Hải Phòng: Nhà máy nước Minh Tân và dự án phát triển Nông thôn mới kiểu mẫu
Doanh nhân Ninh Hoài Thắm (bên trái) được lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh Hải Phòng vinh danh trong Hội nghị tổng kết cuối năm 2020 |
Người dân phấn khởi khi được dùng nước máy
Là một sĩ quan quân đội nghỉ hưu, năm 2015, ông Ninh Hoài Thắm đã mạnh dạn huy động vốn của gia đình và vay ngân hàng hàng gần 12 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp lại toàn bộ nhà máy nước Minh Tân cũ.
Theo đó, nhà máy được nâng cấp toàn bộ mặt bằng với diện tích 2.000m2 lên cao bình quân 0,5 mét; Xây dựng lại bể lọc, chứa, đường thông, thoát nước bằng bê tông; Xây dựng 1 trạm Clo khí tự động để khử trùng nước; Đầu tư làm lại toàn bộ hệ thống lọc tự nhiên thành lọc rơi của 3 bể lọc nước thô và 3 bể chứa nước tinh; Thay hàng trăm mét khối cát thạch anh và cát vàng cùng hệ thống lưới lọc, hệ thống ống lọc tinh vi; Xây dựng nhà điều hành, nhà văn phòng; Thay toàn bộ hệ thống máy bơm cũ bằng hệ thống 3 máy bơm có công suất lớn 30Kw/máy để hút nước trực tiếp từ sông Đa Độ vào các bể lọc và đẩy nước thành phẩm áp lực đạt tiêu chuẩn quy định phục vụ nhân dân 24/24 giờ; Đầu tư 2 bồn lọc ép hiện đại với công nghệ của Singapore và hệ thống máy sục khí tự động...
Đặc biệt, ông Thắm còn cho đầu tư mới toàn bộ hàng chục ki-lô-mét hệ thống ống cấp nước chục chính phi 100, hệ thống ống nhánh phi 90, 60 và 21 từ Nhà máy nước Minh Tân tới các thôn trên địa bàn toàn xã. Các cán bộ vận hành, làm dịch vụ của nhà máy cũng được ông Thắm cho tuyển chọn, tập huấn bài bản về tác phong, thái độ phục vụ.
Nhà máy nước Minh Tân, Kiến Thụy sau khi được đầu tư nâng cấp |
Từ năm 2019 đến nay, qua tiến hành kiểm nghiệm, chất lượng nước của Nhà máy nước Minh Tân đã đạt 109 chỉ tiêu hoá học theo tiêu chuẩn A, B, C, D theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01/2009/BYT của Bộ Y tế. Áp lực nước luôn đạt 10m cột nước 24/24 giờ trong ngày. Giờ đây, người dân xã Minh Tân, huyện Kiến Thuỵ được dùng “nước máy thành phố”. Đây là niềm vui, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Ông Phạm Văn Lơn, Trưởng thôn Thọ Linh, xã Minh Tân, cho biết: “Trước đây, khi nhà máy chưa cải tạo nâng cấp thì nước rất yếu. Nhiều hộ ở ngay đầu xã nhưng nước không lên nổi tầng 2. Chất lượng nước lúc đó chỉ đạt tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT với 15 chỉ tiêu tiêu chuẩn A. Dân kêu nhiều lắm.Từ khi ông Ninh Hoài Thắm tập trung đầu tư nâng cấp toàn bộ nhà máy nước thì ngoài chất lượng nước đã đạt quy chuẩn quốc gia QCVN 01/2009/BYT với 109 chỉ tiêu. 357 hộ dân thôn Thọ Linh rất phấn khởi vì áp lực nước khỏe. Hộ dân xa nhất của thôn cách nhà máy gần 4 km nhưng áp lực nước lên nhà 2, 3 tầng “vô tư””.
Quản đốc Nhà máy nước Minh Tân cùng ông Phạm Văn Lơn - trưởng thôn Thọ Linh, xã Minh Tân kiểm tra áp lực nước tuyến ống mới được đầu tư |
Đi thực tế kiểm tra chất lượng và áp lực nược tại khu xóm Đạo, thôn Thấp Linh xa nhất của xã Minh Tân Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nghi nhận sự yên tâm, phấn khởi vui mừng của nhân dân địa phương về chất lượng nước và dịch vụ của Nhà máy nước.
Dự án 300 tỷ đồng và trăn trở của chủ đầu tư
Năm 2021, thực hiện nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố, xã Minh Tân là một trong 2 địa phương của huyện Kiến Thụy được đầu tư thí điểm xây dựng xã Nông thôn kiểu mẫu với nguồn vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Đây là niềm vui lớn của chính quyền và Nhân dân địa phương. Tuy nhiên, đây lại là nỗi lo và trăn trở của ông Ninh Hoài Thắm, chủ đầu tư Nhà máy nước Minh Tân.
Tuyến ống cấp nước phi 90 lắp đặt tại trục đường thôn Thọ Linh đã 3 lần phải "nhổ" lên lắp đặt lại do làm đường, nhưng địa phương chưa có kinh phí hỗ trợ |
“Tháng 9/2020, tôi tiếp tục vay ngân hàng gần 1,4 tỷ đồng để đầu tư 1.500m ống phi 180 từ nhà máy đến cống trạm xá, xã Minh Tân; 2.000m ống phi 90 - 110 từ cầu trạm xá đến cống ông Tần về Trạm Giáo thôn Đoàn Kết… Những tuyến ống này sẽ phục vụ cấp nước sạch cho khu chung cư mới của huyện Kiến Thuỵ (300hộ) và phục vụ khu tái định cư của khu công nghiệp Đầm Sen; Bổ sung áp lực nước cho khu dân cư Đoàn Kết và thôn Thấp Linh, thôn Cốc Liễn.
Khi vừa đầu tư xong thì thôn Thọ Linh được Nhà nước đầu tư làm mới tuyến đường nhựa dài gần 1km. Toàn bộ tuyến ống mới của nhà máy phải lắp đặt lại tốn rất nhiều công sức và chi phí nhưng chưa được địa phương hỗ trợ.
Với dự án xây dựng Nông thôn mới tập trung vào nâng cấp và làm mới toàn bộ các tuyến đường liên xã, liên thôn, đồng nghĩa với việc toàn bộ các tuyến đường ống trục chính, tuyến nhánh hàng chục ki-lô-mét của nhà máy buộc phải di chuyển theo dự án. Đây là công đoạn rất phức tạp và tốn kém về chi phí nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể thực hiện được…”, ông Ninh Hoài Thắm chia sẻ.
Ông Ninh Hoài Thắm kiểm tra áp lực nước máy tại các hộ xa nhất của xóm Đạo, xã Minh Tân sau khi đã đầu tư nâng cấp tuyến ống phi 90 |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Vũ Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: "Cùng với hệ thống điện, đường, trường, trạm, nay người dân trong xã lại được dùng nước máy sạch, cơ sở hạ tầng của xã Minh Tân đã đạt chuẩn các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại. 99% các hộ dân trong xã đã lắp máy nước và rất phấn khởi, yên tâm về chất lượng nước và dịch vụ của nhà máy.
Vừa qua, huyện đã đầu tư xây dựng tuyến đường trục thôn Thọ Linh, các công nhân nhà máy nước đã rất vất và tốn kém khi 3 lần phải nhấc đường ống lên để phục vụ thi công đường nhưng xã không có kinh phí hỗ trợ. Vì vậy, năm nay, khi Nhà nước đầu tự dự án Nông thôn mới kiểu mẫu cho xã, chúng tôi sẽ cùng ông Thắm đề nghị Nhà nước và chủ đầu tư dự án hỗ trợ kinh phí cho Nhà máy nước Minh Tân nếu phải di chuyển đường ống để phục vụ cho xây dựng đường sá, cầu cống…”.