Hàn Quốc - thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn với lao động Việt
Đăng ký dự thi tiếng Hàn, tuyển gần 2.800 người đi xuất khẩu lao động
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ Lao động, thương binh & Xã hội Việt Nam đã có Bản ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc.
Thực hiện nội dung Bản ghi nhớ, kỳ thi tiếng Hàn năm 2022 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành Sản xuất chế tạo, Nông nghiệp, Ngư nghiệp sẽ được tổ chức trong năm nay.
Người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Kỳ thi tiếng Hàn năm 2022 dự kiến tuyển 2.777 người đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó ngành Sản xuất chế tạo 1.500 người, ngành Nông nghiệp 855 người, ngành Ngư nghiệp 422 người.
Người lao động muốn sang Hàn Quốc lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động của Hàn Quốc (EPS) phải tự học tiếng Hàn để đủ trình độ tham dự và vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động, thương binh & Xã hội Việt Nam tổ chức.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2022 phải có đủ các điều kiện: Tuổi từ 18 đến 39 tuổi; không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì tổng thời gian cư trú phải dưới 5 năm.
Đồng thời, người lao động không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Người lao động có đủ sức khỏe đi làm việc tại nước ngoài theo quy định của Bộ Y tế; không bị mù màu, rối loạn sắc giác.
Những người bị đứt, cụt ngón tay hoặc chấn thương, dị tật cột sống vẫn được đăng ký dự thi, tuy nhiên việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra tay nghề. Ngoài ra, còn có những điều kiện bổ sung đối với từng ngành.
Người lao động thuộc đối tượng nêu trên có nguyện vọng đăng ký dự thi tiếng Hàn trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để đăng ký, không nhờ người đăng ký hộ hay thông qua bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới trung gian nào.
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu lao động
Năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong năm 2021, cả nước vẫn đưa được hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường Hàn Quốc thu hút 1.036 lao động Việt Nam, đứng vị trí thứ ba trong các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận nhiều lao động nước ta nhất.
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc. |
Trong năm 2021, hợp tác lao động-việc làm giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã ghi nhận một điểm mới tích cực. Lần đầu tiên, hai quốc gia đã ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Văn bản này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội. Qua đó, hướng tới tránh việc đóng 2 lần bảo hiểm xã hội với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được 2 quốc gia công nhận lẫn nhau.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát trong và ngoài nước, lao động Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn đối với các thị trường truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong đó, xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động ngoài nước theo chương trình EPS ở mức 59.000 người, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021.
Số lượng lao động theo chương trình EPS được phân bổ theo ngành, nghề như sau: Ngành sản xuất chế tạo: 44.500 chỉ tiêu, tăng 6.800 chỉ tiêu so với năm 2021; Ngành nông nghiệp, chăn nuôi: 8.000 chỉ tiêu (tăng 1.600 chỉ tiêu so với năm 2021; Ngành ngư nghiệp: 4.000 chỉ tiêu, tăng 1.000 chỉ tiêu so với năm 2021; Ngành xây dựng: 2.400 chỉ tiêu, tăng 600 chỉ tiêu so với năm 2021; Ngành dịch vụ: 100 chỉ tiêu, giữ nguyên so với năm 2021.
Dự báo, trong những năm tới, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam từ những thị trường truyền thống trong khu vực Châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực.
Tthị trường Hàn Quốc được nhiều người lao động lựa chọn bởi đây là nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất, nhì châu Á. Theo đó người lao động sẽ có nhiều việc làm và cơ hội tiếp cận công nghệ, trang thiết bị hiện đại.
Mức lương lại khá cao, chủ sử dụng lao động cũng rất thích sự cần cù, chịu khó, siêng năng của lao động Việt. Sau khi về nước người lao động dễ tìm kiếm được việc làm.
Đặc biệt, từ khi thực hiện việc ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, cùng với các văn bản hướng dẫn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân gia đình có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp tham gia đi làm việc có thời hạn tại thị trường Hàn Quốc.