Hai xã miền núi cuối cùng của huyện Ba Vì đủ điều kiện về đích Nông thôn mới
Thành công nhờ sự đồng thuận của người dân
Nằm ở khu vực miền núi của huyện Ba Vì, hai xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng (huyện Ba Vì) có xuất phát điểm xây dựng Nông thôn mới khá thấp. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính của đồng bào hai dân tộc Kinh và Mường, do đó thu nhập còn nhiều hạn chế.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hai xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Trung ương, UBND thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì. Tính đến tháng 8/2021, xã Tản Lĩnh đã huy động được hơn 231,6 tỷ đồng cho xây dựng Nông thôn mới; Xã Khánh Thượng huy động được khoảng 210,5 tỷ đồng.
Mặc dù quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn song hai xã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình và tham gia tích cực của các tầng lớn Nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó là sự chia sẻ của các quận nội thành. Trong tổng ngân sách đã huy động được (nêu trên), các quận hỗ trợ xã Tản Lĩnh hơn 15,3 tỷ đồng; Hỗ trợ xã Khánh Thượng khoảng 17,5 tỷ đồng.
Mô hình trồng hoa mai trắng tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Ảnh: Trọng Tùng) |
Có thể thấy rõ, nguồn lực đầu tư lớn từ các cấp, ban ngành, tầng lớp Nhân dân đã góp phần quan trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của hai xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng. Diện mạo nông thôn được đổi mới; An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các địa phương không ngừng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của hai xã Tản Lĩnh, Khánh Thượng đều đạt hơn 50 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện lần lượt còn 0,83 và 1,88%.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (Ba Vì) cho biết: Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội của xã Khánh Thượng đã có bước phát triển tốt, tốc độ phát triển kinh tế hằng năm duy trì ở mức 20%. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, tăng hơn 17,6 triệu đồng so với 5 năm trước.
Cơ cấu kinh tế địa phương có bước chuyển dịch tích cực, một số mô hình kinh tế trang trại, trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại trong 5 năm qua đã đạt tỷ trọng 72% tổng thu nhập.
Nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí
Trước sự cố gắng, nỗ lực của hai xã Tản Lĩnh, Khánh Thượng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, đại diện các sở ngành, thành viên tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn Nông thôn mới Hà Nội đánh giá cao kết quả xây dựng Nông thôn mới mà các địa phương đã đạt được.
Qua đó, thành viên tổ công tác đồng tình và thống nhất cao với số điểm đánh giá, đồng thời đề xuất trình Hội đồng thẩm định thành phố Hà Nội xét, công nhận hai xã vùng đồng bào dân tộc huyện Ba Vì về đích Nông thôn mới trong năm 2021.
Như vậy, với việc có thêm hai xã đủ điều kiện về đích, huyện Ba Vì sẽ có 7/7 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Trước đó, 5 xã của huyện đã về đích Nông thôn mới là: Ba Trại, Vân Hòa, Ba Vì, Minh Quang và Yên Bài.
Nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt vùng nông thôn Ba Vì ngày càng khởi sắc |
Đánh giá về công tác xây dựng Nông thôn mới tại hai xã Tản Lĩnh, Khánh Thượng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay, với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, kết quả xây dựng Nông thôn mới mà hai xã Tản Lĩnh, Khánh Thượng đạt được là rất đáng khích lệ. Ở đó, vai trò làm chủ của Nhân dân đã được phát huy cao độ.
“Thành quả ngày hôm nay không chỉ nhờ sự quan tâm của thành phố, sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp chính quyền, còn là sự tham gia tích cực, chủ động của các tầng lớp Nhân dân. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn đóng góp lớn đối với mục tiêu chung”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Chí cũng cho rằng, sự vào cuộc của người dân dù cuộc sống còn nhiều khó khăn là “điểm sáng” lớn trong xây dựng Nông thôn mới tại hai xã vùng dân tộc miền núi Tản Lĩnh, Khánh Thượng. Dù vậy, hai địa phương cần tiếp tục có những giải pháp cụ thể để nâng cao các tiêu chí, hướng đến mục tiêu xa hơn là xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Quan trọng hơn là đáp ứng sự hài lòng của người dân đối với thành quả xây dựng Nông thôn mới.
Vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Vì đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2023.
Đến năm 2025, huyện có 6 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao gồm: Cổ Đô, Sơn Đà, Phú Phương, Tản Hồng, Thuần Mỹ, Ba Trại; Phấn đấu có 4 khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Thôn La Thiện thuộc xã Tản Hồng, thôn Tân Phong thuộc xã Phong Vân, thôn 4 thuộc xã Ba Trại và thôn Cổ Đô thuộc xã Cổ Đô.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |