ tạo 100% tài khoản cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên giúp tiết kiện 114 triệu đồng trong thời điểm học online.
Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu đang từng ngày, từng giờ nỗ lực đổi mới sáng tạo để đưa ngành Giáo dục Thủ đô vươn mình trong kỷ nguyên số.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương biểu dương các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo |
Ghi nhận và biểu dương 196 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được lựa chọn từ gần 130.000 nhà giáo trên toàn thành phố, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh: Đây là niềm vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm, các nhà giáo cần không ngừng tiếp tục phát triển bản thân, lan toả, nhân rộng tinh thần sáng tạo, giúp học sinh, đồng nghiệp cùng sáng trí - ấm lòng.
Khẳng định, các nhà giáo là hạt nhân quan trọng góp phần thực hiện tốt phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” khi ngành Giáo dục đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là thành phố học tập trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô đề nghị Công đoàn ngành đẩy mạnh tuyên truyền các sáng tạo này bằng nhiều hình thức phong phú như chạy đường link giới thiệu trên website của Sở GD&ĐT, cập nhật trên fanpage của ngành…
Ban tổ chức vinh danh các nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo |
“Các nhà trường, thầy giáo, cô giáo Thủ đô cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, ngành Giáo dục lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực của sự phát triển”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý.
Ngành Giáo dục Thủ đô vinh danh 196 “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp thành phố |
Tại chương trình, ngành Giáo dục Thủ đô vinh danh 196 “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp Thành phố trong đó có 70 nhà giáo xuất sắc báo cáo ở vòng chung khảo.
Cũng nhân dịp 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, các nhà hảo tâm đã tài trợ cho các thầy cô đạt giải về kinh phí giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, tặng vocher khám tầm soát ung thư của Trung tâm tầm soát Nura cho 196 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo và 1 nhà giáo là nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm “Thầy cô trong mắt em” đạt giải đặc biệt với tổng giá trị gần 850 triệu đồng.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và các nhà thiết kế khác dành tặng 70 nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo vòng chung khảo đạt xuất sắc mỗi người 1 bộ áo dài do chính đơn vị hảo tâm may. Tổng giá trị các giải thưởng gần 1,5 tỷ đồng.